Anh Ấy Có Bầu: Hoán đổi giới tính để cất lên tiếng nói của phụ nữ
Gây tò mò ngay từ tựa phim, “Anh Ấy Có Bầu” là một tác phẩm gây nhiều tranh luận đến từ Nhật Bản - xứ sở nổi tiếng với những ý tưởng “quái chiêu”. Nếu như nam giới có thể mang thai, mọi người sẽ náo loạn đến mức nào? Nhưng thay vì xây dựng nhiều “drama”, bộ phim mang đến một câu chuyện dễ hiểu, khá thú vị và có phần lạc quan quá mức.
*Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim.
Bộ phim “Anh Ấy Có Bầu” lấy bối cảnh Nhật Bản giả tưởng nơi mỗi năm có khoảng 40 ca đàn ông mang thai. Hiyama Kentaro (Saito Takumi) là một chuyên viên marketing sở hữu nhiều ý tưởng ấn tượng, đang trên đà thăng tiến với những chiến dịch độc đáo. Anh chàng có đời sống tình cảm khá “phong phú”, nhưng không thật sự nghiêm túc với bất cứ ai.
Hiyama không thể nào ngờ được có ngày anh trở thành một thành viên của hội thiểu số những người đàn ông có mang. Mẹ của đứa trẻ là Aki (Ueno Juri), một cây bút tự do đang cố gắng bám trụ ở Tokyo mà không đánh mất đam mê viết lách, đồng thời không muốn kết hôn. Sự kiện bất ngờ đẩy cả hai vào những suy nghĩ và quyết định họ chưa từng mơ tưởng đến.
Hoán đổi giới tính để bóc trần vấn nạn “bắt nạt thai sản”
“Anh có chắc đó là con của em không?”
“Em nói y hệt những gã đàn ông khác, khiến phụ nữ có thai rồi bảo ‘Ồ anh hiểu’, rồi ký đơn như thể không phải việc của mình.”
Thật buồn cười khi những phản ứng quá đỗi quen thuộc trong hàng tá bộ phim từ Đông sang Tây chúng ta từng xem nay bị đảo ngược. Nam giới - phía luôn bị cho là phải “chịu trách nhiệm” khi bạn tình có mang nay trở thành bên bị động, dễ tổn thương. Còn Aki, đối diện với người tình có mang của mình, cô không thể kiềm được suy nghĩ nếu anh sinh con, vậy cô có thể trở thành mẹ mà không cần trải qua nỗi đau sinh nở, có thể làm mẹ mà không cần quãng nghỉ dài ngày cản trở sự nghiệp mình đang dốc lòng xây dựng.
Trong suốt thời gian mang thai, Hiyama đã có những trải nghiệm lạ lẫm. Núm vú rỉ sữa, thèm ăn liên tục, ốm nghén, đầu óc hoang mang, và rồi khi những thay đổi sinh lý cùng tâm trạng xáo trộn khiến Hiyama mắc lỗi trong công việc, anh bị gạt khỏi dự án chính mình đã lên ý tưởng.
Trong phim, chúng ta thấy Hiyama vì chưa kịp thích ứng với những biểu hiện sinh lý mới của cơ thể mà bị gạt khỏi dự án anh dốc lòng xây dựng. Nhìn ra thực tế, đã có bao nhiêu phụ nữ vì chuyện thai sản, gia đình mà đánh mất cơ hội thăng tiến hay bị hạn chế cơ hội tiếp cận việc làm? Và thêm bao nhiêu phụ nữ nữa muốn có con nhưng vì sợ ảnh hưởng sự nghiệp nên chần chừ? Định kiến xã hội đã và vẫn đang siết một gông cùm lên những quyết định cá nhân tưởng như là quyền cơ bản của con người.
Cách tiếp cận vấn đề quyết định ta là ai
“Anh Ấy Có Bầu” muốn truyền đạt thông điệp rất quen thuộc: hãy tôn trọng sự đa dạng và khác biệt. Nhân vật chính của chúng ta biết rõ nếu để lộ chuyện có thai, anh sẽ đối mặt cùng lúc với hai mũi dùi định kiến: bắt nạt thai sản và kỳ thị sự cá biệt. Vì thế anh vốn định phá bỏ cái thai.
Nhưng khi nhận thấy cơ hội, anh tự đề xuất bản thân trở thành người mẫu cho chiến dịch quảng bá dùng những mẫu hình cá biệt trong xã hội, tự phơi bày bản thân với thế giới, đồng thời trở thành người nắm thế chủ động.
Lúc đầu, có thể Hiyama chỉ muốn giữ lại cái thai để làm tiền đề thăng tiến, nhưng rồi việc chia sẻ với những người đàn ông có thai khác đã khiến anh muốn trở thành một người bố thực thụ. Câu chuyện diễn biến dễ đoán, khi tình phụ tử thật sự nảy nở, Hiyama nghiêm túc muốn bảo vệ sinh linh trong bụng mình, đồng thời nghĩ cách cho con một môi trường trưởng thành tốt đẹp.
Dẫu đã có lúc lung lay, Hiyama vẫn cố gắng kiên định với con đường mình đã chọn. Điều đáng quý nhất ở nhân vật này là lòng trung thành với những giá trị cơ bản và sự quyết đoán trong hành động. Sự táo bạo của anh đã giúp tạo nên những ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng thiểu số những người đàn ông có mang nói riêng và những con người khác biệt với đa số nói chung.
Xem thêm: Những kiểu quấy rối thường gặp tại NhậtThắt mở nút đơn giản, cách truyền đạt còn lý thuyết
Với thời lượng ngắn, chỉ 8 tập phim, mỗi tập 25 phút, câu chuyện của “Anh Ấy Có Bầu” khá đơn giản. Phim chỉ tạo bối cảnh một thế giới giả tưởng nơi nam giới có thể mang thai mà không giải thích vì sao. Nếu đang tìm kiếm một tác phẩm đáp ứng cả về mặt logic lẫn thông điệp, đây hẳn không phải là một lựa chọn tiềm năng.
Thế giới trong phim được khắc hoạ tương đối tươi sáng. Mọi người nhanh chóng tiếp nhận thông tin mới, nhận thức của họ được cải thiện trong thời gian ngắn. Định kiến xã hội hay góc tối trong ngành truyền thông đều được khai thác nhưng chỉ như một cái chạm lướt. Đồng thời, cái kết có hậu dễ đoán của hầu hết các nhân vật càng góp phần vào không khí có phần lạc quan thái quá của toàn phim.
Các nút thắt tâm lý được tháo gỡ nhanh gọn cũng khiến khán giả đôi khi khó đồng cảm với nhân vật dù đó lẽ ra phải là chi tiết cảm động. Hẳn nhiên, phim có không ít thông điệp nhân văn bên cạnh lời kêu gọi cốt lõi, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu những chiêm nghiệm về tình yêu, gia đình, cuộc sống được truyền đạt một cách thú vị hơn thay vì chủ yếu dựa vào lời thoại của hai nhân vật chính.
Tựu trung, “Anh Ấy Có Bầu” rõ ràng không xuất sắc, nhưng vẫn là một phép thử thú vị. Thay vì chỉ trích phim cổ xuý một hiện tượng phản tự nhiên, ta có thể xem nó như một tác phẩm truyền đạt tiếng nói của phụ nữ có thai bằng cách giả định hoán đổi giới tính.
Dẫu còn non nớt, bộ phim vẫn cất lên một tiếng nói đáng lắng nghe về thực trạng người có mang hay nhóm thiểu số bị phân biệt đối xử, giới hạn cơ hội vì các đặc điểm sinh lý. Những tiếng nói như thế này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh nạn bắt nạt thai sản vẫn hoành hành trong nhiều ngành công nghiệp bất chấp sự đấu tranh của nhiều người trẻ hiện đại.
Thông tin bộ phim:
- Tựa gốc: Hiyama Kentaro no Ninshin (ヒヤマケンタロウの妊娠)
- Thể loại: Hài hước, chính kịch
- Số tập: 8
- Đạo diễn: Hakota Yuko, Kikuchi Takeo
- Diễn viên: Saito Takumi, Ueno Juri
- Phát hành: Netflix
kilala.vn
08/09/2022
Bài: An Thủy
Ảnh: Netflix, IMDB
Đăng nhập tài khoản để bình luận