Koji Kinjo: 20 năm cần mẫn trồng san hô trên biển
Tại làng Yomitan trên đảo Okinawa, có một người đàn ông vẫn chăm chỉ nuôi cấy san hô suốt 20 năm để tìm lại vẻ đẹp rực rỡ nơi đáy biển. Những nghiên cứu về nuôi trồng và phục hồi rạn san hô của ông Koji Kinjo đã mở ra triển vọng cho vấn nạn suy thoái rạn san hô trên toàn cầu.
Hiện trạng rạn san hô ở Okinawa
Dù bao phủ chưa đến 2% diện tích đáy đại dương, rạn san hô là một trong những nơi giàu có nhất trên trái đất về đa dạng sinh học, với khoảng 30% tổng số loài sinh vật biển sinh sống và trú ẩn tại đây. Không chỉ cung cấp nguồn hải sản dồi dào, rạn san hô còn có vai trò như đê chắn sóng tự nhiên bảo vệ các vùng ven biển, thu hút khách du lịch và hỗ trợ nền kinh tế địa phương.
Tuy nhiên hiện nay, các rạn san hô trên thế giới đang biến mất ở quy mô và tốc độ chưa từng có bởi hoạt động của con người cùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, và Nhật Bản cũng không ngoại lệ.
Quần đảo Ryukyu - nơi có đảo Okinawa - chiếm đến 80% diện tích rạn san hô của Nhật Bản và là ngôi nhà của nhiều sinh vật quý hiếm. Tại đây, các rạn san hô vốn cần thiết để duy trì sự phong phú dưới biển cũng đang trong tình trạng nguy cấp bởi các áp lực môi trường toàn cầu như: sự nóng lên của trái đất, ô nhiễm biển từ dòng đất đỏ tràn vào và hiện tượng phú dưỡng.
Nước thải, rác thải từ công - nông nghiệp và sinh hoạt cũng ngày càng gia tăng, chưa kể đến những vấn đề phát sinh từ du lịch hay khai thác tài nguyên quá mức.
Các hoạt động bảo tồn san hô ở Nhật Bản đã được thực hiện bởi nhiều chủ thể, bao gồm chính quyền trung ương và địa phương, các công ty tư nhân, viện nghiên cứu, tổ chức địa phương và các nhóm bảo tồn môi trường kể từ những năm 70, khi những tác động của con người và biến đổi khí hậu bắt đầu trở nên đáng xem xét.
Trong số đó, có một người đàn ông, bằng những nỗ lực của mình, đã đưa san hô về với đại dương trong suốt hơn 20 năm qua.
Sango Batake - trang trại san hô trên đất liền
Làng Yomitan nằm ở trung tâm của đảo chính Okinawa, được biết đến là ngôi làng đông dân nhất Nhật Bản. Nơi đây nổi tiếng với những bãi biển đẹp, các điểm lặn hút khách, cũng là nơi có Di tích Lâu đài Zakimi – Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, và đồ gốm Yachimun độc đáo.
Bên cạnh những điểm hút khách quen thuộc, gần đây có một địa điểm đã tạo được tiếng vang, đặc biệt với những người quan tâm đến vấn đề môi trường trên khắp thế giới. Đó là “Cánh đồng san hô” hay “Sango Batake - さんご畑”.
Đây là một cơ sở nuôi trồng san hô được điều hành bởi Umi no Tane (Sea Seed) – một công ty được thành lập bởi ông Koji Kinjo, hoạt động dựa trên việc tạo ra một vùng biển nhân tạo trên đất liền để nhân giống có chọn lọc những loài san hô có thể thích nghi và tồn tại ở môi trường biển đang thay đổi nhanh chóng.
Tính đến năm 2020, Umi no Tane đã trồng và cấy ghép hơn 150.000 cá thể san hô xuống đáy đại dương, trong đó có hơn 80.000 cá thể ở khu vực biển xung quanh làng Yomitan.
Khi đến thăm trang trại Sango Batake của ông Kinjo, du khách có thể quan sát khoảng 120 loài san hô khác nhau trong môi trường nuôi dưỡng được kiểm soát. Chưa hết, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra một "hạt giống" san hô riêng lẻ, được nuôi dưỡng cho đến khi đủ lớn để sống sót trong đại dương. Sau đó, san hô sẽ được cấy xuống biển, nơi nó sinh sản và giúp hồi sinh rạn san hô đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Những nỗ lực bảo tồn rạn san hô và vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của quần thể sinh vật này dưới đáy biển xanh đã thu hút nhiều người từ khắp nơi trên thế giới.
Nỗ lực khôi phục vẻ đẹp trong ký ức
Đứng sau Umi no Tane là ông Koji Kinjo, một người con của làng Yomitan. Nhiều năm về trước, ông đã thành công làm được điều từng bị cho là không thể: nhân giống san hô trên đất liền và đưa chúng trở lại đại dương. Những cá thể san hô được cấy vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sinh sản ở biển.
Theo chia sẻ của Kinjo, cho đến đầu năm 2005, không ai quan tâm đến việc ông làm. Họ nói: “Không có cách nào để tạo ra các rạn san hô nhân tạo trên đất liền”.
Koji Kinjo lớn lên với tình yêu mãnh liệt dành cho rạn san hô của quê hương. Sau nhiều năm xa quê, ông trở về Okinawa để kết hôn với thanh mai trúc mã của mình và vận hành một nhà hàng trên đảo. Vợ chồng ông có hai người con và mọi thứ trong cuộc sống của Kinjo đều diễn ra suôn sẻ.
Tuy nhiên trong một lần đi lặn, ông phát hiện rạn san hô tuyệt đẹp của tuổi thơ gần như đã biến mất do biến đổi khí hậu. Đó là vào mùa hè năm 1998, thời tiết đặc biệt nóng nực đã khiến 90% rạn san hô của Okinawa bị tẩy trắng hàng loạt rồi chết dần.
Chứng kiến điều này đã đưa ông đến một quyết định quan trọng. Ông bán đi nhà hàng của mình và tập trung tìm cách cứu lấy rạn san hô của quê hương.
Kinjo bắt đầu với việc xây dựng một phòng thí nghiệm để nghiên cứu và thử nghiệm nuôi cấy san hô. Mất nhiều năm vật lộn với khó khăn tài chính cùng những chỉ trích về giấc mơ "viển vông", nhưng bằng quyết tâm sắt đá và sự hỗ trợ từ gia đình, ông đã không bỏ cuộc. "Tôi không muốn mọi người coi thường tôi. Tôi liên tục tự nhủ rằng những gì tôi đang làm không sai", ông chia sẻ.
Ban đầu Kinjo nuôi san hô trong một phòng thí nghiệm vô trùng, nhưng khi được đưa trở lại biển, chúng đều bị cá ăn hết. Vì thế ông quyết định thả thêm cá vào bể nuôi. “San hô bị cá ăn ở mức vừa phải trong quá trình nuôi trồng sẽ không còn bị ăn quá mức một cách bí ẩn khi được đưa trở lại biển”, ông nói.
Vào năm 2005, kỳ tích đã xảy ra: san hô sống sót sau ca cấy ghép năm 2003 đã bắt đầu sinh sản. Kinjo trở thành "hiện tượng" chỉ sau một đêm và là một anh hùng của đảo Okinawa. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Môi trường và Giải thưởng của Thủ tướng - một sự công nhận về tầm quan trọng đáng kinh ngạc của công việc mà ông đã dành trọn tâm huyết đời mình.
Tiếp đến, ông gia tăng “căng thẳng” về điều kiện sống, như tăng cường độ ánh sáng và giảm natri trong nước, khiến san hô được nuôi trở nên thích nghi tốt hơn với môi trường tự nhiên, dễ sống sót hơn ở nhiệt độ cao.
Ông giải thích: “Vào năm 2013, đã xảy ra sự cố san hô bị tẩy trắng và chúng tôi nhận ra rằng những cá thể san hô được nuôi trong điều kiện khắc nghiệt đã sống sót, trong khi những san hô khác xung quanh thì không”.
“Để thử nghiệm, chúng tôi cấy hai loại san hô được xử lý khác nhau bên cạnh nhau, và như dự đoán, vào năm 2017, khi trải qua một đợt tẩy trắng khác, san hô được nuôi trong điều kiện khắc nghiệt đã sống sót. Đây là lúc chúng tôi chứng minh rằng chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra san hô có khả năng chống chịu áp lực môi trường”.
Nó cũng giống như việc nuôi dạy con cái vậy. Nếu nuôi dạy con trong điều kiện loại bỏ mọi áp lực, chúng sẽ không thể đương đầu với khó khăn khi bước vào xã hội. Bạn phải phát triển khả năng vượt qua áp lực của con.
Phát hiện trên có ý nghĩa đầy hứa hẹn đối với sự sống còn của san hô khi đại dương đang ngày càng ấm lên, nhưng ông Kinjo cảnh báo chúng ta chưa nên quá lạc quan.
Ông cho biết: "Ở một số khu vực, ô nhiễm nước có thể nghiêm trọng hơn nhiệt độ nước biển tăng. San hô có thể phục hồi sau nhiệt độ nước cao, nhưng nếu đi kèm với chất lượng nước kém, chúng sẽ không thể sống sót. Áp lực mà nông nghiệp gây ra cho nước biển có tác động đặc biệt. Khi trời mưa, tất cả phân bón và thuốc trừ sâu từ đất liền đều chảy ra biển; điều này hạn chế tiềm năng của đại dương".
Và với một cái nhìn thực tế, ông nhận định chúng ta sẽ “không thể quay trở lại đại dương trong quá khứ”, mà thay vào đó con người “có thể tạo ra các công nghệ mới để trồng san hô ở nơi chúng đã biến mất”.
Khám phá thêm những điều thú vị về biển Nhật Bản ở đây nhé!
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận