Bộ tranh minh họa không phân chia giới tính cho trẻ mầm non

    “Con trai hay con gái, có quan trọng?” - ba nhân viên chăm sóc trẻ ở Nhật tự hỏi khi vẽ hình minh họa cho lớp mẫu giáo.

    Các hình minh họa được sử dụng tại cơ sở chăm sóc trẻ em hầu như luôn xác định rõ giới tính như con gái đeo ruy băng đỏ, cậu bé mặc quần ngắn. 

    Tuy nhiên, ba nhân viên chăm sóc trẻ em Rinna, Maa và Keita thuộc cộng đồng LGBTQ lại có những góc nhìn khác. Là thành viên của tổ chức phi lợi nhuận ASTA chuyên ủng hộ sự đa dạng giới trong môi trường giáo dục, họ đã sáng tạo bộ tranh minh họa không phân chia giới tính nhằm giúp các trẻ ở mọi giới có thể cảm thấy tự tin hơn. 

    tranh minh họa

    Vấn đề của việc phân biệt giới tính 

    Tại các cơ sở giữ trẻ và mầm non, thông tin về sinh hoạt hằng ngày, vị trí phòng ốc và cách sử dụng nhà vệ sinh thường được trình bày dưới tranh minh họa giúp trẻ dễ hiểu. 

    Chúng là visual aid – minh họa trực quan và cũng được áp dụng tại các cơ sở dành cho trẻ em khuyết tật. Những hình minh họa này hầu hết được lấy từ các tài liệu miễn phí trên mạng.

    Thông thường, ta thấy hình ảnh quen thuộc như bé trai mặc quần, bé gái mặc váy. Trang phục của bé gái chủ yếu là màu đỏ hoặc hồng, trong khi trang phục của bé trai có màu xanh lam hoặc xanh lá cây, thể hiện rõ sự khác biệt về giới tính. 

    Thế nhưng điều này chưa phù hợp với những trẻ khác biệt so với định kiến xã hội, như những trẻ thuộc cộng đồng LGBTQ hoặc trẻ có khiếm khuyết về cơ thể.

    Phòng khám Giới tính của Bệnh viện Đại học Okayama đã thực hiện khảo sát với 1.167 người được chẩn đoán mắc chứng Bức bối giới (gender dysphoria). Khoảng 56,6% nói rằng họ cảm thấy không thoải mái với giới tính của mình từ trước khi vào tiểu học. 

    Keita nhớ mãi hồi nhỏ, khi còn học mẫu giáo, giáo viên đã nói: "Con là con gái, vì vậy con nên lấy cái này”. Thế là Keita bị cưỡng ép đem về nhà những đồ màu đỏ không phù hợp với sở thích của mình. 

    Riina, Maa và Keita tâm niệm: "Là những người làm công việc chăm sóc trẻ em, chúng tôi không muốn bọn trẻ phải có những cảm xúc tiêu cực giống chúng tôi lúc trước”.

    [subscribe]

    Không ai bị bỏ rơi

    Ba nhân viên chăm sóc trẻ tình cờ biết đến một sáng kiến phát triển các thiết kế không phân biệt giới tính, cụ thể là sticker mà trẻ dán lên đồ dùng. Lấy cảm hứng từ ý tưởng này, họ tạo ra các hình minh họa không phân chia giới tính nhằm xoa dịu nỗi đau tinh thần của những đứa trẻ cảm thấy không thoải mái với giới tính của mình.

    minh họa cho trẻ mẫu giáo
    Những nhà sáng tạo hướng đến việc thay đổi nhân vật nam, nữ thành nhân vật trung lập giới tính. Ảnh: eikyouiku-illust

    Một hình minh họa cho buổi ăn trưa không nhất thiết phải chỉ ra rõ giới tính nam nữ. Thay vào đó, họ muốn làm cho nhân vật đủ sự đa dạng, hấp dẫn để các em thấy đồng cảm và có thể nhìn thấy mình trong bức tranh. 

    tranh minh họa ăn trưa
    Ảnh: eikyouiku-illust

    Để làm cho các hình minh họa dễ sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau, họ cũng xin lời khuyên từ những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em và y tế.

    Cuối tháng hai, 220 bức tranh minh họa đã được hoàn thành. Chúng được chia thành các danh mục như vui chơi, sự kiện theo mùa, chăm sóc sức khỏe và phòng chống tội phạm và dự kiến sẽ được sử dụng tại các trung tâm giữ trẻ, trường mẫu giáo.

    Xem thêm: Xu hướng đồng phục không phân biệt giới tính tại Nhật

    tranh đa dạng
     Ảnh: eikyouiku-illust

    Những đứa trẻ xuất hiện trong tranh minh họa thể hiện sự đa dạng, như một số ngồi xe lăn, một số đeo máy trợ thính hoặc đeo thẻ có dấu hiệu "trợ giúp y tế*". Việc vẽ tranh không giới tính cũng không phải là rào cản hoặc khiến mọi người cảm thấy khó chịu.

    Maa nói: "Tôi mong những đứa trẻ khuyết tật và trẻ có màu da khác nhau cũng xuất hiện trong các bức tranh minh họa. Tôi muốn các em cảm thấy mình cũng như mọi người”.

    Riina nhận xét: "Lĩnh vực chăm sóc trẻ em rất bận rộn và rất khó để đem lại giáo dục giới tính toàn diện. Tôi sẽ rất vui nếu những hình minh họa này trở thành một trong các lựa chọn giảng dạy và nếu có thể, trở thành chất xúc tác để mọi người suy nghĩ về những tiêu chuẩn xã hội”.

    Hình minh họa có miễn phí trên trang web và các tổ chức giáo dục có thể tải về sử dụng.

    *Dấu hiệu trợ giúp y tế (help mark) có dạng biểu tượng hình chữ thập và trái tim màu trắng trên nền đỏ, cho thấy một người cần được giúp đỡ và chăm sóc ngay cả khi điều đó không rõ ràng nếu nhìn từ bên ngoài, chẳng hạn như người có chân hoặc khớp giả, khuyết tật không nhìn thấy được, người mắc bệnh nan y hoặc đang trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

    kilala.vn

    11/05/2023

    Bài: Quỳnh Tora
    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!