Cụ bà người Nhật 89 tuổi và những phát minh "nhỏ mà có võ"

    Ai cũng có thể phát minh dù ở bất kỳ độ tuổi nào, miễn là đủ động lực và hành động tức thời cho đam mê! 

    Cụ bà Mieko Sato, 89 tuổi, sống tại Machida, Tokyo là minh chứng cho việc chúng ta không cần phải có kiến thức chuyên môn hay kỹ năng để bắt đầu phát minh. Dụng cụ mở nắp chai nhựa do bà sáng tạo cách đây 11 năm vẫn đang vô cùng được ưa chuộng với khoảng 30.000 – 40.000 sản phẩm được bán ra mỗi năm. 

    Chỉ cần dùng đến một lực rất nhỏ để mở nắp chai, dụng cụ được bà Sato đặt tên là “ペットボトル開けるくん – PET bottle Akeru-kun” (tạm dịch: “Cậu bé mở nắp chai nhựa”). Hiện nay, sản phẩm có mặt ở các cửa hàng hợp tác xã trên khắp nước Nhật với giá khoảng 400 yên (khoảng 70.000 VND) .

    bà Mieko Sato và dụng cụ mở nắp chai nhựa
    Bà Mieko Sato với phát minh dụng cụ mở nắp chai nhựa. Ảnh: Mainichi 

    Ở tuổi 89, bà Sato mỉm cười chia sẻ: “Tôi không có thời gian để chết”, bởi bà đã dành trọn nó cho những phát minh hữu ích của mình. PET bottle Akeru-kun được làm thủ công bằng cách cắt ống cao su thành từng đoạn dài 4cm, nhuộm màu rồi đục lỗ, luồn một sợi dây qua đó. 

    Cảm hứng sáng tạo nên dụng cụ này đến với Sato khi bà bắt đầu gặp khó khăn trong việc vặn nắp chai nhựa và nhận ra sức khỏe mình đang suy yếu dần. Ban đầu, dụng cụ được làm từ một miếng cao su phẳng, ngăn cho nắp chai bị tuột khỏi tay, cho phép mở chai mà không dùng nhiều sức. 

    Vào năm 2011, sau khi hội ý với Tổ chức đoàn thể Hatsumei-gakkai ở Tokyo chuyên hỗ trợ những người yêu thích phát minh, bà Sato đã nhận được bằng sáng chế cho dụng cụ mở nắp chai này. Qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại, cuối cùng Sato cũng tạo ra phiên bản hoàn thiện như hiện tại từ ống cao su có đường kính 2,8cm và thương mại hóa thành công. 

    dụng cụ mở nắp chai nhựa
    Dụng cụ mở nắp chai nhựa được đón nhận rộng rãi. Ảnh: store.shopping.yahoo.co.jp

    Đến năm 2013, khi bà Sato cùng những người bạn tổ chức triển lãm các sản phẩm của họ tại sự kiện của một siêu thị, sản phẩm của bà đã được bán ra với tốc độ chóng mặt đến mức phải gấp rút sản xuất thêm. 

    Trong chỉ 5 ngày, bà đã bán được 280 chiếc, sử dụng hết sạch vật liệu mà bà đã chuẩn bị trước đó. Mùa xuân năm nay, bà nhận được số lượng đơn đặt hàng lên đến 5.000 chiếc/tháng, do vậy bà cùng chồng đã rất nỗ lực làm việc để đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng. 

    Bà Sato chia sẻ: “Tất cả những điều bạn cần để phát minh ra thứ gì đó là động lực và khả năng hành động ngay lập tức khi nảy ra sáng kiến. Tôi không có nền tảng học thuật hay kỹ năng nhưng nó đâu thành vấn đề. Thật bõ công khi các sản phẩm của tôi có thể giúp ích cho ai đó”. 

    dụng cụ Kanzume akeru-kun
    Dụng cụ mở nắp lon Kanzume akeru-kun. Ảnh: Mainichi 

    Cách tiếp cận của bà chỉ ra rằng điều cần làm đầu tiên khi bước vào thế giới của những phát minh là giải quyết vấn đề, sự bất tiện mà mọi người đang trải qua trong đời sống thường nhật.

    Ngoài ra, bà Sato còn phát minh thêm dụng cụ mở lon và cũng đã được thương mại hóa với tên gọi “Kanzume Akeru-kun”. Gần đây, cụ bà 89 tuổi còn đang nỗ lực làm việc để thương mại hóa sản phẩm dép Zori đi trong nhà với quai từ guốc gỗ Geta. 

    Tại tổ chức Hatsumei-gakkai mà bà Sato tham gia, có khoảng 3.000 thành viên đã biến việc phát minh trở thành công việc chính và 100 công ty hợp tác với hy vọng thu lợi thông qua hỗ trợ các thành viên. Mặc dù một số thành viên từng là kỹ sư nhưng phần lớn vẫn là người không chuyên, thậm chí còn có cả những người cao tuổi. 

    Hatsumei-gakkai tư vấn cho các thành viên về cách thương mại hóa sản phẩm, đăng ký bằng sáng chế, đăng ký tên thương mại và giới thiệu họ đến các công ty vừa và nhỏ sử dụng nhiều công nghệ bao gồm gia công kim loại, nhựa và đúc nhựa. 

    kilala.vn

    18/12/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!