Cảnh giác với trung tâm tư vấn việc làm miễn phí cho sinh viên tại Nhật

    Các sinh viên Nhật Bản dự kiến tốt nghiệp vào mùa xuân năm 2023 hiện đang tích cực tìm kiếm công việc. Nếu như trước đây họ thường tham dự những buổi hội thảo việc làm do chính doanh nghiệp tổ chức, thì hiện tại trong bối cảnh đại dịch, nhiều sinh viên tìm đến các trung tâm tư vấn việc làm miễn phí.

    Xu hướng tìm việc mới trong cộng đồng sinh viên

    Akira Mogi, 22 tuổi, là sinh viên của một trường đại học ở Tokyo. Cô cảm thấy như trút bỏ mọi gánh nặng khi vừa nhận được lời mời làm việc tại một công ty IT có trụ sở tại Tokyo vào cuối tháng 3 vừa qua. Mogi bày tỏ: “Em đã tìm thấy một công ty lý tưởng và nhận được lời mời làm việc từ họ”. Đã có một trung tâm giới thiệu việc làm gợi ý cho Mogi đến tham dự buổi kiểm tra thuộc chương trình tuyển dụng của công ty IT này.
    trung tâm tư vấn việc làm cho sinh viên
    Trung tâm tư vấn việc làm cho sinh viên nở rộ tại Nhật Bản trong những năm gần đây. Ảnh: jaic-college.jp

    Đây là một trong những trung tâm giới thiệu việc làm có cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh viên tìm việc, hiện đang rất phổ biến với giới trẻ Nhật. Ngay sau khi đăng ký thông tin trên website của trung tâm, sinh viên sẽ được một nhân viên tư vấn đưa ra các lời khuyên về săn việc làm, chỉnh sửa thư ứng tuyển và giới thiệu những công ty phù hợp với nguyện vọng, năng lực của mình. 

    Điều đặc biệt là dịch vụ trên hoàn toàn miễn phí cho sinh viên. Tuy nhiên, các công ty tuyển dụng sẽ phải trả một mức phí giới thiệu nhất định cho những trung tâm này. 

    Được biết, Mogi đã đăng ký dịch vụ trên vào tháng 10/2021 và được nhân viên trung tâm tư vấn mỗi tuần thông qua gặp mặt trực tiếp lẫn trực tuyến. Ban đầu, Mogi chưa xác định được công việc mình muốn làm, nhưng sau buổi tư vấn, cô chọn ra được ba lĩnh vực. Sau cùng, Mogi nộp đơn ứng tuyển vào một công ty IT trong số những công ty được nhân viên trung tâm giới thiệu. 

    Mogi nhớ lại: “Nhờ các trung tâm tìm việc làm, em đã hiểu rõ hơn về quy trình săn việc và tránh bị tụt lại phía sau. Em cũng có thể tìm hiểu nhiều hơn về công ty mình đang ứng tuyển. Nếu không có trung tâm, có lẽ em đã phải vất vả hơn nhiều”.

    sinh viên nhật bản tìm việc
    Ngày càng nhiều sinh viên Nhật chuộng hình thức tìm việc thông qua trung tâm tư vấn việc làm. Ảnh: jaic-college.jp

    Theo Reastage Co., một công ty tại Tokyo có cung cấp dịch vụ trên, số lượng sinh viên đăng ký đã tăng từ 46.000 vào năm 2019 lên 66.000 vào năm 2021.

    Xu hướng này bắt đầu vào khoảng năm 2018. Khi đó, Nhật Bản chứng kiến tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng và lợi thế nghiêng về phía người tìm việc. Cơ hội việc làm dồi dào khiến nhiều sinh viên muốn thu thập thông tin một cách hiệu quả hơn và xác định rõ loại công ty mà họ muốn ứng tuyển. 

    Thêm vào đó, xu hướng nhờ hỗ trợ từ các trung tâm tìm việc làm cho sinh viên cũng được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, không thể đến lớp nên nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trong việc tiếp cận trung tâm hướng nghiệp của trường hay trao đổi thông tin tuyển dụng với bạn bè. Vì vậy, trung tâm tìm việc làm cho sinh viên trở thành "cứu cánh" cho họ. 

    Ai Inaba, nhân viên quan hệ công chúng của Reastage Co., chia sẻ: “Nhiều em không biết phải bắt đầu từ đâu. Trong quá trình săn việc, khoảng cách giữa những điều sinh viên muốn với thực tế khác xa nhau. Tuy nhiên, sau khi tham vấn với trung tâm, họ có thể thu hẹp khoảng cách này và lựa chọn được công ty mình muốn cống hiến”.

    Xem thêm: Hành trình tìm việc làm của sinh viên Nhật Bản

    Những vấn đề phát sinh giữa trung tâm với sinh viên 

    Khi đông đảo sinh viên tìm đến các trung tâm tư vấn việc làm, nhiều vấn đề đã nảy sinh. Theo thông tin nội bộ, các trung tâm nhận phí hoa hồng dao động 50.000 yên đến vài triệu yên từ các công ty khi một sinh viên được tuyển dụng. Nhưng vấn đề nằm ở việc nếu sinh viên không đi làm dù đã nhận được lời mời làm việc thì trung tâm không nhận được khoản tiền này. 

    Một nhân viên của trung tâm hỗ trợ việc làm sinh viên bày tỏ: “Gần đây, các công ty thường tuyển dụng sớm hơn và thời gian giữa lúc nhận được lời mời làm việc đến khi đi làm cũng dài hơn, khiến một số sinh viên thay đổi quyết định và chuyển sang ứng tuyển ở một công ty khác."

    "Dù đã tốn khá nhiều thời gian tư vấn, nó trở thành vô ích khi sinh viên không đi làm. Kết quả là một số trung tâm cố gắng ép sinh viên đi làm và không cho họ từ chối lời mời làm việc”, người này nói thêm.

    cảnh giác với trung tâm tìm việc sinh viên
    Cần chọn lọc kỹ càng trung tâm tìm việc cho sinh viên để tránh rơi vào các rắc rối. Ảnh: jaic-college.jp

    Trước thực trạng này, nhiều trường đại học cũng bắt đầu cảnh giác với các trung tâm. Một viên chức tại trường đại học ở vùng Kansai cho biết: “Nhiều sinh viên đổ xô đến trung tâm hướng nghiệp của trường và chia sẻ rằng họ bị ép buộc phải nhận lời mời làm việc từ những công ty mà họ không thích”. 

    Đại học Setsunan tại tỉnh Osaka kêu gọi sinh viên nên cảnh giác khi ngày càng có nhiều sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau phàn nàn rằng trung tâm không chịu lắng nghe khi sinh viên từ chối lời mời làm việc, hay thông tin cá nhân của sinh viên được chuyển sang cho các bên khác và họ nhận được liên hệ từ các công ty mà mình không hề ứng tuyển.

    Naoki Fukushima, chuyên viên tư vấn việc làm cảnh báo: “Một số trung tâm có thể kéo bạn vào những rắc rối. Do vậy, cần phải nghiên cứu thật kỹ trung tâm bằng cách kiểm tra danh tiếng của họ trên Internet hoặc tham khảo ý kiến những người khác trước khi đăng ký”. 

    Thêm vào đó, Fukushima cho biết một số nơi chỉ giới thiệu sinh viên đến các doanh nghiệp có liên kết với họ. Trong trường hợp này, Fukushima đưa ra lời khuyên: “Thông tin từ các trung tâm lúc này có thể bị sai lệch. Sinh viên nên tận dụng việc trao đổi thông tin với trung tâm hướng nghiệp của trường đại học đang theo học và bạn bè trong lúc tìm việc”. 

    kilala.vn

    05/05/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!