NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Những điều cần biết về nghề trợ lý vẽ truyện tranh

    Để đáp ứng đúng deadline, hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ trong thời gian ngắn, nhiều Mangaka sẽ cần thuê trợ lý để hỗ trợ họ ở một số công đoạn.

    Trong ngành công nghiệp Manga Nhật Bản, ngoài Mangaka (tác giả truyện tranh) còn có sự xuất hiện của các trợ lý vẽ truyện tranh. Họ không giống những nhân viên văn phòng thông thường và công việc cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị. Những điều ấy là gì, cùng Kilala khám phá nhé!

    Công việc của trợ lý vẽ truyện tranh

    Có những phần việc chính sẽ do Mangaka xử lý như vẽ chi tiết nhân vật và bố cục của các cảnh. Tuy nhiên nhiều phần việc phụ trợ cho mỗi trang truyện sẽ có thể được giao cho trợ lý phụ trách. 

    Ví dụ, trợ lý sẽ đồ nét bằng mực lên bản phác thảo chì, xóa nét cũ, vẽ thêm cảnh nền, dán screentone, tô các vùng màu đen như tóc (vẽ beta), tô bóng, thêm một số hoa văn cùng các đường hiệu ứng vào cảnh. Hoặc là họ phải có kỹ năng về đồ họa để chuyển phần vẽ trên giấy của Mangaka sang dạng kỹ thuật số.

    tro-ly-manga-la-gi
    Ảnh: animangafandom 

    Một số Mangaka thậm chí còn yêu cầu trợ lý của họ đưa ra ý tưởng về cốt truyện, tình tiết nội dung ở nhiều phân cảnh, ngoài ra trợ giúp trong việc thiết kế ngoại hình, trang phục nhân vật.

    Trợ lý làm việc không theo giờ hành chính mà theo giờ giấc quy định của Mangaka, có khi sẽ phải làm ngày làm đêm để hoàn thành “deadline”.

    Tuy nhiên không phải mangaka nào cũng thuê trợ lý, có những tác giả sẽ chọn chăm chút cho đứa con tinh thần của mình từ đầu đến cuối.

    tro-ly-mangaka-lam-gi
    Công việc của một trợ lý vẽ manga. Ảnh: CLIP STUDIO PAINT

    Một trợ lý truyện tranh kiếm được bao nhiêu?

    Mức lương của trợ lý họa sĩ truyện tranh khác nhau tùy theo quyết định của họa sĩ đang tuyển dụng, nhưng trung bình khoảng 200.000 đến 250.000 yên mỗi tháng (khoảng 34 triệu đồng đến 42 triệu đồng). Một số mangaka cũng có thể sẽ bao ăn uống cho nhân viên. Ngoài ra, nếu làm việc bán thời gian, mức lương trung bình theo giờ là khoảng 1.000 yên (170.000 đồng).

    Kỹ năng cần có của một trợ lý vẽ truyện tranh

    Khả năng vẽ là cần thiết nhất đối với một trợ lý manga. Đặc biệt, sẽ rất lợi thế nếu bạn có thể vẽ nền, đường hiệu ứng, thiết kế trang phục... Nhiều họa sĩ truyện tranh không giỏi vẽ nền và thiết kế quần áo mà thường chỉ tập trung vào các nhân vật. Những người có thể vẽ nền và trang phục đặc biệt được đánh giá cao.

    Ngoài ra, cần có khả năng sử dụng phần mềm vẽ truyện tranh ở mức cơ bản. Điều này là không bắt buộc, nhưng vì các họa sĩ truyện tranh kỹ thuật số thường vẽ bằng phần mềm nên bạn cần phải có kiến ​​thức về phần mềm mà họa sĩ sử dụng. Các phần mềm phổ biến là Clip Studio, SAI, FireAlpaca và Photoshop. 

    Kỹ năng giao tiếp cũng cần thiết đối với trợ lý họa sĩ truyện tranh. Nơi làm việc của trợ lý thường là studio hoặc nhà của họa sĩ và là một không gian khép kín. Bạn cần có khả năng giao tiếp tốt với các trợ lý đồng nghiệp và họa sĩ mà mình làm việc cùng. Đặc biệt, việc giao tiếp với các họa sĩ manga sẽ có ảnh hưởng tới tương lai, vì mối quan hệ giữa con người với nhau rất quan trọng trong bất kỳ công việc nào.

    cong-viec-cua-tro-ly
    Ảnh: CLIP STUDIO PAINT

    Lợi ích khi trở thành trợ lý

    Trợ lý vẽ truyện tranh là một công việc vất vả, đòi hỏi sự chăm chỉ, kiên nhẫn và đam mê với nghề nghiệp. Tuy có nhiều khổ cực nhưng công việc này cũng mang đến nhiều lợi ích, như mở rộng tiền đồ trong ngành công nghiệp Manga.

    Ngoài tiền lương được nhận, trợ lý sẽ được học hỏi kỹ năng về vẽ, sáng tác, xây dựng nội dung, thiết kế bối cảnh lẫn nhân vật trực tiếp từ các họa sĩ manga. Đây là cách luyện tập tuyệt vời giúp phát triển tư duy nghệ thuật, nâng cao tay nghề của bản thân.

    Thực tế, kinh nghiệm tích lũy trong khi làm việc cùng Mangaka đã giúp nhiều trợ lý thuận lợi theo đuổi ước mơ trở thành tác giả truyện tranh. 

    cong-viec-cua-tro-ly-manga
    Ảnh: animangafandom

    Những Mangaka xuất thân là trợ lý vẽ truyện tranh

    Có rất nhiều Mangaka nổi tiếng hiện nay vốn xuất thân từ vị trí trợ lý. Dưới đây là những cái tên tiêu biểu.

    Leiji Matsumoto

    Là một trong những tác giả khoa học viễn tưởng hàng đầu trong giới Manga, các bộ truyện lừng danh của ông gồm Galaxy Express 999, Space Pirate Captain Harlock...

    Trong quá khứ, ông từng là trợ lý của huyền thoại Osamu Tezuka - “cha đẻ” của những tác phẩm kinh điển như Astro Boy, Kimba the White Lion, Black Jack...

    Miwa Ueda

    Bà là một trong những Mangaka chăm chỉ với nhiều tác phẩm thuộc thể loại shoujo từng đoạt giải thưởng như Peach GirlAngel Wars

    Trước khi xuất bản tác phẩm của mình từ năm 1985, bà đã học hỏi, tích lũy kinh nghiệm khi làm trợ lý cho Naoko Takeuchi - nữ Mangaka nổi tiếng có sự nghiệp gắn liền với tác phẩm đình đám Sailor Moon.

    Go Nagai

    Huyền thoại trong giới Manga là Go Nagai - người đứng sau những bộ truyện như Cutie Honey, DevilmanMazinger Z, từng có thời gian làm trợ lý cho Shotaro Ishinomori.

    Shotaro là một tác giả có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực Manga, Anime và Tokusatsu, ông đã tạo ra những tác phẩm xuất sắc như Cyborg 009, Super SentaiKamen Rider. Và phong cách sáng tác của Go Nagai đã chịu ảnh hưởng từ những tác phẩm này.

    Hitoshi Iwaaki

    Hitoshi Iwaaki đã gặt hái thành công với Parasyte khi bộ truyện nhận được giải thưởng Manga Kodansha. Trước khi được công chúng biết đến, Hitoshi đã từng làm trợ lý cho Kazuo Kamimura - họa sĩ minh họa cho bộ truyện Lady Snowblood.

    Hiroya Oku

    Hiroya là một họa sĩ truyện tranh nổi tiếng, người tạo nên những tác phẩm Seinen Manga ăn khách như Gantz, Gigant, Hen Inuyashiki.

    Để hoàn thiện những kỹ năng trong nghề thì Hiroya Oku đã làm trợ lý cho Naoki Yamamoto - tác giả của những bộ truyện như Blue, Red, Believers...

    Hiroshi Shiibashi

    Hiroshi đã dành thời gian làm trợ lý cho tác giả Araki Hirohiko của Jojo's Bizarre Adventure trước khi tạo ra bộ truyện tranh nổi tiếng của riêng mình là Nurarihyon no Mago.

    Takehiko Inoue

    Người thành danh với bộ truyện tranh bóng rổ nổi tiếng Slam Dunk cũng từng phát triển kỹ năng của bản thân khi làm trợ lý cho Tsukasa Hojo - tác giả của City Hunter.

    Nobuhiro Watsuki 

    Tác giả của bộ truyện Rurouni Kenshin đã từng học nghề trong vai trò trợ lý của Takeshi Obata - người được biết đến với vai trò họa sĩ minh họa cho các tác phẩm ăn khách như Death Note, Hikaru no GoBakuman.

    Hiroyuki Takei 

    Nobuhiro Watsuki sau này đã nhận Hiroyuki Takei làm trợ lý. Và Takei đã trở thành một trong những Mangaka tài năng nhất hiện nay khi tạo ra series manga Shaman King đình đám.

    Eiichiro Oda

    Ngoài Hiroyuki Takei thì Eiichiro Oda cũng từng làm trợ lý cho Nobuhiro Watsuki để hoàn thành Rurouni Kenshin.

    Oda còn làm trợ lý cho Masaya Tokuhiro với Jungle King Tar-chan, hay Shinobu Kaitani với Suizan Police Gang trước khi nổi tiếng toàn cầu với bộ truyện One Piece.

    oda-eichiro
    Eiichiro Oda thời còn làm trợ lý cho các họa sĩ manga. Ảnh: animangafandom

    Mikio Ikemoto

    Mangaka này từng làm trợ lý cho Masashi Kishimoto hoàn thành bộ truyện Naruto. Sau đó Mikio đã được chọn để làm tác giả của phần tiếp theo của Naruto là Boruto: Naruto Next Generations.

    Làm thế nào để trở thành trợ lý Mangaka?

    Để trở thành trợ lý vẽ truyện tranh, bắt buộc bạn phải có những kỹ năng đã đề cập ở trên và phải chịu được áp lực cao. Với các ứng viên nước ngoài sẽ còn cần có trình độ tiếng Nhật tốt. Sau đó thì bạn hãy tự tin nộp đơn xin việc. 

    Hiện nay Internet đã trở thành công cụ hữu ích để kết nối các họa sĩ truyện tranh và trợ lý. Có rất nhiều thông tin tuyển dụng trợ lý được đăng tải lên các ứng dụng công nghệ. Trong đó có GANMO do Akamatsu Ken - tác giả của Love HinaMaho Sensei Negima! điều hành.

    Ngoài ra còn có JAC (Câu lạc bộ Trợ lý Nhật Bản) - một diễn đàn nổi tiếng trong ngành cũng thường đăng tải các thông tin tuyển dụng của nhiều Mangaka.

    Những trang thông tin này sẽ cung cấp chi tiết về công việc, mức lương tính theo giờ hoặc ngày, yêu cầu của mỗi tác giả. Những ai có nhu cầu làm trợ lý sẽ nộp đơn ứng tuyển và các Mangaka khi tìm thấy đối tác ăn ý sẽ liên lạc với họ để làm việc.

    Có nhiều bạn trẻ tại Nhật đã lên các trang thông tin điện tử này để ứng tuyển và chờ đợi cơ hội đến với họ, từ đó mà bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!