Khám phá Teramachi, thánh địa linh thiêng của Nagasaki

    Đúng như tên gọi “寺町 – Teramachi – Con phố của những ngôi chùa”, nơi đây có đến 14 ngôi chùa và 2 đền thờ xếp thành hàng dài, một điều hiếm thấy ngay cả tại quốc gia sở hữu khoảng 180.000 đền chùa trên khắp đất nước. Do vậy, Teramachi mang đến bầu không khí cổ kính, linh thiêng khó tả cho bất kỳ vị khách nào có dịp ghé thăm. 

    Teramachi, phố chùa linh thiêng của Nagasaki 

    Nhắc đến chùa ở Nagasaki, Sofuku-ji và Kofuku-ji là hai ngôi chùa tên tuổi thường được nghĩ đến đầu tiên. Điều thú vị là hai ngôi chùa này được nối liền với nhau qua con phố Teramachi, một khu vực tập trung rất nhiều địa điểm tâm linh. 

    viếng thăm chùa Sofukuji
    Viếng thăm chùa Sofukuji nổi tiếng ở phố Teramachi. Ảnh: play.nagasaki-visit.or.jp

    Con phố nhuốm màu lịch sử và huyền bí này còn là nơi tọa lạc của Daion-ji (chùa Đại Âm), một ngôi chùa ghi dấu ấn đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam. Đây chính là nơi vợ chồng Công nữ Ngọc Hoa (Anio) và thương nhân Sotaro Araki an nghỉ, họ được người dân Nagasaki thờ phụng để ghi nhớ những đóng góp to lớn cho nền thương nghiệp địa phương. 

    cảnh quan ở Teramachi
    Cảnh quan chùa và các ngôi mộ ở Teramachi. Ảnh: PIXTA

    Dù chỉ dài xấp xỉ 600m, phố Teramachi trở thành “ngôi nhà” của hàng loạt chùa chiền với những khu mộ nổi danh và các bức tượng độc đáo bên trong khuôn viên. Mỗi ngôi chùa chứa đựng những câu chuyện lịch sử thú vị riêng, chắc chắn sẽ làm thỏa lòng du khách đến thăm thành phố cảng Nagasaki. 

    đường lát đá ở Teramachi
    Những con đường lát đá ở Teramachi. Ảnh: PIXTA 

    Lững thững đi bộ dọc theo Teramachi trên con đường lát đá, đặt chân lên những bậc thang nhuốm màu rêu phong, du khách như được quay ngược thời gian trở về với một Nhật Bản của những ngày xưa cũ.

    bản đồ phố Teramachi
    Bản đồ phố Teramachi thể hiện qua dòng kẻ màu đỏ. Ảnh: city.nagasaki.lg.jp

    14 ngôi chùa ở Teramachi bao gồm: Sofuku-ji (崇福寺), Daigo-ji (大光寺), Daion-ji (大音寺), Kotai-ji (晧台寺), Chiyoshiyo-ji (長照寺), Enmei-ji (延命寺), Kofuku-ji (興福寺), Jiyoan-ji (浄安寺), Sanpo-ji  (三宝寺), Jinso-ji (深崇寺), Zenrin-ji (禅林寺), Kogen-ji (光源寺), Kiyomizu-dera (清水寺), Hosshin-ji (発心寺). Ngoài ra còn có 2 ngôi đền là đền Yasaka (八坂神社) và Wakamiya (若宮神社).

    Những ngôi chùa và đền thờ nổi bật tại Teramachi 

    Chùa Kofuku-ji

    Nằm cách trạm xe điện Shiminkaikan từ 5-10 phút đi bộ, Kofuku-ji (興福寺) là ngôi chùa lâu đời nhất ở Nagasaki. Cùng với Sofuku-ji và Fukusai-ji, Kofuku-ji tạo thành “Tam Phúc Tự” của vùng đất Nagasaki.

    Kofuku-ji còn là nơi khai sinh ra Obaku (Hoàng Bá), một trong những tông phái thuộc Thiền tông Nhật Bản. Vì cổng chùa được sơn son tráng lệ, nên chùa còn được gọi là “あか寺 – Akadera” (ngôi chùa màu đỏ). 

    chùa Kofukuji
    Chùa Kofuku-ji gắn liền với thiền sư Ẩn Nguyên Long Kỳ. Ảnh: PIXTA 

    Kofuku-ji là ngôi chùa Trung Hoa đầu tiên tại Nhật, được xây dựng vào năm 1624 bởi nhà sư người Hoa - Chân Viên (眞圓), trong thời kỳ các thương nhân Trung Quốc đổ về Nagasaki để giao thương. Ban đầu, chùa được xây dựng để trở thành nơi thờ tự, các thương nhân thường ghé đến để cầu nguyện những chuyến đi biển bình an, rồi dần dà trở thành địa điểm tâm linh nổi tiếng trong giới thương nhân Trung Hoa.

    chùa Kofukuji 1
    Bức tượng bên trong khuôn viên chùa Kofuku-ji. Ảnh: at-nagasaki.jp

    Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi kiến trúc Trung Quốc, Kofuku-ji có diện mạo khác hoàn toàn so với những ngôi chùa ở Nhật Bản. Khuôn viên ngôi chùa có nhiều công trình, trong đó chánh điện được xây dựng lần đầu vào năm 1632 là ví dụ điển hình cho kiến trúc Trung Hoa lúc bấy giờ. Một chiếc đèn lồng lớn làm bằng kính đã được nhập khẩu từ Trung Quốc đến Nhật để treo lên mái của chánh điện. 

    Thiền sư Ẩn Nguyên Long Kỳ - người sáng lập ra tông phái Hoàng Bá từng có thời gian đến Nagasaki và tu tập ở Kofuku-ji, nên bảo điện “大雄宝殿 – Daiyuu Houden” của chùa cũng đã được chỉ định là Tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản.

    Chùa Sofuku-ji

    Cũng là một ngôi chùa thuộc phái Hoàng Bá của Thiền tông Nhật Bản, Sofuku-ji (崇福寺) được xây dựng vào năm 1629 bởi các Hoa Kiều đến từ tỉnh Phúc Kiến. Nếu chùa Kofuku-ji được xây bởi người Hoa đến từ Nam Kinh và được gọi là “chùa Nam Kinh” thì Sofukuji được mệnh danh là “chùa Phúc Kiến”. Sở hữu nét kiến trúc đậm chất Trung Hoa nên chùa cũng mang dáng vẻ khác biệt so với những ngôi chùa khác ở xứ sở mặt trời mọc. 

    chùa Sofukuji
    Cổng Ryugumon độc đáo ở chùa Sofuku-ji. Ảnh: PIXTA 

    Được xây dọc theo sườn đồi, chùa Sofuku-ji có hai tầng, gây ấn tượng mạnh mẽ bởi chiếc cổng màu đỏ rực. Ryugumon - tên của cổng mang ý nghĩa là cổng của cung điện rồng. Cổng Ryugumon được xây dựng lần đầu vào năm 1673 và đã bị phá hủy nhiều lần bởi hỏa hoạn, bão. Lần gần nhất công trình được tu bổ là vào năm 1849. 

    Bên trong khuôn viên chùa có nhiều sảnh và hàng loạt cổ vật như tượng, chuông đã có từ năm 1647. Đặc biệt, Điện Phật đã được thiết kế và vận chuyển từ Trung Quốc đến Nagasaki, rồi được các thợ thủ công ở đây lắp ráp, hoàn thiện vào năm 1646. Giống với Kofuku-ji, Sofuku-ji cũng là nhiều thương nhân Trung Hoa đến cầu xin  ra khơi thuận buồm xuôi gió. 

    bảo điện Daiyuu Houden
    Bảo điện Daiyuu Houden của chùa Sofukuji. Ảnh: PIXTA 

    Nếu thành phố Nagasaki có tổng cộng 3 bảo vật quốc gia, thì hai trong số đó nằm tại chùa Sofuku-ji, bao gồm bảo điện Daiyuu Houden và cổng chùa “第一峰門 – Đệ Nhất Phong Môn”. Ngoài ra, ngôi chùa cổ này còn có 5 tài sản văn hóa quan trọng cấp quốc gia, 4 tài sản văn hóa hữu hình cấp tỉnh và 10 tài sản văn hóa hữu hình cấp thành phố.

    Đền Yasaka

    Nằm cách trạm xe điện Sofuku-ji 2 phút đi bộ, đền Yasaka (八坂神社) đón chào du khách với cổng Torii đỏ rực rỡ. Khi leo qua cầu thang 70 bậc, cổng Torii thứ hai và cổng Shinmon sẽ dần hiện ra. 

    Chuyện kể rằng thuở xưa, tại Imakago (nay là phố Sofuku-ji), thành phố Nagasaki, có một cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi và không biết tự lúc nào, bên dưới tán cây có một ngôi miếu nhỏ đã được lập nên, gọi là miếu Tennou (天王社). Sau đó, dưới sự cho phép của chính quyền Nagasaki trong thời Edo, các vị thần ở đền Gion, Kyoto đã được thờ cúng tại Tennou. 

    đền Yasaka
    Đền Yasaka tĩnh lặng giữa núi rừng. Ảnh: PIXTA 

    Dưới chính sách “神仏分離 – Shinbutsu bunri” (tách riêng Phật giáo và Thần đạo) vào đầu thời Minh Trị Duy Tân, Tennou đã được đổi tên thành đền Yasaka như ngày nay. Trong số nhiều vị thần được thờ phụng ở đền Yasaka còn có vợ chồng thần Susano no Mikoto và Kushinada Hime no Mikoto, nên nơi đây trở thành địa điểm tâm linh cầu bình an cho gia đình và cầu tình duyên.

    Ngoài ra, người dân cũng đến đây để cầu mong khỏi bệnh, khỏe mạnh, hanh thông trong thi cử, kinh doanh thịnh vượng, quốc gia phát triển, đi lại an toàn và thuận lợi về hàng hải. 

    đền Yasaka 1
    Ảnh: PIXTA 

    Đặc biệt, đền Yasaka còn thờ phụng vị thần Inari Sakura Hime Bijin, với Hime Bijin mang nghĩa là nàng công chúa xinh đẹp. Tương truyền rằng, một cặp vợ chồng đã đến viếng thăm ngôi đền và vô tình nhìn thấy một chú cáo đang sinh nở khó nhọc. Rủ lòng thương, họ đã mang chú về nhà chăm sóc.

    Chú cáo dưới bàn tay chu đáo của vợ chồng đã hạ sinh khỏe mạnh và được vợ chồng mang trở lại chỗ cũ. Sau đó, cáo mẹ đã biến thành một nàng công chúa xinh đẹp xuất hiện trong giấc mơ của đôi vợ chồng để cảm tạ ơn cứu giúp. Từ đó trở đi, người dân truyền tai nhau việc viếng thăm ngôi đền Yasaka sẽ giúp cả thân và tâm đều trở nên tốt đẹp.

    Ngoài ra, đền Yasaka cũng là nơi diễn ra lễ hội nổi tiếng Nagasaki Kunchi, sự kiện không thể bỏ qua khi có dịp ghé thăm vùng đất cảng xinh đẹp Nagasaki vào mùa thu.

    thần Inari Sakura Hime Bijin
    Nơi thờ thần Inari Sakura Hime Bijin tại đền Yasaka. Ảnh: yasaka-jinjya.net

    Những địa danh hấp dẫn và các nét đặc sắc trong văn hóa - lịch sử của Nagasaki đều được giới thiệu trong 3 tập phim tài liệu “Nagasaki tôi yêu”, do Đài VTV phối hợp với Đài truyền hình Nagasaki (KTN) sản xuất nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Đừng quên bấm theo dõi fanpage Nagasaki Tôi Yêu để khám phá thêm nhiều điều thú vị về vùng đất cảng xinh đẹp này nhé!

    nagasaki tôi yêu

    kilala.vn

    Lịch phát sóng chương trình trên VTV1:

    - Tập 1:07h30 ngày 07/01/2023.

    - Tập 2: 07h30 ngày 08/01/2023.

    - Tập 3: 07h30 ngày 09/01/2023.

    Lịch phát lại chương trình:

    Trên VTV1:

    - Tập 1: 22h30 ngày 11/01/2023.

    - Tập 2: 22h30 ngày 12/01/2023.

    - Tập 3: 22h30 ngày 13/01/2023.

    Trên VTV2:

    - Tập 1: 20h25 ngày 16/01/2023.

    - Tập 2: 20h25 ngày 17/01/2023.

    - Tập 3: 20h25 ngày 18/01/2023.

    12/01/2023

    Bài: Rin

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!