Bảo tàng Meiji Mura, nơi lưu giữ ký ức thời Minh Trị

    Thời Minh Trị kéo dài từ năm 1868 đến năm 1912 đánh dấu giai đoạn nước Nhật bắt đầu mở cửa với thế giới sau thời gian dài “bế quan tỏa cảng”, cũng là thời kỳ đặt nền móng cho nước Nhật hiện đại. Và Meiji Mura, bảo tàng ngoài trời với kích thước như một thị trấn chính là nơi bảo tồn những tòa nhà có giá trị lịch sử của thời đại này.

    Sự ra đời của Bảo tàng Meiji Mura 

    Bảo tàng Meiji Mura (明治村) được thành lập vào tháng 03/1965 tại tỉnh Aichi, bấy giờ là bảo tàng ngoài trời lớn nhất Nhật Bản. 

    bảo tàng ngoài trời Meiji Mura
    Meiji Mura từng là bảo tàng ngoài trời lớn nhất Nhật Bản. 

    Nguồn cảm hứng để Meiji Mura ra đời xuất phát từ việc kiến trúc sư Taniguchi Yoshiro (người sau này trở thành chủ tịch đầu tiên của bảo tàng) chứng kiến Rokumeikan – biểu tượng văn hóa thời kỳ mở cửa của Nhật với phương Tây bị phá hủy.

    Tiếc nuối khi những tòa nhà cũ dần bị xóa sổ, Taniguchi đã ấp ủ ý tưởng bảo tồn các kiến trúc của thời Minh Trị bằng cách di dời và mở cửa cho công chúng chiêm ngưỡng như một món quà dành tặng cho thế hệ tương lai.

    20 năm sau khi Rokumeikan phá hủy, tại buổi họp lớp trung học, ông Taniguchi đã hào hứng nói lên mong ước của mình. Cùng chung lý tưởng, bạn học cũ của ông là Tsuchikawa Motoo, người sau này trở thành Chủ tịch của công ty Nagoya Railways đã quyết định hợp sức với Taniguchi. 

    kiến trúc sư Taniguchi Yoshirou
    Tòa nhà Rokumeikan bị dỡ bỏ vào năm 1940 và chân dung kiến trúc sư Taniguchi Yoshiro. 

    Và sau đó, hai người bạn đã bắt tay xây dựng nên Bảo tàng Meiji Mura. Nếu nghe tin một tòa nhà nổi tiếng thời Meiji sắp sửa bị phá hủy, họ sẽ nhanh chóng lao đến.

    Bấy giờ, họ đã giải cứu được 15 tòa nhà ở tận phía Bắc như Hokkaido đến tận phía Nam như Kyoto. Tiếp đó, họ di dời chúng vào khu đất rộng 50 hecta nằm ở bờ hồ Iruka tại Inuyama, tỉnh Aichi, thuộc sở hữu của công ty Nagoya Railways. 

    Meiji Mura khánh thành
    Những vị khách đầu tiên tham quan bảo tàng Meiji Mura vào ngày khánh thành. 

    KTS cảnh quan đã được thuê để đảm bảo cho các tòa nhà nằm ở vị trí thích hợp, và đến ngày 18/03/1965, bảo tàng Meiji Mura chính thức mở cửa đón chào công chúng. 

    Giải cứu những tài sản văn hóa quan trọng 

    Công việc giải cứu các tòa nhà thời Meiji vẫn được tiếp tục sau khi bảo tàng mở cửa. Và 10 năm sau – vào năm 1975, bảo tàng được mở rộng lên đến 100 hecta với hơn 40 tòa nhà được di dời về đây. 

    Khi ấy, Nhật Bản chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều tòa nhà cũ của thời Minh Trị đứng trước nguy cơ bị phá hủy để phục vụ các dự án phát triển như mở rộng đường, dù cho chúng đã sống sót qua các thảm họa tự nhiên và bom rơi lửa đạn của Thế chiến thứ 2. Chính nhờ Meiji Mura mà chúng vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.

    toàn cảnh Meiji Mura nhìn từ trên cao
    Những công trình kiến trúc của thời Meiji trải dài trên diện tích 100 hecta của bảo tàng. 

    Hiện nay, có 64 tòa nhà đã được di dời đến bảo tàng và 11 trong số đó được chỉ định là tài sản văn hóa quan trọng. Các công trình tại đây rất đa dạng, từ nhà thờ, tòa nhà chính quyền tỉnh, cửa hàng kinh doanh, trường học đến ngọn hải đăng. Những tòa nhà lịch sử này không chỉ ở Nhật mà còn đến từ Hawaii, Seattle, Brazil và những địa điểm mà người Nhật đã di cư đến. 

    Vào năm 1968, khi Nhật Bản kỷ niệm sự kiện “Một thế kỷ thời Meiji”, bảo tàng đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách. Hiện nay, Meiji Mura đang thực hiện việc bảo tồn những công trình đầu thời hiện đại trên khắp nước Nhật để giúp mọi người ngược dòng thời gian khám phá những giá trị của văn hóa địa phương. 

    Cựu Thủ tướng tham gia công cuộc bảo vệ di sản kiến trúc 

    Trong số các công trình lịch sử ở Meiji Mura, địa điểm nổi bật hơn cả là sảnh chính khách sạn Hoàng gia (Imperial Hotel). Khách sạn này là công trình của kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng vào thế kỷ 20 - Frank Lloyd Wright. Nó được hoàn thành vào ngày 01/09/1923. 

    Chỉ sau lễ khánh thành khoảng một tiếng đồng hồ, trận đại động đất Kanto đã tấn công nước Nhật nhưng tòa nhà này may mắn bị hư hại không đáng kể, và sau cùng trở thành nơi trú ẩn của nhiều nạn nhân động đất. Khách sạn cũng là một địa điểm quen thuộc của các vị khách được Chính phủ đón tiếp và nổi tiếng khắp Nhật Bản lẫn thế giới như một ví dụ điển hình cho phong cách kiến trúc của Wright.

    lối vào chính của khách sạn hoàng gia
    Lối vào chính của khách sạn Hoàng gia. 

    Tuy nhiên, từ nửa sau thập niên 60, khách sạn vật lộn trước số lượng khách ngày càng tăng và tòa nhà cũng bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu hư hại. Bất chấp nhiều cuộc kêu gọi bảo tồn nơi này như một công trình quan trọng của thế kỷ 20, ban quản trị khách sạn đã đi đến quyết định phá bỏ nó và xây dựng một công trình mới. 

    Tuy vậy, vào năm 1967, tại cuộc họp báo của cựu Thủ tướng Sato Eisaku khi ông trở về sau hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản – Hoa Kỳ, một nhà báo người Mỹ đã đặt câu hỏi về khách sạn Hoàng gia. Ông Satou đã ngay lập tức đáp lại rằng: “Tôi sẽ di chuyển nó đến Meiji Mura”. Động thái này của cựu Thủ tướng đã giúp bảo tồn di sản kiến trúc quý giá cho thế hệ tương lai.

    sảnh chính khách sạn hoàng gia
    Sảnh chính của khách sạn Hoàng gia. 

    Được thiết kế bởi Wright, kiến trúc sư nổi tiếng tại Nhật với biệt danh “ảo thuật gia ánh sáng”, nội thất bên trong khách sạn được làm bằng gạch, đất nung từ thành phố gồm Tokoname, tỉnh Aichi và đá Oya từ tỉnh Tochigi. Từ đó, không gian mang lại ấn tượng thay đổi theo thời tiết và từng mùa trong năm. 

    ngôi nhà mà nhà văn Mori Ogai và Natsume Soseki từng sinh sống
    Nhà văn Mori Ogai và Natsume Soseki từng lưu lại căn nhà này. 

    Thêm vào đó, bảo tàng cũng sở hữu ngôi nhà mà các đại văn hào như Mori OgaiNatsume Soseki từng lưu lại tại Sendagi, Tokyo. Công trình là một ví dụ điển hình cho kiến trúc nhà Nhật Bản, cũng là một chứng nhân quan trọng của lịch sử văn học Nhật. Tại đây, nhà văn Ogai đã viết nên cuốn sách "Fumizakai" (tạm dịch: Người đưa thư), còn nhà văn Soseki cũng hoàn thành tác phẩm kinh điển "Wagahai wa neko de aru" (tạm dịch: Tôi là con mèo) 

    Kiến trúc thời thuộc địa mang âm hưởng Tây phương

    Một số tòa nhà ở bảo tàng Meiji Mura còn thể hiện kiến trúc phương Tây theo lối thuộc địa. Chẳng hạn như tòa nhà chính quyền tỉnh Mie và văn phòng quận Higashi-Yamanashi đều được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng, thể hiện rõ ảnh hưởng của kiến trúc thuộc địa Đông Nam Á đến nước Nhật trong thời Minh Trị.

    văn phòng chính quyền tỉnh Mie
    Văn phòng chính quyền tỉnh Mie. 

    Mái hiên của cả hai tòa nhà này được xây dựng để che chắn cho các phòng khỏi ánh nắng mặt trời trực tiếp. Việc sử dụng Mokume-nuri – kỹ thuật vẽ hoa văn vân gỗ thủ công lên đồ nội thất và khung cửa sổ là một đặc trưng khác của kiểu kiến trúc thuộc địa tại Nhật. 

    văn phòng quận Higashi-Yamanashi
    Văn phòng quận Higashi-Yamanashi. 

    Chúng được lấy cảm hứng từ các tác phẩm của những người thợ mộc đã thực hiện ở các tòa nhà tại Yokohama, Tsukiji và nhiều vùng khác mà dân cư là người nước ngoài. 

    Văn phòng quận Higashi-Yamanashi nổi bật với kỹ thuật trát vữa, nhất là ở quanh các góc nhà, tạo nên ấn tượng là một công trình làm bằng đá dù được xây từ gỗ. Còn trần nhà được trang trí với họa tiết truyền thống Nhật Bản lấy cảm hứng từ tự nhiên, còn gọi là phong cách Kachou Fuugetsu. 

    biệt thự Saigo Tsugumichi
    Biệt thự Saigo Tsugumichi. 

    Thêm vào đó, biệt thự Saigo Tsugumichi, công trình đã được đăng ký là tài sản văn hóa quan trọng với ban công hình bán nguyệt nhô ra một cách khác thường cũng thể hiện những ảnh hưởng mạnh mẽ từ Louisiana – thuộc địa cũ của Pháp. Biệt thự được xây dựng vào năm 1880 và chủ nhân của nó - Tsugumichi là anh trai của Saigo Takamori, huyền thoại Samurai cuối cùng của Nhật Bản. 

    phòng ăn bên trong biệt thự Saigo Tsugumichi
    Phòng ăn bên trong biệt thự Saigo Tsugumichi. 

    Kiến trúc Nhật trong thời Meiji 

    Mặc dù kiến trúc phương Tây có ảnh hưởng sâu rộng đến thời Minh Trị nhưng đây cũng là khoảng thời gian mà những bậc thầy trong nghề mộc truyền thống của Nhật đạt đến đỉnh cao kỹ nghệ. 

    Tại Meiji Mura, dinh thự gia đình Tomatsu Nagoya nhìn bên ngoài có vẻ đơn giản nhưng bên trong lại chứa đựng những tuyệt kỹ của nghề mộc. Nơi đây đã được chỉ định là tài sản văn hóa quan trọng. 

    dinh thự Tomatsu Nagoya
    Dinh thự gia đình Tomatsu Nagoya. 

    Kiến trúc của dinh thự rất hợp với danh xưng "thành phố Trà đạo truyền thống" của Nagoya, gây ấn tượng với giếng trời cao đến tầng ba. Hành lang ở tầng hai mô phỏng lối vào khu vườn dẫn đến phòng trà đạo, còn căn phòng mang phong cách thẩm mỹ Wabi ở góc tầng ba cho thấy gu thẩm mỹ độc đáo của gia chủ. 

    cửa sổ trời
    Giếng trời bên trong dinh thự Tomatsu Nagoya. 

    Ngoài ra, tòa nhà còn nổi bật nhờ sự kết hợp đặc biệt giữa nét tinh tế và sự khéo léo, chẳng hạn như cách áp dụng các biện pháp an ninh khi gia chủ chuyển từ kinh doanh dầu sang ngân hàng, cùng hệ thống chiếu sáng và thông gió hiệu quả. 

    Nội thất hoài cổ ở Meiji Mura 

    Cùng với các tòa nhà lịch sử, Meiji Mura còn tích cực thu thập nội thất và các vật dụng truyền thống. Hiện tại, bảo tàng có hơn 30.000 mẫu vật trong bộ sưu tập và nhiều trong số chúng được trưng bày bên trong các tòa nhà. 

    Chúng đến từ Rokumeikan, Cung điện Meiji, Cung điện Akasaka cùng đồ nội thất được thiết kế bởi Frank Lloyd Wright, Takeda Goichi, Endou Arata. Phòng làm việc và phòng ăn ở từng tòa nhà được trang bị nội thất phù hợp và đặc biệt khách tham quan có thể ngồi xuống, trải nghiệm cảm giác được sống bên trong một tòa nhà của thời Meiji.

    đồ nội thất
    Ghế tại dinh thự Saigo Tsugumichi (bên trái) và ghế ở khách sạn Hoàng gia (bên phải). 

    Ở dinh thự Saigo Tsugumichi, chiếc ghế dựa lưng Baloon - kiểu ghế rất phổ biến ở Anh vào thế kỷ 19 - được trang trí thêm hình hoa anh đào bằng sơn mài cũng rất đáng để chiêm ngưỡng. Hay ghế con công được thiết kế bởi Frank Lloyd Wright trưng bày ở sảnh chính khách sạn Hoàng gia cũng là điểm nhấn nội thất thú vị. 

    Hơn nữa, bảo tàng còn trưng bày nhiều loại máy móc đặt nền móng cho thời hiện đại của nước Nhật, bao gồm động cơ hơi nước Brunat một xi-lanh cùng ba tài sản văn hóa quan trọng: máy bào hình hoa cúc, máy kéo sợi, máy bơm ly tâm kiểu Inokuchi được chế tạo vào buổi bình minh của kỷ nguyên đường sắt Nhật Bản. 

    máy kéo sợi
    Máy kéo sợi được sản xuất bởi công ty Platt Brothers của Anh. 

    Meiji Mura cũng có một kho lưu trữ khoảng 5.000 tài liệu, sách, ảnh của Hội chữ Thập đỏ Nhật Bản, được “giải cứu” khi hội xây dựng lại trụ sở chính. Chúng bao gồm hồ sơ về các hoạt động cứu trợ thiên tai, hoạt động nhân đạo đầu tiên của Nhật giúp đỡ trẻ em mồ côi Ba Lan cùng hồ sơ lịch sử giá trị về các hoạt động xã hội. 

    Vào năm 2018, bảo tàng đã huy động từ cộng đồng để sửa chữa và phục hồi cây đàn reed organ của Mỹ được chế tác vào năm 1890. Nhân viên ở bảo tàng hiện đang chơi cây đàn này để mang những thanh âm của thời Meiji đến với du khách.

    đàn organ
    Cây đàn reed organ ở bảo tàng.

    Đặc biệt, đầu máy hơi nước chạy giữa Shinbashi và Yokohama vào những ngày đầu của lịch sử đường sắt và xe điện ở Nhật, cùng với xe điện thành phố Kyoto cũng được trưng bày ở bảo tàng. Du khách có thể chứng kiến cảnh đầu máy xe lửa nhả khói và phát ra âm thanh như thế nào vào thời Meiji. 

    đầu máy hơi nước
    Đầu máy hơi nước bên trong bảo tàng Meiji Mura. 

    kilala.vn

    09/02/2023

    Bài: Rin
    Nguồn: Nippon
    Ảnh bìa: nagoya-info.jp

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!