Phụ huynh Nhật kiến nghị bỏ quy định cởi áo khi khám sức khỏe ở trường
Phụ huynh và học sinh tại Nhật Bản đang lên tiếng phản đối quy định cởi áo để kiểm tra sức khỏe dành cho học sinh tiểu học và trung học, vì với nhiều đứa trẻ, đây là trải nghiệm vô cùng xấu hổ, thậm chí là kinh nghiệm đau thương.
Với quy định cởi áo khi kiểm tra sức khỏe tổng quát, bởi chưa có quy định chung từ Chính phủ nên mỗi trường đưa ra cách thức thực hiện khác nhau. Một số trường yêu cầu học sinh chỉ mặc quần lót trong quá trình khám. Trước tình trạng này, đã có rất nhiều đơn kiến nghị yêu cầu bãi bỏ quy định trên.
Cô Hitomi Kanai, 48 tuổi sống tại Nagaokakyo, tỉnh Kyoto chia sẻ: “Cảm nhận về quy định này khác nhau tùy từng người, nhưng thật không đúng khi bắt ép trẻ làm vậy”.
Cả nam sinh và nữ sinh của 14 trường tiểu học, trung học đã phải cởi áo khi kiểm tra sức khỏe trong năm học 2022. Nhóm phụ huynh phản đối hình thức này đã thành lập một hội vào tháng 10 để yêu cầu nhà trường đưa ra cách thức khác giúp trẻ cảm thấy an tâm hơn khi kiểm tra sức khỏe tại trường. Hội khởi xướng bản kiến nghị để gửi lên chính quyền tỉnh và hội đồng giáo dục, yêu cầu cho phép trẻ được mặc quần áo trong suốt buổi kiểm tra sức khỏe.
Cô Kanai, trưởng hội đã hỏi con gái đang là nữ sinh trung học về cuộc kiểm tra sức khỏe trước thì nhận được phản hồi: “Con ghét cay ghét đắng nó nhưng con nghĩ không nên nói điều này với bất kỳ ai”. Một phụ huynh khác cũng từng chia sẻ với Kanai rằng: “Con tôi không muốn đến trường vào những ngày tổ chức khám sức khỏe”.
Các bậc phụ huynh càng lo lắng hơn khi vào tháng 7 vừa qua, một bác sĩ tại tỉnh Okayama đã bị bắt vì nghi quay phim lén nữ sinh mặc đồ lót bằng bút có gắn camera trong buổi kiểm tra sức khỏe tại một trường trung học cơ sở. Hay một bác sĩ 47 tuổi cũng đã bị truy tố vì lén quay ngực của nữ sinh tiểu học trong suốt cuộc kiểm tra sức khỏe.
Khi biết được các vụ việc này trên báo chí, Kanai nghĩ rằng: “Đây có thể chỉ bề nổi của tảng băng chìm”.
Về phía trường học, họ lại có quan điểm riêng về quy định này. Theo Hội đồng giáo dục thành phố Nagaokakyo, hiệp hội bác sĩ địa phương nói rằng việc không mặc áo để kiểm tra phần thân trên của học sinh là cần thiết, để tránh bệnh cong vẹo cột sống và các bệnh khác, nên các trường học ở thành phố cũng đi theo quan điểm này.
Một số trường học đã thực hiện các biện pháp như làm màn che để ngăn việc bạn bè thấy học sinh lúc cởi đồ hoặc cho phép học sinh che mình bằng khăn tắm. Vì vậy, hội đồng giáo dục thành phố tin rằng việc không mặc áo để kiểm tra phần thân trên là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường không yêu cầu học sinh cởi áo lúc kiểm tra sức khỏe. Vào năm 2018, Hiệp hội Y khoa Kyoto đã thực hiện khảo sát với học sinh tiểu học và trung học trên toàn tỉnh, bao gồm cả thành phố Kyoto và đã có 259 trường tham gia khảo sát. Kết quả là 71% trường tiểu học tiến hành kiểm tra sức khỏe với quy định không mặc áo nhưng chỉ 32% trường cấp hai áp dụng quy định này.
Các biện pháp mà những trường này đưa ra để tránh ép học sinh cởi áo bao gồm cho phép nữ sinh mặc áo ngực hoặc áo sơ mi, hay yêu cầu các em chỉ kéo áo lên khi cần thiết. Kanai cho biết: “Nếu học sinh có thể được kiểm tra sức khỏe mà không cần cởi áo, thì những bước trên nên được áp dụng cho nhiều trường học hơn để giảm thiểu số lượng học sinh có trải nghiệm tồi tệ”.
Làn sóng phản đối quy định cởi áo lúc khám sức khỏe cũng đã lan rộng khắp nước Nhật. Aiko Takata, 34 tuổi, sống ở tỉnh Chiba đã lập ra bản kiến nghị trực tuyến vào năm 2020 để kêu gọi Bộ Giáo dục cho phép học sinh được kiểm tra sức khỏe trong khi vẫn mặc quần áo.
Chỉ sau nửa năm khởi động chiến dịch, đã có hơn 20.000 chữ ký được thu thập. Một người tham gia cho biết: “Tôi ghét ký ức về những lần kiểm tra sức khỏe đến mức muốn chết”, trong khi người khác chia sẻ: “Tôi sợ đến mức không dám đến bệnh viện”.
Bản thân Takata cũng từng rất sốc khi bị bắt phải cởi áo trước bác sĩ trong suốt những lần kiểm tra sức khỏe ở trường trung học cơ sở và phổ thông. Takata từng chia sẻ điều này với một ý tá của trường thì nhận được câu trả lời: “Các bác sĩ chẳng nhìn em với ánh mắt không đoan chính đâu. Em mới là người sai khi nghi ngờ như vậy”.
Vào tháng 3/2022, sau cùng, tiếng nói của những người phải chịu đựng trải nghiệm tồi tệ ở buổi kiểm tra sức khỏe tại trường đã đến được với Hội đồng Tokyo, khi hội đồng đã nhận được bản kiến nghị kêu gọi cho phép học sinh có quyền từ chối kiểm tra nội khoa, bao gồm cởi áo kiểm tra ngực trước bác sĩ.
Đáp lại, Hội đồng giáo dục Tokyo thông báo phụ huynh hoặc con cái của họ có thể hỏi ý kiến của các y tá trường học khi lo lắng về các buổi kiểm tra sức khỏe.
Vào tháng 3/2021, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã đưa thông báo với hội đồng giáo dục các tỉnh thành về quy định cởi áo khi kiểm tra sức khỏe. Bộ kêu gọi các trường sử dụng bảng thông báo sức khỏe để giúp học sinh và phụ huynh hiểu quá trình khám diễn ra như thế nào, cũng như chú ý đến quyền riêng tư của trẻ nhiều nhất có thể theo hướng chuyên môn y tế.
Mặc dù không có quy định áp dụng toàn quốc, nhưng một công chức của Bộ cho biết: “Rất khó để chúng tôi đưa ra hướng dẫn chung bởi bác sĩ mỗi trường lại có cách làm khác nhau. Điều cần thiết là phải giải thích trước cho phụ huynh hiểu”.
Tatsuya Mima, giáo sư, bác sĩ về y xã hội học tại phân viện trường Đại học Ritsumeikan cho biết: “Nếu chứng cong vẹo cột sống và các bệnh khác bị bỏ qua trong quá trình kiểm tra sức khỏe thì bác sĩ của trường có thể phải chịu trách nhiệm dân sự. Các bác sĩ ở trường buộc phải kiểm tra kỹ càng cho học sinh để hoàn thành trách nhiệm của mình và cũng dễ hiểu khi trường có các quy định khác nhau về việc học sinh mặc áo trong buổi kiểm tra”.
Ông Mima nói thêm: “Khi ngày càng nhiều người đặt câu hỏi về vấn đề này chứng tỏ rằng nhận thức về quyền con người cũng đã tăng lên và quy định kiểm tra những phần nhạy cảm của học sinh cũng đã không còn phù hợp với thời đại nữa. Đặc điểm thể chất và thông tin về bệnh có thể khiến trẻ bị bắt nạt”.
Giáo sư chia sẻ các trường học nên thông báo với học sinh và phụ huynh rằng kiểm tra sức khỏe tại trường là không bắt buộc và các em có thể được kiểm tra bởi bác sĩ riêng. “Trong tương lai, hệ thống này nên được thay đổi để cho phép học sinh tự kiểm tra sức khỏe”, ông Mima cho biết.
kilala.vn
29/11/2022
Bài: Rin
Nguồn: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận