5 điều có thể bạn chưa biết về bộ phim “Alice in Borderland”
Alice in Borderland hiện đang là bộ phim gây sốt trên Netflix. Nếu bạn cũng đã hoặc đang theo dõi bộ phim, liệu bạn đã biết về 5 điều thú vị này chưa?
Điện ảnh Nhật Bản luôn có một sức hút kì lạ với những người yêu thích văn hóa của xứ sở hoa anh đào. Vào tháng 12 vừa qua, Netflix đã bổ sung rất nhiều tựa phim Nhật Bản với đủ thể loại từ lãng mạn đến kinh dị hay giả tưởng như Life as a girl, Kamome Shokudo hay Another World,. trong đó không thể không nhắc đến Alice in Borderland hiện đang nhận được rất nhiều sự chú ý của các fan Netflix.
Sơ lược về bộ phim Alice in Borderland
Alice in Borderland là được chuyển thể từ bộ manga cùng tên của tác giả Haro Aso, do Shinsuke Sato làm đạo diễn. Lấy bối cảnh ở giao lộ Shibuya để mở đầu bộ phim, một nhóm 3 người bạn đã cùng nhau “làm trò” ở giao lộ và bị cảnh sát khu vực truy bắt. Trong lúc chạy trốn, cả 3 người này đã cùng nhau chạy vào một nhà vệ sinh. Tại đây, họ phát hiện ra mình đột nhiên bị đưa đến một thế giới trò chơi sinh tồn và buộc phải trải qua nhiều thử thách khác nhau để tìm đường quay về thế giới thực.
Khác với đa phần các bộ phim chuyển thể từ manga sang live-action sẽ bỏ qua nhiều chi tiết, Alice in Borderland đã chứng minh mình là một ngoại lệ nhờ sự chú trọng đến từng tiểu tiết dù là nhỏ nhất của đạo diễn. Đó cũng là lí do mà dù bộ phim chỉ mới được ra mắt vào đầu tháng 12 vừa qua nhưng đã nhận được nhiều sự ủng hộ để sản xuất phần tiếp theo.
5 điều bạn có thể chưa biết về bộ phim Alice in Borderland
Tính cách nhân vật được dựa trên chính tác giả
Haro Aso, tác giả bộ truyện cho biết, tính cách các nhân vật được anh khắc họa dựa trên chính bản thân mình. Aso chia sẻ rằng: “Tôi nhìn về bản thân mình ở độ tuổi 20, thấy sự thiếu định hướng của bản thân vào thời điểm đó và tạo ra nhân vật Arisu.” Bên cạnh đó, dựa trên tính cách độc lập và khả năng tự lập của mình, Aso đã tạo ra một Usagi mạnh mẽ.
Cảnh phim ở giao lộ Shibuya không quay ở Shibuya
Trong tập đầu tiên của Alice in Borderland có cảnh quay bộ ba đang vui chơi ở giao lộ Shibuya nổi tiếng tại Tokyo. Nhưng bạn có biết rằng cảnh quay đó không được quay tại Shibuya? Thay vào đó, cảnh quay này được thực hiện tại “bản sao” của Shibuya ở tỉnh Tochigi.
Cảnh quay "one-shot"
Ở 4 phút của cảnh phim Arisu cùng bạn bè chạy từ giao lộ Shibuya đến nhà vệ sinh để tránh sự truy bắt của cảnh sát, đoàn phim đã phải sắp xếp tất cả mọi thứ xuất hiện nhanh chóng, kể cả chuyển cảnh, bởi đây là một cảnh quay "one-shot". Bên cạnh đó, để trông cảnh phim thật hơn, các chi tiết phụ như cảnh va chạm trong quá trình nhân vật chạy đều được thêm vào trong quá trình hậu kì bằng CGI, bao gồm cả bóng của tòa nhà Tokyu xuất hiện trên giao lộ.
Ekip quốc tế cho một cảnh phim
Để tạo ra cảnh con hổ xuất hiện trong tập 5 của bộ phim, một ekip quốc tế bao gồm các studio ở Nhật Bản, Singapore, Mỹ và Ấn Độ đã phải cùng nhau làm việc. Bên cạnh đó, người giám sát dự án là đạo diễn người Hà Lan - Erik-Jan De Boer, cũng chính là người đã giành được Giải thưởng Viện hàn lâm cho việc tạo ra con hổ trong phim "Life of Pi".
Quan sát tỉ mỉ từng chi tiết
Hình ảnh con báo đen xuất hiện trong tập 4 là một sự "đồng tâm hiệp lực" của đội hiệu ứng hình ảnh tại Digital Frontier. Như một phần của việc nghiên cứu cảnh quay, nhóm nghiên cứu đã đến một vườn bách thú để quan sát cách di chuyển và bộ lông của con vật.
kilala.vn
26/01/2021
Bài: Quỳnh Thư
Ảnh: timeout.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận