Chikara Okabe - chàng trai Nhật bị “Việt Nam hóa” thành Nguyễn Khỏe Mạnh
“Kiếp này tính đến năm nay thì mình ở Việt Nam mới được 5 năm thôi, nhưng mình đã ở Việt Nam từ kiếp trước.” Đó là lời giới thiệu bản thân hóm hỉnh đến từ du học sinh người Nhật Chikara Okabe. Chưa dừng lại ở đó, anh chàng còn chọn cho mình một cái tên tiếng Việt “nghe một lần là không thể quên” – Nguyễn Khỏe Mạnh.
Có một dạo, cái tên Nguyễn Khỏe Mạnh trở nên nổi tiếng trên các trang mạng với câu nói “kinh điển” khi tham gia tập 8 gameshow “Vua Tiếng Việt”: “Chương trình không cần nương tay với cháu. Người Nhật chơi sạch sẽ.”
Gây ấn tượng với khán giả bởi tinh thần lạc quan, hài hước và tràn đầy năng lượng, chàng trai ấy tên thật là Chikara Okabe, một du học sinh Nhật Bản đang sinh sống và học tập tại Thủ đô Hà Nội.
Khán giả đôi khi còn bắt gặp anh chàng ngoại quốc này trong các chương trình truyền hình của VTV như “Xin chào, Việt Nam”, “Nhập gia tùy tục”, “Chữ V diệu kỳ”., và đi tới đâu, Khỏe Mạnh cũng lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến với mọi người, khiến dân tình bất ngờ trước khả năng nói tiếng Việt vô cùng thành thạo.
Vừa qua, Kilala đã có dịp trò chuyện cùng Nguyễn Khỏe Mạnh để hiểu rõ hơn về hành trình du học của anh chàng, cũng như lắng nghe những câu chuyện “nhập gia tùy tục” đầy hài hước của anh trên đất Việt!
Vì sao anh lại chọn cái tên tiếng Việt là Nguyễn Khỏe Mạnh? Liệu có phải vì sức khỏe là điều quan trọng nhất với anh?
Công nhận! Chúng ta không có sức khỏe thì không có gì mà! Đã từng có rất nhiều bạn hỏi vì sao lại đặt một cái tên kỳ lạ như vậy? Thực ra, tên thật của mình là “力 – Chikara” nên nếu dịch chính xác tên tiếng Nhật của mình thì là “Lực”, nhưng do mình muốn được nhiều bạn Việt Nam biết đến, nên đã cố tình đặt một cái tên ấn tượng đấy! Và cái tên này cũng rất gần nghĩa với tên tiếng Nhật của mình. Nếu nghe một lần thì không thể quên được phải không nào?
Được biết anh là hiện là du học sinh khoa Việt Nam học & tiếng Việt tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Vậy cơ duyên nào khiến anh quyết định học tiếng Việt và sang Việt Nam du học?
Lần đầu tiên mình được tiếp cận với đất nước và con người Việt Nam là từ năm 2015. Lúc ấy, mình mới 19 tuổi, là sinh viên của một trường Đại học ở Nhật và công việc làm thêm là “phát báo”, trong tiếng Nhật gọi là “新聞奨学生 - Shimbun shougakusei”.
Nơi làm việc của mình có khá nhiều du học sinh Việt Nam. Các bạn người Việt rất tốt bụng với Khỏe Mạnh, lại còn vui tính nữa. Họ thường kể chuyện về Việt Nam, giao lưu văn hóa, nấu món ăn Việt. cho mình. Kể từ đó, mình bắt đầu quan tâm đến đất nước và con người Việt Nam. Sau đó thì quyết định bảo lưu 1 năm ở trường Đại học tại Nhật để sang Việt Nam khám phá và tìm hiểu.
Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó mà đã hết một năm, nhưng mình không muốn quay lại Nhật nữa. Quả thật, cuộc sống ở Việt Nam khá phù hợp với mình, nên mình quyết định đổi sang học ở trường Việt Nam.
Vậy cuộc sống sinh viên của Khỏe Mạnh tại Việt Nam như thế nào? Có kỷ niệm nào thú vị mà anh muốn chia sẻ với mọi người không?
Cuộc sống sinh viên của mình khá là thú vị, nhưng so với các bạn sinh viên Việt Nam khác thì mình già rồi, nên một số môn học khó lòng theo kịp họ, chẳng hạn như môn thể dục.
Một kỷ niệm không chỉ thú vị mà còn khiến mình đau đầu chính là môn Triết. Bởi lẽ ở Nhật, những môn liên quan đến Triết đều là môn tự chọn. Mình từng nghe môn này khó nhằn nên đã không chọn. Nhưng khi sang Việt Nam, nó lại trở thành môn học bắt buộc. Thật sự mình chưa biết học môn này như thế nào. Quý vị độc giả nếu có bí quyết nào để vượt qua môn này thì chỉ mình với được không?
Được biết gần đây Khỏe Mạnh vừa đạt Giải nhất của cuộc thi Cây bút VSL của Đại học Khoa học và Nhân văn Hà Nội ở hạng mục dành cho sinh viên quốc tế. Vậy anh đã viết về chủ đề gì để chinh phục được ban giám khảo?
Lúc đó, mình đã bắt chước những âm thanh của xe bán hàng rong, chẳng hạn như “Ép dẻo, ép dẻo, ép chứng minh thư, bằng lái xe.”. Và chính vì chủ đề đó mà mình đã chinh phục được ban giám khảo trong cuộc thi thì phải. (Cười lớn)
Anh cảm nhận như thế nào về nhịp sống ở Việt Nam? Điểm khác biệt nổi bật so với cuộc sống ở Nhật là gì, theo Khỏe Mạnh?
Sau khi sống ở Việt Nam, mình cảm thấy rằng sống ở đây rất thoải mái, còn khi ở bên Nhật, có rất nhiều quy tắc và lúc nào cũng đặt công việc lên hàng đầu như một người máy vậy, nên khiến bản thân mình cảm thấy mệt mỏi lẫn đau đầu. Đã từng có lúc mình tự hỏi bản thân sống để làm gì. Nhưng ở Việt Nam, mọi người sống rất vui vẻ, coi trọng thời gian bên gia đình và bạn bè bên cạnh công việc.
Có câu “Nhập gia tùy tục”. Chuyển đến sống ở một quốc gia khác, hẳn sẽ có những điều cần phải làm quen và thích nghi. Anh gặp phải những khó khăn nào với cuộc sống tại Việt Nam, và đã vượt qua chúng như thế nào?
Khó khăn lớn nhất khi mình mới chuyển tới Việt Nam đó là phát âm. Bởi vì tiếng Nhật và tiếng Việt rất khác nhau về thanh điệu, cũng như tiếng Việt có rất nhiều âm trong tiếng Nhật không có.
Có một lần khi mới chuyển đến đây, mình đã rất xấu hổ vì phát âm sai. Lúc đó, mình hay phân vân giữa âm “u” và “ư”, vô tình, một lần đi mua bánh bao trứng cút, mình đã phát âm thành “bánh bao trứng .” (bạn đọc tự hiểu nhé). Sau khi nghe mình nói vậy, nhân viên đã cười phá lên. Thành ra, đến tận bây giờ, mình vẫn bị ám ảnh bởi kỷ niệm đi mua bánh bao nhân trứng cút.
Anh từng có câu nói gây “sốt” khi tham gia tập 8 của gameshow Vua Tiếng Việt: “Chương trình không cần nương tay với cháu. Người Nhật chơi sạch sẽ”. Là một người nước ngoài đang học tiếng Việt, anh cảm nhận như thế nào về độ khó của cuộc thi? Tham gia “Vua tiếng Việt” là một trải nghiệm như thế nào với anh?
Thật ra, Khỏe Mạnh nghĩ rằng mình đã trả lời chính xác được trong phần thi là do may mắn thôi. Vì hồi hộp quá nên không nhớ rõ cảm nhận lúc đó nữa. Có thể là bởi mình đã lỡ nói rằng “Chương trình không cần nương tay với cháu” hay sao ấy, mà thấy câu nào cũng siêu khó!
Nhưng cơ hội này thật sự rất tốt với mình. Sau khi tham gia chương trình, nó đã có những ảnh hưởng tốt tới quá trình học tiếng Việt của Khỏe Mạnh. Mình nhận ra bản thân vẫn còn rất nhiều điều phải học thêm. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ mình nhé!
Được biết anh Okabe còn tham gia nhiều chương trình khác như “Nhập gia tùy tục”, “Chữ V diệu kỳ” và được yêu mến bởi tính cách tươi sáng, tích cực của mình. Liệu đó cũng là tính cách và thái độ sống của anh ở ngoài đời?
Mình cũng không biết nữa, nhưng mình hay bị mọi người xung quanh bảo rằng xàm xí quá. Không biết là điều này có liên quan đến nhận định trên không nhỉ?
Được biết anh hiện đang hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam trong chương trình “Xin chào, Việt Nam”. Điều gì đã dẫn đến cơ duyên này?
Mình được giới thiệu đến chương trình này bởi vì vũ trụ đã nghe thấy tín hiệu từ một người rất yêu thích tiếng Việt như mình. Haha!
Đùa đấy! Nhưng thật sự mình cảm thấy rất hứng thú khi làm việc cho chương trình, bản thân được tiếp thu nhiều kiến thức về cách học tiếng Việt trong lúc hợp tác với “Xin chào, Việt Nam” nên cũng đã nâng cao được trình độ ngoại ngữ. Một công đôi việc nhỉ? Vậy nên quý vị độc giả nếu có người quen là người nước ngoài đang học tiếng Việt hay muốn học tiếng Việt thì hãy giới thiệu họ đến chương trình này nhé!
Anh Okabe đã thành lập kênh Youtube riêng Khỏe Mạnh Vlog, blog kiêm quản lý group cộng đồng NIHON OTAKU. Với một khối lượng công việc “đồ sộ” như vậy, nhưng kết quả học tập của anh cũng rất đáng ngưỡng mộ. Anh có thể chia sẻ bí quyết riêng của mình để đảm bảo vừa học tốt, vừa tham gia nhiều hoạt động xã hội khác?
Bởi vì mình không muốn bỏ qua cơ hội, nên bản thân đã tận dụng tối đa cơ hội đó và cố gắng hết sức. Còn kết quả học tập thì hiện tại, mình học “rất ngoan” khi ở trên lớp!
Anh thường hay chia sẻ về tình yêu của mình với ẩm thực Việt. Vậy món khoái khẩu của anh là gì? Nếu được yêu cầu dẫn một người nước ngoài trải nghiệm food tour Việt, những món mà anh gợi ý sẽ là.?
Món khoái khẩu của mình ở “hiện tại” là phở cuốn. Do mình thật sự rất thích thưởng thức ẩm thực Việt, nên món khoái khẩu cũng sẽ được cập nhật liên tục.
Mình rất mong muốn các bạn người Nhật nói riêng, người nước ngoài nói chung và tất nhiên là cả các bạn người Việt nữa, hãy cùng thử một lần trải nghiệm món phở cuốn và phở chiên phồng ở Hồ Tây, Hà Nội nhé! Rất tuyệt luôn!!!
Ngoài việc đã quen với mùi nước mắm ở Việt Nam, anh còn bị “Việt Nam hóa” ở những điểm nào nữa?
Mình đã bị “Việt Nam hóa” khi tham gia giao thông. Ở Việt Nam, phương tiện giao thông đi ở bên phải và mình đã quen với điều này. Do vậy, khi mình lâu rồi mới về nước thì đã rất hoảng khi đi ô tô, bởi ở Nhật người ta đi bên trái, nên có cảm giác như bản thân đi ngược chiều.
Thêm nữa, mình cũng đã quen với việc đi bộ sang đường mà không có vạch kẻ dành cho người đi bộ, nên khi về Nhật, Khỏe Mạnh đã liều mình đi sang đường mà không có vạch trắng, kết quả là bị mẹ mắng!
Trong thời gian qua, anh đã đặt chân đến những tỉnh thành nào của Việt Nam? Đâu là địa điểm anh yêu thích nhất?
Thực ra, dù ở Việt Nam 5 năm rồi nhưng mình chỉ mới đi được một số nơi và chủ yếu ở miền Bắc như Phú Thọ, Hải Dương, Sapa (Lào Cai), Tràng An (Ninh Bình). Mặc dù muốn khám phá thêm nhiều nơi khác ở Việt Nam, nhưng do một khuyết điểm lớn là sợ lên máy bay nên mình không thể đi du lịch ở xa được.
Nguyên nhân là vì bản thân đã từng trải qua một chuyến bay đáng sợ trong một ngày bão. Mình không thể lên máy bay nếu không có thuốc để giữ tâm lý bình tĩnh. Nhưng cũng chẳng sao vì Việt Nam có tàu hỏa mà. Khi nào có thời gian, mình muốn du lịch xuyên Việt bằng tàu.
Còn trong những nơi đã từng đặt chân đến, địa điểm yêu thích nhất của Khỏe Mạnh chính là Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Đây là nơi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ bởi là địa điểm đầu tiên Khỏe Mạnh đi du lịch cùng với bạn gái người Việt.
Hơn nữa, mình cảm thấy phong cảnh Tam Đảo giống hệt như trong bộ phim Harry Potter mà mình yêu thích. Nơi đây có lâu đài, nhà thờ đá, những công trình kiến trúc theo phong cách Tây Âu, và ngày mà mình đến, do có sương mù nên trông vô cùng huyền bí! Mình rất muốn đi du lịch ở đây thêm nhiều lần nữa!
Chân thành cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ cùng Kilala. Chúc cho hành trình khám phá Việt Nam của anh ngày càng có thêm nhiều điều thú vị!
kilala.vn
24/08/2022
Bài: Rin
Ảnh: NVCC
Đăng nhập tài khoản để bình luận