Rengeo-in – ngôi chùa với hơn 1.000 bức tượng Phật
Ngôi chùa Phật giáo ở Kyoto đã lọt top 30 điểm tham quan hàng đầu cho khách du lịch trên trang Trip Advisor.
Sanjusangen-do - 三十三間堂, tên chính thức là Rengeo-in, thuộc quần thể chùa Myoho-in, là một ngôi chùa khá nổi tiếng đối với người dân Nhật Bản cũng như khách du lịch quốc tế.
Ngôi chùa nổi tiếng nhất với Hondo (sảnh chính) dài, được chỉ định là Bảo vật Quốc gia của Nhật Bản. Với chiều dài 120m, điện thờ là công trình kiến trúc bằng gỗ dài nhất Nhật Bản. Cái tên Sanjusangendo (nghĩa đen là "33 khoảng cách") bắt nguồn từ số lượng "khoảng cách" (柱間 - Trụ Gian - Hashirama) giữa các cột đỡ của công trình, một phương pháp truyền thống để đo kích thước của tòa nhà.
Ở trung tâm của sảnh chính là một bức tượng lớn bằng gỗ của Bồ tát Quan Âm 1.000 tay (Senju Kannon) đang ngồi cao 3,3m, một kiệt tác của nhà điêu khắc Tankei vào năm 1254. Quán Thế Âm là vị bồ tát của lòng từ bi, và vẻ mặt hiền hòa, nhân từ của bức tượng truyền tải trạng thái này một cách rõ ràng. Đây được coi là một trong những bức tượng Kannon đẹp nhất thời Heian và được công nhận là Bảo vật quốc gia ở Nhật Bản.
Mỗi bên tượng chính là 500 bức tượng Quan Âm kích thước bằng người thật đứng thành mười hàng, tạo nên một cảnh tượng tuyệt vời. Điều đặc biệt là mỗi tượng nhỏ này đều có gương mặt khác nhau và có hơn hai mươi cánh tay, chịu trách nhiệm giải cứu nhiều thế giới. Tượng được chạm khắc từ cây bách, phủ vàng lá và cũng được coi là Bảo vật quốc gia.
Ngôi chùa được thành lập vào năm 1164 bởi Chính trị gia – Samurai Taira no Kiyomori, trong khu nhà riêng của Thiên hoàng Go-Shirakawa. Quần thể này bao gồm: Hondo (chánh điện), Gojunoto (chùa năm tầng), Kannondo (sảnh của Kannon) và Fudodo (sảnh của Tứ Thiên Vương). Tuy nhiên một trận hỏa hoạn vào năm 1249 đã khiến nơi này gần như bị phá hủy toàn bộ.
Hoàng đế Go-Saga (1220–1272) đã ra lệnh xây dựng lại Hondo, bắt đầu vào năm 1251. Tòa nhà được hoàn thành vào năm 1266 và tồn tại cho đến ngày nay.
Trên thực tế, tòa nhà này từng truyền cảm hứng cho cuộc thi bắn cung “Toshiya” để xem ai có thể bắn xa nhất dọc theo chiều dài. Hiện nay, cuộc thi vẫn diễn ra vào tháng Giêng hàng năm và du khách có thể dễ dàng nhìn thấy những vết xước do cung tên tạo ra bên trong ngôi chùa, như một minh chứng lịch sử của nơi đây.
kilala.vn
03/07/2023
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận