Đến Phú Sĩ ngắm kiệt tác Kimono tại bảo tàng Kubota Itchiku
Không gian của sự huyền bí
Nếu xem hồ Kawaguchi là trung tâm thì nhìn về hướng nam, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi phong cảnh đẹp như một bức tranh của núi Phú Sĩ, còn khi đi về hướng bắc sẽ là một không gian đậm nét cổ xưa. Đi bộ khoảng 10 phút lên một con dốc thoai thoải, du khách sẽ nhìn thấy một cánh cổng hùng vĩ, bí ẩn, tạo cảm giác như đang lạc vào một thế giới khác. Đừng ngạc nhiên hay ngần ngại, bạn đã đi đúng hướng – cánh cửa này là lối vào chính của bảo tàng nghệ thuật Kubota Itchiku. Người sáng lập nên bảo tàng này là ông Kubota Itchiku (1917-2003), nghệ nhân dệt vải, người đã hồi sinh phương pháp nhuộm lụa cổ xưa “Tsujigahana –辻ヶ花”. Kết hợp với tài năng của mình, ông đã đã “thổi hồn” vào kỹ thuật nhuộm lụa và kimono độc đáo này, biến nó trở thành phong cách “Itchiku Tsujigahana – 一竹辻ヶ花"của riêng mình.
Sở hữu cái nhìn đầy mới mẻ về nghệ thuật, Itchiku đã tạo nên một không gian bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày những tuyệt tác Kimono, mà còn là nơi lưu giữ cổ vật từ khắp nơi trên thế giới, góp phần tạo nên cảm hứng cho các tác phẩm của ông.
Nơi tôn vinh văn hóa nhuộm
Sau khi đi qua khu vực “New Wing”, bạn sẽ bước chân lên bậc đá nhuốm màu thời gian để tiến vào khu vực tòa nhà chính của bảo tàng, nơi trưng bày tác phẩm tuyệt vời nhất của Itchiku – những bộKimonoTsujigahana. Khi cánh cửa chính được mở ra, du khách sẽ phải thốt lên đầy ngỡ ngàng bởi ấn tượng thị giác thông qua cách bố trí cũng như ánh sáng bên trong căn phòng. Ba chiếc Kimono tái hiện lại khung cảnh nổi tiếng của Nhật Bản được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm và nâng lên cao hơn so với mặt bằng chung khoảng 2m. Nơi đây tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên với phần chóp của mái được làm bằng kính để ánh mặt trời có thể xuyên qua, soi rọi từng đường kim mũi chỉ, màu sắc trên Kimono. Những bộ Kimono khác được xếp xung quanh, dọc theo bức tường càng làm tăng thêm vẻ đẹp quyến rũ, ma mị của không gian.
Nhìn từ xa, các tấm Kimono có vẻ như theo một tông màu đồng nhất với cam, xanh dương, những tông màu nóng – lạnh đan xen tạo nên độ sâu cho bức tranh trên áo. Khi đến gần, du khách sẽ bất ngờ bởi sự tinh tế và tỉ mỉ đến từng đường nét, chỉ với vài màu cơ bản nhưng việc thay đổi sắc độ đậm – nhạt đã tạo nên không gian đa chiều cho tác phẩm. Đây là một trong những điểm nổi bật nhưng cũng là sự phức tạp của kỹ thuật Tsujigahana, hay ngày nay được biết đến với tên gọi kỹ thuật Itchiku.
Kỹ thuật nhuộm bị mai một bỗng được hồi sinh
Kỹ thuật nhuộm Tsujigahana xuất hiện vào thời Muromachi (1333-1568). Gốc của kỹ thuật này là nhuộm tie-dye (kiểu nhuộm thắt) nhưng được nghệ nhân sáng tạo và thêm vào các bức vẽ, họa tiết thêu, vàng lá. Chính sự lộng lẫy của Kimono Tsujigahana khiến chúng trở thành trang phục yêu thích của các lãnh chúa quyền lực trong thời Chiến quốc (1467-1568). Tuy nhiên, đầu thời Edo (1603-1868), kỹ thuật nhuộm Yuzen đã xuất hiện, cho phép thể hiện nghệ thuật tự do với hiệu quả cao hơn trong quá trình sản xuất nên Tsujigahana dần thoái trào và biến mất.
Ở độ tuổi 20, Itchiku đến thăm Bảo tàng Quốc gia Tokyo, nơi ông nhìn thấy trang phục nhuộm Tsujigahana và nuôi dưỡng khao khát hồi sinh nét văn hóa truyền thống của dân tộc kể từ đó. Nhưng sau Thế chiến II, ông bị đưa đến trại tập trung ở Siberia và 6 năm sau mới được trả tự do để trở về Nhật Bản. Ở độ tuổi 40, ông dành trọn cuộc đời mình cho việc khôi phục lại nghệ thuật Tsujigahana. Sau nhiều thử nghiệm, khi bước sang tuổi 60, Itchiku mới đủ tự tin giới thiệu những tác phẩm của mình đến với công chúng trong buổi triển lãm cá nhân đầu tiên. Trang phục nhuộm Tsujigahana đã thu hút sự chú ý của giới nghệ thuật không chỉ tại Nhật mà còn ở Mỹ và châu Âu khi ông thực hiện hàng loạt buổi triễn lãm tại nước ngoài. Năm 1990, ông được chính phủ Pháp phong tước vị Chevalier de l'Ordre des Arts et des Lettres - Huân chương Văn học và Nghệ thuật Pháp. Năm 1995, ông trở thành nghệ sĩ còn sống đầu tiên được tổ chức triển lãm cá nhân tại Viện Smithsonian ở Washington DC.
Nói về phương pháp này, ông Miyahara Sakuo – Giám đốc của bảo tàng cho biết, điểm mấu chốt trong việc phát triển kỹ thuật của Itchiku là ông tìm ra được cách xử lý thuốc nhuộm hóa học. Khác với màu nhuộm là từ thực vật, màu hóa học có xu hướng tách ra khi pha trộn thành màu mới. Itchiku đã phát hiện rằng chúng có thể pha trộn dễ dàng trong nước ấm, dẫn đến việc kiểm soát màu sắc ở những bước cuối cùng trở nên dễ dàng hơn.
Núi Phú Sĩ là chủ đạo trong các tác phẩm
Nếu từng xem qua những bộ Kimono Itchiku, bạn dễ dàng nhận thấy người nghệ sĩ này có một tình yêu đặc biệt với ngọn núi biểu tượng của Nhật Bản. Tình yêu đó bắt nguồn từ việc Itchiku khi đi làm vào sáng sớm đã nhìn thấy núi Phú Sĩ ngập tràn sắc đỏ khi mặt trời mọc. Cảnh tượng ấy ấn tượng đến nỗi ám ảnh Itchiku và ông luôn mong ước có cơ hội nhìn thấy một lần nữa. Nhưng người Nhật thường nói với nhau: “Bạn không thể nhìn núi Phú Sĩ cùng một cảnh tượng hai lần” nên Itchiku coi Phú Sĩ như một đỉnh núi thiêng, và sự say mê của ông vẫn tiếp tục cho đến khi qua đời. Ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm bất hủ, nổi bật trong đó là dự án “Symphony of Light” với 80 bộ Kimono, khi xếp cạnh nhau sẽ tạo nên những cảnh sắc của núi Phú Sĩ qua bốn mùa. Tuy nhiên, ông đã ra đi ở tuổi 85, khi mới chỉ hoàn thành 36 tác phẩm. Nhưng may mắn, công việc ấy vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay bởi những học trò của Itchiku, để có thể hoàn thành tâm nguyện của người thầy.
kilala.vn
Bảo tàng nghệ thuật Kubota Itchiku
- Địa chỉ: 2255 Kawaguchi, Fuji Kawaguchiko, quận Minamitsuru, tỉnh Yamanashi
- Website: http://www.itchiku-museum.com/museum/
- Thời gian mở cửa: 9:30 - 17:30 (tháng 4 - tháng 11), 10:00 - 16:30 (tháng 12 - tháng 3). Đóng cửa vào thứ ba hàng tuần, trừ trường hợp rơi vào các ngày lễ quốc gia và ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 1; đóng cửa từ ngày 26 đến 29 tháng 12. Mở cửa hàng ngày trong tháng 10 và tháng 11.
- Giá vé vào cửa: Người lớn 1.300 yên, học sinh cao trung và sinh viên 900 yên, học sinh trung học trở xuống 400 yên.
24/06/2021
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận