Những chú chim sẻ mặc áo len tại ga Enoshima
Không nỡ nhìn thấy những chú chim sẻ bằng kim loại ở ga Enoshima trơ trọi giữa tiết trời mùa đông lạnh giá, một người phụ nữ đã đan áo len cho chúng trong gần 20 năm liền, tận đến khi bà qua đời.
Tọa lạc ở thành phố Fujisawa, tỉnh Kanagawa, ga Enoshima từ một địa điểm ít được du khách chú ý đã trở thành biểu tượng du lịch nhờ vào tác phẩm tượng 8 chú chim sẻ nằm ở hai lan can khác nhau phía trước ga. Từng tháng, từng mùa trong
năm, hoặc mỗi dịp lễ hội như Giáng sinh, World Cup, ngắm hoa mùa xuân, những chú chim lại được biến hóa với những bộ trang phục đa dạng.
20 năm trọn một tình yêu với những chú chim sẻ
Tám chú chim sẻ bằng đồng đậu trên lan can trước ga Enoshima được thiết kế bởi công ty Nhật Bản mang tên Sunpole. Tác phẩm được đặt tên là “Picolino”, có nguồn gốc từ “piccola” nghĩa là “những thứ nhỏ bé” trong tiếng Ý. Mục đích ban đầu của tác phẩm này nhằm ngăn những đứa trẻ nghịch ngợm trèo lên lan can.
Theo đó, Sunpole đã thiết kế trên mỗi lan can bốn chú chim sẻ và lúc nào cũng có một chú chim đậu riêng, cách một khoảng so với ba chú còn lại. Điều này nhằm khuyến khích trẻ em tự sáng tạo nên câu chuyện riêng.
Bắt đầu từ mùa đông năm 1999, tám chú chim sẻ bắt đầu trình diễn thời trang mỗi tháng một lần khiến du khách ghé qua đây không khỏi tò mò. Người đứng đằng sau ý tưởng này chính là bà Ishikawa Katsuko, một nhân viên bán hàng làm việc cạnh nhà ga.
Mỗi ngày trôi qua, lúc đang làm việc ở trong cửa hàng, bà Ishikawa đều có thể quan sát tám chú chim sẻ lặng yên đậu trên lan can dù trời nắng hay mưa. Khi mùa đông đến, sợ rằng các chú có thể bị lạnh nên bà đã nảy ra ý tưởng muốn may gì đó cho chúng. Và những chiếc áo len đã ra đời từ đây.
Cứ vào cuối mỗi tháng, bà Ishikawa lại thay đồ mới cho tượng chim sẻ một lần. Đặc biệt, mùa hè ở Enoshima có thời tiết khá nóng và mưa thường xuyên, bà lo rằng những chiếc áo len sẽ bị phai màu và biến dạng nên đã thay đồ cho chúng hai lần/tháng.
Bà từng tiết lộ: “Vì phải dùng keo hai mặt để dán quần áo và cố định chúng nên việc thay đồ cho chim sẻ tốn không ít thời gian. Do vậy, vào sáng sớm lúc không có người, trước khi chuyến tàu đầu tiên của ngày đến nhà ga, tôi cùng hai người bạn nữa sẽ thay đồ cho chúng”. Có lẽ bởi vậy mà trong một thời gian dài, không một ai biết được danh tính của người đan và thay đồ cho tượng chim sẻ.
Cùng với việc thay đổi trang phục theo tháng, Ishikawa còn đan cả áo len cho tám chú chim sẻ theo các dịp lễ hội và mùa trong năm.
Vào tháng 9 hàng năm, cũng là lúc sự kiện kỷ niệm thành lập nhà ga Enoshima diễn ra, các chú chim lại được khoác lên mình chiếc áo màu xanh lá cây và vàng đan xen, màu đặc trưng của tàu ở ga. Còn trong suốt mùa hoa anh đào nở, chúng lại được trưng diện áo len màu hồng pastel đáng yêu để chào đón du khách.
Hay vào dịp Giáng sinh, các chú lại được “người mẹ” Ishikawa đan cho áo len màu đỏ và xanh gắn thêm chuông vàng xinh xắn. Là một fan hâm mộ bóng đá, trong suốt mùa World Cup, bà Ishikawa cũng thay đổi trang phục cho những chú chim sẻ thành màu quốc kỳ của các quốc gia khác nhau.
Trong suốt 17 năm đan áo len cho tượng chim sẻ, cũng đã có vài lần bà Ishikawa phải tạm dừng. Lần đầu tiên là vào năm 2006 khi bà về hưu, bấy giờ, bà cũng đã quyết định ngừng công việc đan áo. Tuy nhiên, một năm sau đó, một du khách ghé thăm ga Enoshima đã gửi tặng bà khung ảnh chụp lại khoảnh khắc diện áo len xinh xắn của các chú chim. Chính điều này đã giúp Ishikawa có thêm động lực để tiếp tục công việc trước đây.
Vào ngày 02/04/2010, trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập của ga Enoshima, ông Fukaya, Giám đốc của ga Enoshima đã đích thân gửi thư cảm ơn tới bà Ishikawa, với những chiếc áo len ấm áp mà bà dành tặng cho chim sẻ.
Sau khoảng 10 năm, bà đã đan hàng ngàn chiếc áo len nhưng bà thường không giữ lại những chiếc áo bé xinh này trừ khi có ai đó ngỏ lời. Tốt nghiệp khoa nữ công gia chánh, bà Ishikawa khá thành thạo việc đan lát và chỉ mất khoảng 30 phút để hoàn thành xong một bộ đồ len cho chim sẻ.
Tuy vậy, khi tuổi ngày càng lớn, việc đan áo trở nên ngày càng khó khăn hơn. Nghĩ rằng tám chú chim sẽ bị lạnh cóng giữa mùa đông, bà đã dành nhiều thời gian nhất có thể để đan đồ mới dự trữ cho chúng.
Khi bệnh tật ập tới, bà phải nhập viện và buộc lòng phải ngừng việc đan áo. Lúc bấy giờ, một người bạn thân của bà là bà Sanshiko Koike đã tình nguyện làm tiếp công việc đan lát để hoàn thành tâm nguyện của Ishikawa và giúp những chú chim luôn có áo mới để mặc. Hai cô con gái của họ là bạn cùng lớp và cả hai gia đình khá thân thiết, thường giúp đỡ nhau trong việc nuôi dạy con gái và cùng đi du lịch.
Đến năm 2016, sau nhiều năm liền gửi gắm tình yêu vào những chiếc áo len cho tượng chim sẻ, bà Ishikawa đã qua đời trong niềm tiếc thương của nhiều người.
Lan tỏa sự ấm áp đến khắp nước Nhật
Không chỉ riêng bà Koike, nhiều người khác cũng chủ động thay đồ cho tượng các chú chim sẻ tại ga tàu điện ngầm gần nhà họ. Chẳng hạn như bốn chú chim sẻ tại thành phố Yokohama đã được thay áo mới để cổ cũ cho đội bóng đá Yokohama F. Marinos. Vào mùa hè, chúng được khoác áo choàng tắm để ngắm pháo hoa. Hay những chú chim sẻ ở trước đền Anazawaten ở Inagi, Tokyo cũng được ai đó thay cho trang phục Giáng sinh.
Không dừng lại ở đó, nhiều người còn không thể cưỡng lại được vẻ đáng yêu của tượng chim sẻ nên đã mua về trưng bày tại nhà và không quên tiếp tục thay trang phục mới cho chúng. Thậm chí, trong đại dịch COVID-19, Picolino tại một văn phòng nọ còn được đeo khẩu trang. Chứng kiến cảnh các chú chim được mặc áo len ấm áp, nhiều người không khỏi cảm thán: “Thế giới này mới dịu dàng làm sao!”.
Những lúc thay đồ cho các chú chim, bà Koike cũng nhận được nhiều lời khích lệ, hay nhận được quà tặng là chiếc kéo từ một người khách qua đường từng chứng kiến cảnh bà gặp khó khăn khi cắt băng dính hai mặt. Tuy nhiên, hiện tại, bà Koike đang lo lắng về người sẽ kế thừa công việc đan áo len cho các chú chim sẻ này.
kilala.vn
24/10/2022
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận