Chủ tịch Tập đoàn PLUS: Khác biệt chính là chìa khóa
Gần 30 năm trước, khi vẫn chưa nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam, nhà sản xuất văn phòng phẩm PLUS đã tiên phong thành lập nhà máy của mình. Xoay quanh quyết định có thể nói là mạo hiểm đó, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với Chủ tịch Tập đoàn PLUS nhân chuyến thăm Việt Nam lần này của ông. Không chỉ nói về lý do cho quyết định đầu tư, ông Imaizumi Yoshihisa cũng chia sẻ những ấn tượng, suy nghĩ của ông về Việt Nam và tầm nhìn của PLUS đối với các sản phẩm của họ.
Chúng tôi có cảm giác, đó là Việt Nam
Lý do nào đã thúc đẩy PLUS thành lập nhà máy của mình tại Việt Nam, thưa ông?
Khoảng 30 năm trước, nhiều nhà sản xuất văn phòng phẩm và hàng hóa của Nhật Bản đã mở rộng đầu tư sang Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết định chọn Việt Nam.
Người Việt tạo cho chúng tôi ấn tượng về tính cách trung thực, chăm chỉ cùng sự thông minh, nên dù chỉ mới bắt đầu mở rộng ra nước ngoài, chúng tôi vẫn tự tin có thể làm việc cùng với họ.
Ngoài ra, vì đã có nhiều doanh nghiệp đến Trung Quốc nên cảm giác khước từ điều này trở nên mạnh mẽ hơn. Thứ cảm giác này đặc biệt quan trọng, bởi đáng sợ nhất là khi chúng ta bị cuốn theo tâm lý đám đông. Vì tất cả mọi người, trong cùng một điều kiện, đã cùng đổ xô vào một “đại dương đỏ*”.
*Đại dương đỏ (red ocean): thị trường truyền thống đã bão hòa, với nhiều đối thủ cạnh tranh gay gắt và đã được khai thác kỹ lưỡng.
Kinh doanh là tìm lối đi riêng
Nhìn về chặng đường gần ba thập kỷ qua, ông cho rằng điều gì là cốt lõi để tạo nên thành công của PLUS?
Ba mươi năm trước, khi Việt Nam chưa phải là thị trường phổ biến ở Nhật, PLUS đã trở thành công ty Nhật Bản thứ 4 đầu tư vào Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến chúng tôi với những câu hỏi như Việt Nam là nơi thế nào, hay cần phải chú ý những gì khi đầu tư ở thị trường này..., nhưng địa thế không phải là lý do duy nhất dẫn đến thành công.
Tôi cho rằng điều vô cùng quan trọng là trả lời được câu hỏi nên tạo ra loại sản phẩm gì, và sự khác biệt đến đâu với những sản phẩm cùng loại.
Trong kinh doanh, mấu chốt nằm ở tư duy “Vì chưa ai làm nên tôi sẽ là người làm điều đó”. Tôi cho rằng tinh thần làm những việc chưa ai làm là vô cùng thiết yếu để có thể tồn tại.
Từ tận đáy lòng, tôi vui mừng vì đã chọn Việt Nam
Ông cảm nhận như thế nào về đất nước và con người Việt Nam?
Việt Nam là nơi tập hợp những con người thông minh, đúng như những gì chúng tôi kỳ vọng. Người Việt trung thực, siêng năng và chăm chỉ, điểm này rất giống với người Nhật. Hơn nữa, chúng tôi cảm thấy ý tưởng của mình được tiếp nhận rất chân thành, việc truyền đạt cũng không gặp trở ngại gì.
Kết quả nằm ngoài mong đợi khi có đến 2.200 người Việt Nam đang làm việc cùng chúng tôi, cứ như một giấc mơ vậy. Thực lòng, đó là điều mà tôi chưa từng nghĩ tới. Chúng tôi bắt đầu với chỉ 100 người.
Hiện tại, chúng tôi không xem đây là nhà máy của riêng PLUS, mà nó thuộc về tập thể 8.200 nhân viên đang làm việc tại Tập đoàn PLUS. Và 25% trong số 8.200 con người này là người Việt.
Việt Nam ngày càng trở thành chỗ dựa của chúng tôi. Tôi mong muốn trong tương lai sẽ có thể tiếp tục phát triển và bán các sản phẩm “made in Vietnam'' trên toàn thế giới.
Tôi mong muốn trong tương lai sẽ có thể tiếp tục phát triển và bán các sản phẩm “made in Vietnam'' trên toàn thế giới.
Tự tạo thị trường cho sản phẩm
Giữa một thị trường ngày càng cạnh tranh và biến đổi không ngừng, đâu là chiến lược của Tập đoàn PLUS?
Giữa bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số (DX), xu hướng giảm thiểu giấy (paperless) và tỷ lệ sinh giảm ở Nhật Bản, tôi tin rằng một doanh nghiệp sẽ tồn tại được nếu doanh nghiệp ấy không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn thiết lập được các hệ thống mới về sản xuất, bán hàng và phân phối.
Hiện tại, các doanh nghiệp đang đứng trước một bước ngoặt mới. Với PLUS, chúng tôi xây dựng một tập đoàn bao gồm nhiều thương hiệu khác nhau và tăng trưởng lợi nhuận thông qua việc tối ưu hóa hiệu quả. Lợi nhuận được sử dụng để phát triển sản phẩm mới, và chúng tôi tập trung vào việc tạo ra thị trường cho các sản phẩm này.
Trong kinh doanh, mấu chốt nằm ở tư duy “Vì chưa ai làm nên tôi sẽ là người làm điều đó”.
Sản phẩm đi đôi với sáng tạo
Vậy cụ thể đối với sản phẩm mới, chiến lược ở đây là gì, thưa ông?
Cho đến nay, văn phòng phẩm mới chỉ giới hạn ở vai trò là một công cụ để ghi chép, nhưng giờ đây chúng tôi đang xem xét tiềm năng của nó như một công cụ cho các hoạt động sáng tạo mang tính “con người” hơn.
Tôi tin vào sự cần thiết của văn phòng phẩm trong việc tạo ra thứ gì đó từ con số 0, như với hội họa chẳng hạn. Tạo ra thị trường này là một trong những nhiệm vụ của PLUS.
Trong tương lai, chúng tôi không chỉ theo đuổi tiêu chí rẻ và tốt mà còn phải đương đầu với thử thách để tạo ra những sản phẩm được xem là vượt trội hơn so với thị trường, những sản phẩm trong mơ.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận