Những lễ hội Cung đạo ở Nhật Bản
Nhật Bản vốn được biết đến là một quốc gia giàu bản sắc dân tộc và sở hữu một nền văn hóa mang nhiều nét độc đáo riêng biệt. Đặc biệt trong đó, Võ đạo Nhật Bản nói chung và Cung đạo nói riêng vẫn giữ được những đặc trưng và tinh hoa vốn có từ thời xưa, trở thành biểu tượng đại diện cho tinh thần và văn hóa Nhật Bản. Trong bài viết này, hãy cùng Kilala điểm qua một số lễ hội Cung đạo truyền thống của Nhật Bản nhé.
“Cung đạo” hay “弓道 - Kyudo” trong tiếng Nhật là môn thể thao sử dụng cung làm vũ khí và dùng kỹ thuật bắn sao cho trúng mục tiêu phía trước. Theo ghi chép trong sách cổ, Cung đạo đã xuất hiện từ thời kỳ Yayoi (khoảng từ năm 500 TCN – năm 300 SCN).
Ngày nay, những lễ hội với chủ đề là Cung đạo cùng với những cuộc thi đấu Cung đạo trên khắp cả nước vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, những lễ hội truyền thống với mục đích truyền bá và bảo tồn những nét văn hóa Nhật Bản, bao gồm cả hoạt động bắn cung, cũng được tổ chức xuyên suốt trong năm. Trong số những lễ hội này, Toshiya và Yabusame là hai lễ hội truyền thống lâu đời và mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc nhất.
Toshiya(通し矢) - Lễ hội bắn cung Samurai 400 năm tuổi
Cung đạo là nghệ thuật bắn cung cổ xưa của Nhật Bản, và trong 400 năm qua, các học viên của bộ môn này đã thể hiện kỹ năng của họ tại ngôi đền Sanjusangendo (三十三間堂) ở Kyoto, Nhật Bản.
Lịch sử của lễ hội Toshiya
Toshiya có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ năm 1606 khi một Samurai huyền thoại tên là Asaoka Heibei thể hiện kỹ năng của mình bằng cách bắn 51 mũi tên thẳng vào tấm bia được đặt ở cự ly 121m. Đây cũng chính là chiều dài mái hiên của ngôi đền Sanjusangendo.
Kỷ lục của cuộc thi bắn cung trong lễ hội Toshiya được xác lập vào năm 1686 khi một cung thủ Samurai đã bắn khoảng 13.053 mũi tên trong khoảng thời gian 24 giờ và có 8.133 mũi tên chính xác vào tâm, ước tính độ chính xác khoảng 62,3%, trung bình khoảng 6,6 giây cho mỗi mũi tên. Vì vậy, người ta căn cứ vào khả năng xuất thần của cung thủ này để quy định thời gian thi đấu cũng như tiêu chí chấm điểm.
Lễ hội Toshiya bao gồm có 4 sự kiện khác nhau:
Hyaku-i (百射, tạm dịch: Một trăm mũi tên): Các cung thủ bắn trúng mục tiêu nhiều nhất trong 100 mũi tên được tuyên bố là người chiến thắng.
Hiyakazu (日矢数, tạm dịch: Số lượng mũi tên trong một ngày): Thí sinh sẽ bắn càng nhiều mũi tên trúng đích càng tốt trong khoảng thời gian 12 giờ. Sự kiện này được dành riêng cho các chàng trai Nhật Bản dưới 20 tuổi, người chưa tổ chức Genpuku (元服 - Lễ thành nhân). Năm 1774, năm thứ ba của thời đại Anei, một cậu bé 13 tuổi tên là Masaaki Noro đến từ Kishu đã bắn 11.715 mũi tên, hầu như tất cả đều trúng mục tiêu.
Sen-i (千射, tạm dịch: Một nghìn mũi tên): Các cung thủ bắn trúng mục tiêu nhiều nhất trong 1.000 mũi tên được tuyên bố là người chiến thắng. Năm 1827, cậu bé 11 tuổi tên là Kokura Gishichi đã bắn trúng mục tiêu 995 lần từ khoảng cách 1/2 mái hiên của đền Sanjusangendo.
Oyakazu (大矢数, tạm dịch: Rất nhiều mũi tên): Sự kiện này được cho là có từ thời đại Keicho. Các cung thủ sẽ bắn càng nhiều mũi tên càng tốt trong một khoảng thời gian là 24 giờ, trung bình từ 10.000 mũi tên. Ngày 26 tháng 4 năm 1686, Wasa Daihachiro đến từ Kishu đã bắn thành công 8.133 trong số 13.053 mũi tên, trung bình 544 mũi tên một giờ, hay 9 mũi tên một phút, và trở thành người giữ kỷ lục ở hạng mục này.
Lễ hội bắn cung Omato Taikai (大的大会) hiện đại
Từ sau thời Minh Trị (1868 - 1912), lễ hội Toshiya không còn được tổ chức và thay vào đó là lễ hội bắn cung Omato Taikai (大的大会). Mỗi năm, có khoảng 2.000 thí sinh từ khắp Nhật Bản đến chùa Sanjusangendo của Kyoto để thi đấu. Lễ hội Toshiya ban đầu yêu cầu người tham gia bắn từ khoảng cách 120m, tức toàn bộ chiều dài của hiên, nhưng cự ly của Omato Taikai ngày nay là 60m.
Đặc biệt, có rất nhiều cô gái trong độ tuổi từ 19 đến 20 mặc kimono đến tham gia lễ hội để kỷ niệm ngày Lễ Thành Nhân rơi vào ngày sau cuộc thi.
Yabusame (流鏑馬) - Lễ hội cưỡi ngựa bắn cung Nhật Bản
Yabusame (流鏑馬) là một loại hình bắn cung cưỡi ngựa trong bắn cung truyền thống của Nhật Bản. Đây một nghi thức bắn cung đã có từ lâu đời và vẫn còn được duy trì đến ngày nay như một nghi thức biểu diễn trong các lễ hội truyền thống.
Lịch sử của lễ hội Yabusame
Những chiến binh cưỡi ngựa và sử dụng cung từ rất lâu trong lịch sử Nhật Bản, hơn 1500 năm trước đây. Vào thời Heian (794-1185), những cuộc thi đấu giữa các cung thủ thường được tổ chức mỗi ngày. Nhưng mãi đến thế kỷ 12, khi Minamoto Yoritomo (người lập ra Mạc phủ Kamakura) quan tâm đến vấn đề các cấp độ kỹ năng của các Samurai, Yabusame mới được ra đời. Yabusame lúc bấy giờ như một cách để Samurai học hỏi và luyện tập.
Từ thế kỷ 16, với sự du nhập của vũ khí thuốc súng vào Nhật Bản từ châu Âu, Yabusame ngày càng ít phổ biến hơn và dần dần biến mất. Đến thời Edo, Yabusame mới được hồi sinh. Yabusame ở thời kỳ này nghiêng theo hướng kỷ luật tinh thần cho các Sarumai chứ không còn để phục vụ cho việc quân sự. Điều này đã làm Yabusame mang tính “nghệ thuật” nhiều hơn. Samurai thời Edo cũng trau dồi bản thân qua trà đạo, làm thơ, tập luyện những môn võ khác.
Lễ hội Yabusame hiện nay
Ngày nay, Yabusame được xem như một nghi lễ tôn giáo chứ không còn là một giải đấu. Yabusame được tổ chức vào ngày 16 tháng 9 hằng năm tại đền Tsurugaoka Hachimangu ở thành phố Kamakura. Còn ở Tokyo, bạn có thể đến đền Meiji Jungu tận mắt xem các cung thủ thi đấu vào ngày 3 tháng 11. Ngày trước, chỉ những chiến binh Samurai mới được chọn để tham gia, nhưng ngày nay, nữ giới cũng có cơ hội góp mặt.
Yabusame được thực hiện ở các sự kiện hay các nghi lễ đặc biệt của Nhật Bản. Trong một số buổi tiếp đón các chức sắc nước ngoài, Yabusame cũng được trình diễn. Ngoài ra, Yabusame còn được biểu diễn ở nước ngoài như Vương quốc Bahrain hay Vương quốc Hồi giáo Oman. Vào ngày 24 tháng 4 năm 2015, Tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ đã đến thăm đền Meiji Jingu và xem Yabusame trong chuyến thăm Nhật Bản của ông.
Các hoạt động trong lễ hội Yabusame
Nhiệm vụ của cung thủ trong lễ hội là phải cưỡi ngựa với tốc độ cao trên con đường dài khoảng 208m đến 255m, sau đó họ sẽ bỏ dây cương ngựa và sử dụng cả hai tay để bắn, vì vậy họ phải chỉ dựa vào đầu gối để điều khiển ngựa. Điều này yêu cầu họ phải có thể lực tốt và kỹ năng khéo léo để chỉ dùng chân để trụ vững trên lưng ngựa.
Một loại cung của Nhật Bản có tên là Yumi sẽ được sử dụng trong lễ hội. Cung thủ sẽ phải bắn 3 mũi tên vào 3 mục tiêu. Họ hô lên “In, Yo, In, Yo” khi bắn. Câu hô này có nghĩa là bóng tối và ánh sáng, hai sức mạnh vũ trụ đối lập trong Thần đạo. Vì đầu mũi tên tròn nên sẽ tạo âm thanh lớn khi mũi tên trúng vào tấm bia bằng gỗ để người xem có thể nghe thấy âm thanh rõ ràng. Bắn trúng 1 mục tiêu đã khó nên rất ít người bắn trúng được cả ba mục tiêu. Thời gian để chạy trên toàn bộ quãng đường là 20 giây và điểm được tính theo số mục tiêu bắn trúng.
Những người cung thủ cạnh tranh không phải vì tiền, mà vì danh dự. Cung thủ thực hiện tốt nhất được trao một tấm vải trắng, biểu thị sự ưu ái của thần thánh. Tinh thần anh dũng và oai hùng được thể hiện qua Yabusame giúp nó không chỉ dừng lại ở một lễ hội mà đã chiếm được sự quan tâm của nhiều người trên thế giới.
Kết
Không chỉ đơn thuần là việc bắn trúng mục tiêu, Cung đạo đã đem lại những giá trị văn hóa sâu sắc cho người Nhật. Những nét đẹp trong Võ đạo nói chung và trong Cung đạo nói riêng là một trong những nền tảng vun đắp nên hình ảnh người Nhật với tinh thần cao quý. Cung đạo đem lại sự tinh túy cho tâm hồn. Chính từ những giá trị tinh túy, Cung đạo đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản, và thế hệ sau của Nhật Bản kế thừa món quà tinh thần mà Cung đạo mang lại bằng việc duy trì, gìn giữ những giá trị tinh thần qua các lễ hội truyền thống. Lễ hội như một cầu nối đã gắn kết con người với con người, lịch sử với hiện tại.
kilala.vn
26/01/2021
Bài: Thùy Trinh
Đăng nhập tài khoản để bình luận