Quản lý thực tập sinh hay nghề “làm dâu trăm họ”?
Cùng với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa hai nước Việt Nam – Nhật Bản thì ngày càng có nhiều lao động và thực tập sinh Việt Nam “đổ bộ” xứ Hoa anh đào. Sát cánh cùng người lao động chính là những con người làm công việc Quản lý thực tập sinh – Chuzaiin – hay còn được những người trong ngành đặt cho cái tên trìu mến là “Nghề làm dâu trăm họ”.
Quản lý thực tập sinh (TTS) là những ai?
Quản lý TTS là công việc hỗ trợ những thực tập sinh và người lao động nước ngoài có thể nhanh chóng thích nghi, bắt nhịp với cuộc sống mới và nắm bắt được quy tắc sinh sống cũng như làm việc sau khi đến Nhật Bản.
Công việc này không hề kén chọn dù bạn là nam hay nữ. Tuy một số nghiệp đoàn yêu cầu quản lý TTS có bằng lái ô tô để tự di chuyển nhưng đa số chỉ cần đáp ứng yêu cầu có trình độ tiếng nhật N2 trở lên, có đủ sức khỏe và không ngại di chuyển đường xa đều có thể ứng tuyển vị trí này. Chính vì yêu cầu không quá khắt khe nên số lượng người Việt Nam xin visa làm việc theo ngành nghề này cũng không hề ít.
Quản lý TTS: những người “3 đầu 6 tay”
Thật vậy, có thể nói quản lý TTS là những người “3 đầu 6 tay”. Những công việc thường xuyên nhất có thể kể đến là đưa đón TTS tại sân bay, hướng dẫn TTS làm thủ tục tại Shiyakusho, ngân hàng; tham gia đào tạo TTS trong 1 tháng đầu tiên sau khi đến Nhật, giải thích nội dung công việc, hướng dẫn các điều cần biết khi sinh sống tại Nhật và luật giao thông,.
Ngoài ra, do sự hạn chế về trình độ tiếng Nhật của người lao động nên những Quản lý TTS còn là cầu nối giữa nghiệp đoàn, xí nghiệp và người lao động, chẳng hạn như làm nhiệm vụ biên phiên dịch và truyền đạt thông tin giữa các bên.
Ngoài ra, họ cũng chính là đầu mối tại Nhật Bản của các công ty phái cử Việt Nam để giúp cho việc quản lý người lao động được thực hiện một cách đồng nhất và trôi chảy.
Đó mới chỉ là khái quát sơ bộ về công việc của một quản lý TTS đối với 1 xí nghiệp mà thôi. Tuy nhiên, 1 nghiệp đoàn thường liên kết với nhiều xí nghiệp, trong đó 1 xí nghiệp sẽ có từ mấy chục cho đến mấy trăm TTS cùng một lúc. Chỉ cần nhân lên thôi bạn sẽ có thể tưởng tượng khối lượng công việc khủng khiếp của những người quản lý TTS.
Quản lý TTS hay nghề “làm dâu trăm họ”?
Bên cạnh các công việc cố định, những người quản lý TTS còn có vô vàn những đầu việc không tên.
Làm nghề mới biết được nghề. Có những đêm họ khoác vội chiếc áo lao đi trong đêm khi nhận được một cuộc gọi như:
“Sensei ơi bạn A không thấy ở phòng.”
“Sensei ơi bạn B và C uống rượu đánh nhau chảy máu chân tay.”
“Anh ơi, em cắt phải tay không cầm được máu mà em không gọi được cho công ty.”
Hay “Chị ơi, em bị lấy trộm mất điện thoại mới mua”…
Có khi họ vừa ăn cơm vừa không rời tay khỏi điện thoại để còn có thể giải đáp hàng loạt các nhu cầu khác nhau của các bạn TTS:
“Sensei ơi, em muốn đi chơi chỗ X chỗ Y.”
“Em muốn tăng ca.”
“Tại sao công ty em lại thế này. Em muốn công ty mình được như công ty khác.”
“Em làm mất thẻ cư trú rồi.”
Không chỉ giải quyết từ việc mất "cái tăm sợi chỉ" mà quản lý TTS còn là những “nàng dâu” luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió để tiếp nhận tất cả những ý kiến từ phía nghiệp đoàn và xí nghiệp, từ đó điều hòa và thiết lập mối quan hệ dĩ hòa vi quý với các bên. Một ngày 8 tiếng làm việc không có trong từ điển của các “nàng dâu” này bởi họ luôn bật chế độ điện thoại 24/24 để có thể tiếp nhận và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Cực khổ và cay đắng đều có thừa.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Không có việc gì trên đời là không vất vả cả. Quản lý TTS cũng chẳng ngoại lệ. Khi giải quyết vô vàn phát sinh, không tránh khỏi việc mất lòng bên này, được lòng bên kia. Ai làm nghề dù có dày dặn kinh nghiệm cũng có đôi lần xử lý không ổn thỏa, phải hứng chịu những lời nặng nhẹ từ nghiệp đoàn hay xí nghiệp, có khi còn chịu mắng thay cho TTS.
Điều đáng buồn hơn là, đôi khi họ cũng không nhận được sự thấu hiểu hoàn toàn từ chính những TTS mà mình quản lý. Còn gì buồn hơn khi bản thân ra sức nhắc nhở khuyên bảo TTS nhưng lại nhận được những lời nói xấu khó nghe, hay những lần lăn xả can ngăn những trận cãi vã giữa TTS cũng không tránh khỏi bị đòn vạ lây.
Công việc đòi hỏi gọi lúc nào có lúc đó khiến cho thời gian của những người làm nghề quản lý TTS vô cùng thất thường, vô hình trung tạo nên gánh nặng tâm lý. Vì vậy, nhiều người sau một thời gian làm nghề đã lựa chọn chuyển nơi làm việc hoặc chuyển công việc. Đó là lý tại sao do lúc nào trên các trang mạng cũng luôn nhan nhản những mẩu tin tuyển dụng vị trí công việc này.
Nghề quản lý TTS và những trái ngọt
Mặc dù có trăm ngàn nỗi gian lao và vất vả, nhưng không thể phủ nhận chính nhờ công việc “làm dâu” đã tạo điều kiện cho người làm nghề này cơ hội tiếp xúc và làm việc với nhiều doanh nghiệp, từ đó tôi luyện khả năng sử dụng tiếng Nhật và trau dồi thêm kiến thức ở một số chuyên ngành.
Bên cạnh ngôn ngữ, các quản lý TTS cũng được “luyện tập” về kỹ năng ứng biến và xử lý vấn đề, học hỏi được nhiều nét văn hóa giao tiếp của người Nhật cũng như những kiến thức, điều luật lao động cần thiết khi sống tại đất nước mặt trời mọc này.
Liên quan tới công việc này cũng đã có không ít các ý kiến của những người đi trước, chẳng hạn như:
“Làm nghề này cũng vất vả đấy, nhưng vui nhất khi được nghiệp đoàn và xí nghiệp thấu hiểu, thực tập sinh chăm ngoan chịu khó lắng nghe.”
“Việc nào cũng khó cả, làm dần rồi sẽ quen, thật sự đây là công việc hay và vô cùng ý nghĩa.”
“Làm dâu trăm họ thật đấy, tuy mất cũng nhiều nhưng được cũng nhiều, vì vậy nên suy nghĩ kỹ trước khi lựa chọn công việc này.”
Tuy quản lý TTS có những vất vả đặc thù nhưng vẫn là công việc có thu nhập ổn định, dễ xin visa và mang nhiều ý nghĩa nhất định nên đây vẫn là sự lựa chọn của nhiều bạn muốn ở lại làm việc tại Nhật Bản. Rất mong các bạn sau khi hiểu rõ, quyết định chọn theo nghề hãy vững tâm và làm hết trách nhiệm, chắc chắn cũng sẽ gặt hái được thành quả nào đó từ công việc này.
kilala.vn
03/06/2020
Bài: SAM
Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận