5 điều tôi thích ở phim “Dáng hình thanh âm”
Trong năm 2016, “Koe no Katachi” (tên tiếng Việt: “Dáng hình thanh âm”) là một trong những movie anime nổi bật nhất tại các phòng vé của Nhật. Dẫu nét vẽ dễ gây liên tưởng đến những anime tình cảm học đường nhẹ nhàng, nội dung khai thác những đề tài không mới như nhân vật bị khuyết tật, nạn bắt nạt học đường hay mặc cảm tội lỗi, nhưng “Dáng hình thanh âm” vẫn ghi điểm nhờ có đồ họa đẹp, nhạc phim hay, và hơn hết khiến người xem phải suy ngẫm đến những vấn đề sâu xa hơn như: tình bạn là gì, phải đối diện với lầm lỗi trong quá khứ như thế nào, hay sự khó khăn của việc thấu hiểu nhau.
1. Sự chân thực chạm vào lòng người
“Koe no Katachi” khai thác một đề tài phổ biến và tạo ra những tình tiết mà bất cứ ai cũng đều thấy đồng cảm.
"Tác phẩm khiến tôi cảm nhận được nỗi sợ khi đứng trước sự đổi thay của chính mình.” – Hajime Isayama, tác giả của siêu phẩm “Shingeki no Kyojin” (Đại chiến Titan) bình luận.
Lấy motif về nhân vật chính bị khiếm thính và nạn bắt nạt học đường, nhưng điều khiến người xem ấn tượng nhất ở “Dáng hình thanh âm” là cảm giác tội lỗi của một kẻ từng bắt nạt người khác, là những cảm xúc không thể truyền tải cũng như cái khó của việc thấu hiểu của nhau.
Không một ai chưa từng sai trái, chưa một lần làm tổn thương ai, nhưng phải làm sao để đối diện và sửa chữa lỗi lầm không phải là điều có thể thực hiện trong một sớm một tối. Shoya Ishida đã từng là một đứa trẻ ngỗ ngược, kẻ “đầu têu” bắt nạt cô bạn khiếm thính Shoko Nishimiya.
Khi Shoko buộc phải chuyển trường, đến lượt Shoya bị xa lánh, cô lập. Trong suốt 6 năm, tức 1/3 cuộc đời của chàng trai 18 tuổi, cậu đã nếm trải qua những cảm xúc đắng chát nhất, đã từng nghĩ đến cái chết và rồi nung nấu ý định tìm gặp lại Shoko để bù đắp những tổn thương mình gây ra trước đây. Bị những người biết chuyện quá khứ mắng nhiếc là “ra vẻ người tốt”, “chỉ để thỏa mãn bản thân”, Shoya khổ sở vì không định nghĩa được cảm xúc của mình, không thể truyền đạt tâm tư cho Shoko thấu hiểu.
Thứ chướng ngại lớn nhất được đặt giữa những nhân vật với nhau – Shoya và Shoko, Ueno và Shoya, Shoko và Ueno,… lại không phải là rào cản ngôn ngữ, không đơn giản chỉ là rào cản ngôn ngữ. Vì những tường cao, hố sâu vô hình vô dạng đó, từng người từng người một đều quá bế tắc khi phải rướn qua để bày tỏ cũng như lắng nghe từ đối phương “tiếng nói” chân thật từ đáy lòng mình.
2. Suy ngẫm về định nghĩa “tình bạn”
Tự cô lập mình để phủ nhận việc bản thân bị xung quanh cô lập, trong mắt của Shoya, mọi kẻ đều gắn trên mặt dấu “X” như khẳng định cậu đã hoàn toàn mất kết nối với họ, không còn cần những con người đó tồn tại trong cuộc đời mình.Nhưng trong khi giày vò bản thân vì hai chữ “tình bạn”, nhờ Shoko mà cậu đã móc nối lại với những bạn học cùng lớp trước đây, những mối quan hệ mới cũng dần được mở ra. Rốt cuộc tình bạn là gì, chỉ có thể dùng con tim để cảm nhận, vì “tình bạn” ấy không có một hình hài cụ thể cũng như không thể diễn đạt bằng lí thuyết, ngôn từ. Hành trình kết nối trái tim trong “Dáng hình thanh âm” chắc chắn chính là cơ hội để mỗi người rút ra một định nghĩa cho riêng mình, vì mình về tình bạn.
3. Diễn xuất xuất sắc của Saori Hayami
“Dáng hình thanh âm” quy tụ một dàn seiyuu tuyệt vời, trong đó có Saori Hayami – người đảm nhận lồng tiếng cho nhân vật khiếm thính Shoko. Vượt qua một thách thức lớn về ngôn ngữ, có thể nói Hayami đã không thể thành công hơn được nữa. Từ giọng phát âm ngọng nghịu, tiếng hát lỗi nhịp đến cảm xúc giận dữ của Shoko trong lúc ẩu đả với Shoya đều rất chân thực, rất sinh động.
Đặc biệt cảnh Shoko dập đầu xin lỗi Ueno, hay những tiếng gào khóc không thành lời của cô bên thành cầu trong đêm vắng như xuyên cắt qua tim khán giả. Tác giả của nguyên tác, Yoshitoki Oima cũng bày tỏ cảm nhận của cô về vai diễn này: “Sự căng thẳng mà tôi cảm nhận được mỗi khi nghe giọng của Shoko do cô Hayami thể hiện rất giống như sự căng thẳng khi tôi lắng nghe giọng của một người khiếm thính thật sự. Rất chân thật”.
4. Nhạc phim: tuyệt vời
Âm nhạc trong phim nhẹ nhàng và trọn vẹn. Những bản soundtrack được lồng ghép vào các phân cảnh rất hợp cảnh hợp tình, như giai điệu được sử dụng trong những cảnh bắt nạt có tiết tấu khá dồn dập, giai điệu khi Shoya chìm trong sự giày vò bản thân thì vừa tĩnh lặng, vừa nặng nề như thể có điều gì tồn đọng, vướng mắc trong lòng. Ngay đến cả câu hát vu vơ của Shoya, nhà sản xuất cũng dụng công chắc lọc từ ca khúc “Kaijuu no ballad” (Bản ballad của quái vật) để thể hiện tình cảm của nhân vật này: “Tôi muốn yêu một ai đó. Dẫu là quái vật cũng có trái tim” (人を愛したい、怪獣にも心はあるのさ).
Đặc biệt, lấy ý tưởng từ tính chất của máy trợ thính là có tỷ lệ SNR thấp nên xen lẫn nhiều tạp âm, cách sử dụng tạp âm piano của Kensuke Ushino trong ca khúc kết phim “Koi wo Shita no wa” khiến người nghe như cảm nhận được thứ âm thanh reo vang trong cơ thể, để qua đó diễn tả thay cho thế giới nội tâm mà Shoko không thể truyền đạt bằng lời. Có thể nói âm nhạc chính là lợi thế và cũng là thành công lớn của anime so với nguyên tác manga.
5. Bước tiến mới của đạo diễn Naoko Yamada và Kyoto Animation
Nữ đạo diễn Naoko Yamada – nhân vật “đầu tàu” của studio Kyoto Animation vốn nổi tiếng với những tác phẩm ăn khách như “K-ON!”, “Tamako market”… Khi dàn dựng phông nền cho “Dáng hình thanh âm”, bên cạnh những khung cảnh tuyệt đẹp như ánh nắng lấp lánh chiếu xiên qua chiếc cầu nơi Shoko thường cho cá ăn, con đường mà Shoya đạp xe qua hàng ngày, hay cảnh pháo hoa trong đêm lễ hội,… cách nữ đạo diễn tận dụng cảnh đàn cá bơi trong làn nước hay những cành hoa dại ven đường để chuyển cảnh cũng gây ấn tượng đặc biệt.
Ngoài ra những khuôn mặt, đôi môi, bàn tay hay đến đôi chân trong những thước phim cận cảnh cũng có dụng ý diễn đạt cảm xúc của nhân vật. Đó là một đặc trưng trong phong cách thể hiện của vị nữ đạo diễn tài năng này.
Kyoto Animation mà cô sở thuộc cũng được đánh giá cao nhờ những anime về đời sống của các nữ sinh trung học với nét vẽ trong sáng, dễ thương. Tuy nhiên đối tượng mà trước nay studio này hướng đến vẫn chỉ giới hạn trong giới fan hâm mộ anime.
Nhưng khi đến với một tác phẩm chạm sâu vào những khía cạnh trong bản chất con người như “Dáng hình thanh âm”, KyoAni đã có cú nhảy vọt mới để thâm nhập vào cộng đồng người yêu thích điện ảnh nói chung, và rồi phá vỡ kỉ lục của movie “K-ON!” trước đó chỉ sau vài tuần đầu công chiếu. Đây là điều mà bất cứ fan nào của studio danh tiếng này cũng có thể trông đợi và tự hào.
Tuy vẫn tồn tại một điểm hạn chế đó là sự bó buộc về thời lượng khiến nhiều tình tiết trong nguyên tác bị lược bớt và đơn giản hóa đi, những nhân vật phụ vẫn chưa có nhiều "đất diễn" để thể hiện hết những cá tính riêng,. nhưng sự đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh và âm thanh vẫn là điểm sáng giúp phim chinh phục ngay cả những fan khó tính nhất.
Tóm lại, “Koe no Katachi” là một bộ phim đạt doanh thu “khủng” tiếp sau bom tấn “Kimi no Na wa” (Tên cậu là gì?), nhưng nếu “Kimi no Na wa” là một bát súp đậm đà, có thể khiến bạn say mê ngay từ lần thưởng thức đầu tiên, thì “Koe no Katachi” lại mang những dư vị sâu lắng nhẹ nhàng, cần phải cảm nhận bằng trái tim mới có thể chạm đến tầng sâu bên dưới.
Đánh giá của Kilala:
Nội dung: 3.7/5 sao
Âm nhạc: 4.7/5 sao
Đồ hoạ: 4.5/5 sao
Lê L. Ngọc/ kilala.vn
15/05/2017
Bài: Lê L. Ngọc/ Ảnh: Encore Films Vietnam
Đăng nhập tài khoản để bình luận