Khởi nguồn văn hóa thưởng hoa ở Nhật Bản
Không chỉ đơn giản là cùng nhau đi ngắm hoa, văn hóa thưởng hoa của người Nhật còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc vốn có khởi nguồn từ thời xa xưa.
Trong tiếng Nhật, văn hóa thưởng hoa được gọi là “Hanami” (花見) hoặc “O-hanami” (お花見”), được ghép từ chữ “Hana – 花” tức là “Hoa” và “Mi – 見” tức là “Ngắm, nhìn”. Một điều nhiều người nhầm lẫn là Hanami không chỉ giới hạn đối với thưởng hoa anh đào mà còn được sử dụng chung các loài hoa khác như Ume (hoa mận/mơ) hay Momo (hoa đào). Hoạt động này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 812 dưới thời Thiên hoàng Saga. Khi đó, loài hoa thường được ngắm chính là hoa anh đào – Sakura. Bản thân từ “Sakura” đã xuất hiện vào thời Nara (710 – 794) và được đề cập trong tập thơ lâu đời nhất Nhật Bản – Manyoshu (Vạn Diệp Tập).
Khởi nguồn văn hóa thưởng hoa của người Nhật
Hanami từng được thực hiện theo phong tục ngắm hoa mơ của người Trung Quốc, khi người Nhật cử sứ thần qua Trung để nghiên cứu văn hóa và công nghệ. Tuy nhiên, đến thời kỳ Heian (794 – 1185), Nhật Bản dần dần tạo ra một nét văn hóa thưởng hoa của riêng mình. Tương truyền rằng, vì rung động trước vẻ đẹp phi thực của cây hoa anh đào tại đền Jishu, Thiên hoàng Saga đã quyết định tổ chức một buổi tiệc ngắm hoa đầu tiên ngay dưới tán cây anh đào này với âm nhạc, các món ăn ngon và đàm đạo thơ ca. Từ năm 831, hình thức trở thành hoạt động dành cho tầng lớp quý tộc và cũng được đề cập trong Truyện Genji – cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tiên trên thế giới.
Đến năm 1594, tướng quân Toyotomi Hideyoshi đã tổ chức tiệc Hanami kéo dài 5 ngày cho 5.000 người ở Yoshino, tỉnh Nara. Bốn năm sau, tướng quân lại tổ chức lễ Hanami cho khoảng 1.300 người tại đền Daigo của Kyoto, nơi ông đã trồng 700 cây anh đào. Vào gần cuối thời kỳ Edo (1603 – 1868), Nhật Bản xuất hiện giống hoa anh đào mới tại vùng Komagome (Tokyo) có tên gọi "Somei-yoshino", được lai giữa giống Ohshima và Edohiga. Đây là một trong những cột mốc lớn trong văn hóa thưởng hoa của Nhật Bản bởi Somei-yoshino sau này sau đó trở thành giống hoa anh đào phổ biến nhất ở Nhật Bản. Hiện nay, có khoảng 80% cây anh đào của Nhật Bản thuộc giống Somei-yoshino này.
Theo Japan Cherry Blossom Association, có 9 loại giống hoa anh đào phổ biến ở Nhật ,từ đó phát triển ra hơn 100 loại và sau này có thêm 200 giống được ra đời. Các giống hoa khác nhau từ màu sắc (trắng, hồng), kích thước và số lượng cánh hoa hay chiều cao thân cây (có những giống chỉ cao khoảng 2m những cũng có giống cao đến hơn 20m). Tại Nhật Bản, một trong ba cây hoa anh đào nổi tiếng nhất là Miharu Takizakura ở thị trấn Miharu, tỉnh Fukushima. Cây anh đào này được cho là đã hơn một nghìn năm tuổi, cao 13,5m, tán cây rộng khoảng 25m và được xếp vào Di tích Thiên nhiên quốc gia.
Xem thêm: Cách phân biệt 11 loại Sakura nổi tiếng ở Nhật Bản
Văn hóa Hanami ngày nay
Ngày nay, người Nhật sẽ mang theo cơm hộp (Bento) với các món ăn tự làm ở nhà hay mua ở cửa hàng tiện lợi, cùng quây quần dưới tán cây anh đào rồi vừa thưởng hoa vừa trò chuyện rôm rả. Tùy theo địa điểm ngắm hoa mà có nơi còn có những quầy bán thức ăn di động. Không chỉ là những buổi ăn uống thông thường, có nhiều người còn uống rượu, hát hò và say xỉn dù là ban ngày,. Có lẽ trong mắt nhiều du khách nước ngoài sẽ có nhiều người nghĩ rằng: “Đây đâu phải là ngắm hoa anh đào nhỉ?”, thế nhưng niềm vui to lớn nhất của tiệc Hanami chính là mọi người quây quần, cùng ăn những món ngon và trải qua thời gian vui vẻ náo nhiệt bên nhau. Ngắm hoa anh đào vào ban đêm (Yozakura) cũng rất thú vị. Buổi tiệc trở nên sôi nổi hơn khi ngắm nhìn những đóa hoa sống động trong ánh đèn.
Lưu ý khi tham gia Hanami mùa Covid
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn cần giữ một số cách hành xử đúng mực trong Hanami. Không được ngồi trên gốc cây anh đào. Không được bẻ cành cây dù nó có đẹp đến thế nào đi nữa. Nên nhường nhịn nhau khi chọn chỗ ngồi. Vứt rác vào thùng rác hoặc mang về. Đặc biệt trong mùa dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở Nhật, bạn cần phải chú ý nhiều hơn khi ngắm hoa. Theo trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở Nhật Bản, có 3 yếu tố chính dễ lây lan virus corona là:
(1) Ở trong không gian kín với hệ thống thông gió kém
(2) Nơi đông người
(3) Tiếp xúc ở khoảng cách gần
Như vậy, khi ngắm hoa anh đào, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Nếu có thể, hãy chọn địa điểm ngắm hoa anh đào vắng vẻ, ít người biết
- Giữ khoảng cách với những người xung quanh
- Đeo khẩu trang
- Mang dung dịch sát khuẩn, rửa tay thường xuyên
- Nguy cơ bị nhiễm bệnh thấp hơn nếu bạn ngắm hoa anh đào trong lúc đi bộ
- Nếu đang có triệu chứng như sốt, ho thì bạn nên ở nhà
Xem thêm: Cập nhật lịch hoa anh đào nở 2021 và những điều cần lưu ý
Thưởng thức Hoa anh đào bằng công nghệ thực tế ảo
Dù ai cũng muốn dành hàng giờ để ngắm nhìn những bông hoa anh đào nhưng nếu chưa thể đến Nhật vào thời gian này, bạn có thể cần đến O-hanami VR– một trang web quay cảnh thưởng hoa ở những nơi nổi tiếng ở Nhật .
Mặc dù trang bằng tiếng Nhật, chỉ cần nhấp vào một trong các hình chữ nhật màu hồng "再生 - さいせ" từ danh sách sẽ đưa bạn đến trang xem YouTube. Đoạn phim bao gồm 10 điểm Hanami hàng đầu của Nhật Bản, cảnh đêm ở Tokyo, điểm ngắm hoa anh đào ở Kyoto và ba cây anh đào lớn của Nhật Bản.
kilala.vn
31/03/2021
Bài: Phương Thảo
Đăng nhập tài khoản để bình luận