Mai Hoài Giang: Cô gái Huế nâng tầm xích lô Việt trên đất Nhật
Sang Nhật Bản du học từ năm 2004, đến nay, chị Mai Hoài Giang đã thành công xây dựng thương hiệu “Cyclo Limousine - Xích lô Limousine” trên phố Ginza xa hoa bậc nhất ở đất nước Mặt trời mọc, xuất phát từ khát khao bảo tồn nét văn hoá xích lô truyền thống và xây dựng hình ảnh một Việt Nam đẳng cấp, sang trọng với thế giới.
Chị Mai Hoài Giang sinh ra ở vùng đất cố đô xinh đẹp cổ kính. Từ nhỏ, chị đã được truyền đam mê và tình yêu với đất nước Nhật Bản từ mẹ, một giáo viên dạy tiếng Nhật đã dìu dắt nhiều thế hệ học trò trong gần 30 năm qua. Mẹ chị, cô giáo Trần Phương Liên bị liệt từ nhỏ, bà là tấm gương nỗ lực vượt qua mọi khó khăn và là nguồn động lực, cảm hứng lớn nhất của chị. Chính vì thế, vào năm 18 tuổi, cô gái Mai Hoài Giang đã quyết định sang Nhật Bản du học và thực hiện ước mơ của mình. Từ một cô sinh viên năm nhất bắt đầu từ con số 0, chị Giang đã có một gia đình nhỏ với con trai gần 12 tuổi, một công ty riêng có tên là RAROMA với dự án “Xích lô Limousine” độc đáo.
Dự án “Xích lô Limousine” được chị Giang phát triển từ năm 2017, mang đến trải nghiệm khám phá con phố Ginza (Tokyo) hoa lệ trên chiếc xích lô truyền thống của Việt Nam. Hiện tại, dự án này bao gồm ba loại hình dịch vụ chính: “Ginza Beauty Course” đưa du khách khám phá nhiều địa điểm từ truyền thống đến hiện đại tại Ginza; “Cyclo Couples Date” với gói chụp ảnh kèm theo dành cho các cặp đôi, đặc biệt bao gồm hướng dẫn cách chạy xích lô; “Cyclo Limousine for Promotion” dành cho các thương hiệu muốn hợp tác để tổ chức sự kiện, hoạt động du lịch.
Ngoài vai trò Giám đốc điều hành của RAROMA, với tình yêu dành cho quê hương Việt Nam và khát khao kéo gần khoảng cách Việt - Nhật, chị còn tích cực chung sức vào các hoạt động thuộc nhiều đơn vị như: Tổ chức Hỗ trợ nguồn nhân lực người nước ngoài Huredee, ベトナムフェスティバル – Vietnam Festival.
Làm thế nào để một người phụ nữ Việt có thể một mình khởi nghiệp trên đất Nhật với một sản phẩm mới mẻ, lạ lẫm như xích lô? Hay bằng cách nào một người vợ, người mẹ ở Nhật vẫn phát triển và có được một sự nghiệp của riêng mình? Kilala đã may mắn có cơ hội trò chuyện với chị Mai Hoài Giang về hành trình truyền cảm hứng của chị tại đất nước Mặt trời mọc.
Q: Chào chị Mai Hoài Giang! Được biết đến chị là người con gái Huế khởi nghiệp với dự án “Xích lô Limousine” tại Ginza, Nhật Bản, chị Giang có thể cho biết cơ duyên nào khiến chị chọn xích lô Việt Nam để lập nghiệp tại đất nước Mặt trời mọc?
Tại Nhật, vào thời điểm đó đã có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam như bánh mì, áo dài, phở… nhưng lại chưa có xích lô, nên mình mong muốn mang một phần của quê hương sang đây. Sinh ra ở Huế, ngay từ bé, mình thường cùng bà đi chợ bằng xích lô nên nó đã trở thành một phần thân thuộc trong cuộc sống. Càng tìm hiểu, mình nhận ra văn hoá xích lô ở Việt Nam ngày càng phai nhạt dần theo sự phát triển của đất nước, nên mình muốn làm gì đó để giữ gìn nét đẹp văn hoá này. Tại Nhật Bản, văn hoá xe kéo Jinrikisha (人力車) ở Tokyo rất phát triển, nên nếu xích lô Việt Nam cũng có mặt ở đây thì quả là điều tuyệt vời. Vì vậy, mình đã quyết định nghỉ việc, khởi nghiệp, đưa xích lô Việt Nam sang Nhật chạy thử.
Q: “Xích lô Limousine” có những điểm gì khác so với xích lô thông thường ở Việt Nam?
A: Điểm khác biệt của “Xích lô Limousine” với những xích lô thông thường khác là ở “Limousine”. Ngày xưa, xích lô Việt Nam là do người Pháp sáng chế rồi mang sang nước mình, lúc bấy giờ, chỉ có những quý bà, quý cô mới dùng đến. Mình cảm thấy đó là hình ảnh rất đẹp. Tuy nhiên, người nước ngoài khi nghĩ tới Việt Nam thường quan niệm nước mình là một đất nước có nhiều sản phẩm rẻ, nhân công giá rẻ, con người cần cù, chăm chỉ nhưng vẫn còn chưa ngang bằng được các nước phát triển. Nước mình rất giỏi, sản phẩm cũng hay nhưng chỉ là mình chưa biết cách làm thương hiệu.
Nói đến Ý, người ta nghĩ ngay đến sản phẩm da, Pháp là nước hoa, thời trang, vậy nói đến Việt Nam, có những sản phẩm, thương hiệu gì có thể sánh vai được các cường quốc năm châu nhỉ? Với ước muốn này, mình nghĩ nếu đưa xích lô sang Nhật, mình sẽ không quảng bá hình ảnh một bác đạp xích lô vất vả ngoài trời đưa đón khách đi du lịch, không phải vì không yêu quý hình ảnh đó, mà Giang muốn tạo ấn tượng “Xích lô Limousine” sang trọng, đẳng cấp nhằm cải thiện hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.
Với hướng phát triển này, mình đã chọn khu Ginza sầm uất, giàu có bậc nhất ở Nhật để bắt đầu. Tài xế chạy “Xích lô Limousine” cũng phải đáp ứng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt như cao trên 1m72, nói được từ 2 đến 3 thứ tiếng, có nụ cười thật tươi. Bởi xe tốt chỉ là một phần, người cung cấp dịch vụ mới chính là "Tamashii” (魂) – linh hồn của dịch vụ.
Điểm khác biệt tiếp theo của “Xích lô Limousine” là phần lớn mọi người nghĩ rằng đây là loại hình dịch vụ chỉ phục vụ cho du lịch, nhưng công ty RAROMA phát triển nó nhằm quảng bá sự kiện và làm thương hiệu.
Q: Là một loại hình dịch vụ mới tại Nhật, chị Giang đã làm thế nào để đưa “Xích lô Limousine” đến gần hơn với người Nhật?Xe tốt chỉ là một phần, người cung cấp dịch vụ mới chính là "Tamashii” (魂) – linh hồn của dịch vụ.
A: Đây là một câu chuyện kéo dài hơn 5 năm. Đầu tiên, mình phải tìm nơi sản xuất xích lô mới vì hầu hết xích lô ở Việt Nam đều đã qua sử dụng, mà Nhật Bản không cho phép nhập xe cũ. May mắn, mình đã tìm được một xưởng sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh và tiến hành đặt hàng xe xích lô theo nhiều tiêu chí như làm từ thép không gỉ, chọn màu, mui nền cho xe… Mình quyết định đặt 5 chiếc xích lô để nhập khẩu sang Nhật. Đến lúc nhập cảnh, cơ quan Hải quan Nhật đã rất ngạc nhiên và đặt vô số câu hỏi, mình cần khai báo thật chi tiết để thông quan.
Trước khi đưa xích lô sang Nhật, mình đã phải làm việc với Cục cảnh sát bên Nhật để xe được phép lưu thông trên đường phố. Một khó khăn nữa phát sinh là xích lô ở Nhật không có điểm dừng giống như ở Việt Nam, nên Giang phải làm việc tiếp với cảnh sát và tìm đường chạy cho xích lô. Vừa tìm đường cho xe chạy, mình cũng phải lựa chọn những địa điểm đẹp cho khách chiêm ngưỡng nữa, thành ra ngày nào cũng phải hì hục đi kiếm. Tiếp đến, mình làm việc với các cửa hàng, thương hiệu quanh Ginza để kết nối với họ, nhằm lập ra các tour phục vụ cho khách sử dụng “Xích lô Limousine”.
Đầu tiên, chỉ một số người biết đến “Xích lô Limousine”, rồi họ lại giới thiệu cho những người khác. Vào năm 2017, lúc bắt đầu phát triển dự án, mình đã đưa xích lô tham gia nhiều hoạt động như Vietnam Festival để quảng bá đến với nhiều người. Trong khoảng thời gian từ năm 2018, 2019, dự án đã xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông tại Nhật Bản.
Q: Bên cạnh dịch vụ “Xích Lô Limousine”, công ty RAROMA do chị Giang sáng lập cũng hoạt động ở 2 mảng khác là đồ thủ công mỹ nghệ và nguồn nhân lực, trung tâm tiếng Nhật, biên phiên dịch. Vì sao chị lại chọn 2 mảng này để phát triển cùng với “Xích lô Limousine”?
A: Đối với mình, “Xích lô Limousine” là một dự án biểu tượng bởi nó được tạo nên từ đam mê và ước mơ. Bên cạnh đó, mình cũng đã phát triển thêm 2 mảng khác cùng “Xích lô Limousine”. Đầu tiên là mảng thủ công mỹ nghệ với mục đích là đưa các sản phẩm văn hoá khác của Việt Nam sang Nhật, trong đó nổi bật là lụa. Ở Nhật cũng có văn hoá sử dụng lụa để may Kimono nên người Nhật cũng rất thích lụa, nhưng giá lụa Nhật lại cao hơn nhiều so với lụa Việt Nam. Tiếp theo, mình cũng phát triển mảng trung tâm tiếng Nhật và biên phiên dịch, xuất phát từ cơ duyên “Xích lô Limousine” khi nhiều người biết đến RAROMA như cầu nối Việt – Nhật. Hiện tại, Việt Nam cũng đang trở thành đối tác trọng điểm về hợp tác nguồn nhân lực của Nhật.
Q: Vì sao chị Giang lại chọn tên thương hiệu là RAROMA? Với chị, công ty RAROMA có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của mình?
A: Thực ra, tên RAROMA được ghép từ tên của 3 người trong nhà mình. Mình lấy chồng là người Thượng Hải, tên của anh gọi tắt là “Ro”, còn mình tên là Mai, viết tắt thành “Ma”. Con trai mình sắp 12 tuổi, lấy theo họ bố nhưng sinh ra và lớn lên ở Nhật, khi phát âm theo tiếng Nhật là “Ra”. RAROMA như một sự kết hợp đa văn hóa và đa quốc gia, cụ thể là 3 nền văn hoá, 3 quốc gia tạo nên một gia đình, thể hiện mong muốn kết nối nhiều hơn để tạo ra sản phẩm có giá trị, ý nghĩa.
Q: Lập nghiệp ở Nhật có lẽ không hề dễ dàng với người Việt, đặc biệt khi là một phụ nữ. Động lực nào giúp chị lập nên công ty RAROMA? Những thuận lợi và khó khăn nào chị đã gặp phải?
A: Đúng là ở Nhật, người ta không có kỳ vọng nhiều về việc phụ nữ sẽ đi làm sau khi kết hôn, chứ đừng nói là phát triển sự nghiệp bên cạnh công việc nội trợ. Giang đã rất may mắn vì được gia đình ủng hộ, đây là nguồn động lực rất lớn với mình. Ngoài ra, mình thành lập công ty vì muốn để lại thành tựu gì đó cho thế hệ sau chứ không đơn thuần chỉ là kinh doanh, kiếm lợi nhuận. Ngoài ra, nếu làm ở một công ty nào đó, bản thân mình chỉ có thể làm trong các lĩnh vực công ty phát triển, nhưng Giang lại có quá nhiều việc muốn làm, nên cuối cùng đã quyết định thành lập công ty.
Trong quá trình hoạt động RAROMA, có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Thuận lợi đầu tiên là ở Nhật, mọi người có tinh thần ủng hộ, giúp đỡ người khác, nên khi mình bắt đầu phát triển dự án “Xích lô Limousine” đã có rất nhiều bạn bè, đối tác ở bên cạnh vực mình dậy. Đây chính là điều làm mình rất cảm động và vô cùng biết ơn. Còn về khó khăn, Nhật là một thị trường khó tính, người ta rất khó mở lòng với các dịch vụ mới. Để vượt qua được những tiêu chí khắt khe của người Nhật, bản thân không thể làm tuỳ hứng mà phải tuân thủ đúng luật, đây là khó khăn cho một công ty còn non trẻ như RAROMA.
Q: Trong tương lai, chị có kế hoạch nào mới cho RAROMA hay ấp ủ một dự án nào khác không?
A: Hiện tại, RAROMA đang thử sức trên khá nhiều lĩnh vực từ sự kiện, truyền thông đến kinh doanh sản phẩm, bán hàng, biên phiên dịch, giáo dục đào tạo. Một mặt, ở Nhật, RAROMA đang tiến hành rút gọn để tập trung vào 3 mảng chính. Nhưng mặt khác, vì từ trước đến nay, công ty chỉ mới đưa những sản phẩm từ Việt sang Nhật, nên mình cũng muốn sắp tới sẽ mang một sản phẩm nào đó từ Nhật sang Việt Nam. Khi nào bắt đầu mình sẽ bật mí nhé!
Q: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến tình hình kinh doanh của công ty RAROMA, cũng như các dự án khác của chị?
A:Các mảng kinh doanh của RAROMA đều là những hoạt động liên quan đến bên ngoài như chạy xích lô, sự kiện, quảng cáo. Đây đều là các mảng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong bối cảnh dịch COVID-19. Để đối phó với tình hình, mình đã chuyển từ bán dịch vụ sang sản phẩm. Đây là hoạt động mình đang cố gắng tập trung để duy trì và phát triển công ty hiện tại.
Q: Sinh ra và lớn lên tại xứ Huế, nhưng có cơ duyên gắn bó với Nhật Bản từ năm 18 tuổi, Nhật Bản trong mắt chị là một đất nước như thế nào?
A: Mình biết đến Nhật từ năm 6 tuổi vì ông mình có một người bạn đến từ Nhật. Sau đó, mẹ mình dạy tiếng Nhật ở Huế từ khi mình còn học cấp 1. Năm 14 tuổi, lần đầu tiên, mình cùng mẹ được sang Nhật du lịch. Lúc ấy, Nhật và Việt Nam rất khác nhau. Tình cảm mình dành cho Nhật Bản giống như yêu một người, đầu tiên là ngưỡng mộ, rồi yêu, sau đó muốn “lấy”, tức là sang Nhật ở. Tuy nhiên, sau khi lấy về, mới phát hiện ra Nhật cũng có “tật này, tật kia”. Nhật có nhiều cái hay như cách họ giữ gìn văn hoá truyền thống hoặc cách người Nhật luôn giữ mọi thứ ngăn nắp, nguyên tắc. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên tắc, nên thành ra thiếu sự linh động. Nếu Việt Nam năng động thì Nhật có sự bình ổn. Mình thì thích cả hai nước.
Q: Vừa đảm nhiệm vai trò giám đốc điều hành công ty và tham gia nhiều dự án khác lại vừa làm mẹ, chị Giang có những phương châm nào để cân bằng giữa công việc và gia đình?
A: Nhiều lúc, mình cũng cảm thấy rất đuối, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 phải làm việc ở nhà. Trong lúc phỏng vấn thì vẫn có con bên cạnh “gọi mẹ”. (Cười). Nhiều khi mình nghĩ mình không thể làm quá nhiều thứ như vậy được.
Dạo gần đây, mình rút ra được ba điều. Thứ nhất, nguyên tắc 80/20, tức là 80% phần kết quả được tạo ra từ 20% nỗ lực, mình hiểu nó theo nghĩa là không cầu toàn, chỉ chọn ra điều quan trọng, cần thiết với mình. Điều thứ hai, từ cuốn sách “The One Thing”, mình nhận ra để cân bằng giữa công việc và gia đình, không phải là chia đều công việc 50%, gia đình 50%, mà chọn việc ưu tiên tuỳ vào từng thời điểm. Ví dụ đang trong lễ hội hay có dự án gì mới của RAROMA, thay vì nấu cơm ở nhà, mình cùng cả nhà đi ăn ở ngoài. Còn trong ngày nghỉ lễ, mình ngừng mọi công việc, không trả lời mail, dành toàn bộ thời gian để chơi cùng con. Điều thứ ba mình nhận ra là phải yêu thương bản thân nhiều hơn bằng các cách tập yoga, đọc sách, thỉnh thoảng ngồi thiền để lắng nghe xem bản thân cần gì. Bởi muốn làm bất kỳ điều gì, mình cũng phải thật “vững vàng”.
Q: Được biết, chồng chị là người Thượng Hải và gia đình chị đã có một bé trai. Chị có thể cho chia sẻ thêm những thuận lợi, thử thách khi nuôi dạy con trong một môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hoá? Cũng như, gia đình chị thường làm những hoạt động gì khi có thời gian bên nhau?
A: Vì mình sống một mình ở Nhật, cả hai vợ chồng đều không có họ hàng nên khó khăn là không có gia đình giúp đỡ, nhưng điều thuận lợi là có thể nuôi dạy con như thế nào là tuỳ mình. Ngay từ khi con còn nhỏ, mình với chồng tâm niệm con là một cá thể độc lập, tôn trọng con như một người khác. Vì vậy, mình ít khi nghĩ là “nuôi dạy con”, mà thay vào đó là đồng hành cùng con. Mình có làm một album “Growing up with you” có nghĩa là lớn lên cùng nhau. Ngay từ 7, 8 tháng, mình tập cho con tự ăn chứ không đút, nhà ăn gì thì cho con ăn nấy, sau khi đã chế biến hợp với lứa tuổi và khẩu vị của con. Vợ chồng thường hỏi ý kiến con trong mọi quyết định của gia đình như lĩnh vực con muốn học, đi chơi ở đâu, ăn gì.
Vợ chồng quyết tâm trải nghiệm nhiều điều nhất với con. Vì vậy, khi có thời gian, gia đình mình thường đi du lịch cùng nhau. Năm nay mình cùng con trải nghiệm nhiều thứ mà bản thân chưa từng làm như đi cưỡi ngựa, bơi thuyền, trước dịch COVID-19 thì đi du lịch các nước.
Cảm ơn chị Giang đã dành thời gian trò chuyện cùng Kilala!
kilala.vn
Thông tin về công ty RAROMA cùng dự án “Xích lô Limousine”:
- Website công ty RAROMA: http://raroma.co.jp
- Fanpage công ty RAROMA: facebook.com/RaromaInc
- Website dự án “Xích lô Limousine”: cyclolimousine.raroma.co.jp
- Fanpage Cyclo Limousine シクロリムジン: facebook.com/cyclolimousine/
20/09/2021
Bài: Rin
Ảnh: NVCC
Đăng nhập tài khoản để bình luận