Sakurajima - Ngọn núi lửa năng động ở Kagoshima
Ngọn núi lửa dữ dội có tên gọi vô cùng mĩ miều
Nằm ở ngoài khơi tỉnh Kagoshima, cách đất liền chỉ 15 phút đi phà, Sakurajima thực chất là một hòn đảo có tên gọi khá mĩ miều: đảo Anh đào (“sakura” trong tiếng Nhật là “hoa Anh đào”). Tuy nhiên, sự hung tợn và dữ dội của ngọn núi lửa khổng lổ cao 1.117m nằm áng ngữ ngay chính giữa đảo đã khiến cho tên gọi “Sakurajima” dần trở thành danh xưng của ngọn núi lửa này.
Là một trong những ngọn núi lửa có tần suất hoạt động nhiều nhất ở Nhật Bản, Sakurajima từng khiến người dân nơi đây nhiều phen kinh sợ trước những cơn thịnh nộ quá khứ. Điển hình nhất là đợt phun trào vào tháng 1 năm 1941, khi dung nham của nó tràn ra khu vực xung quanh nhiều đến mức phủ lấp cả các hòn đảo nhỏ gần đó và gần như có thể chạm vào đất liền. Một phần của vịnh Kagoshima bị đào bới sâu hơn và các cột sóng dâng cao hơn do sự rút liền khoảng cách đột ngột giữa Sakurajima và đảo chính đã khiến cho hoạt động thủy triều trở nên bất ổn. Dòng dung nham này tiếp tục tuôn trào trong nhiều tháng. Đây là một hiện tượng ít khi bắt gặp ở Nhật Bản bởi dù có vô số núi lửa nhưng thuộc tính thành phần của đá mắc-ma ở nước này khiến cho các đợt phun trào dung nham hiếm khi xảy ra.
Hiện nay, Sakurajima vẫn luôn nhắc nhở sự tồn tại của mình bằng cách nhả ra những cột khói đầy bụi than cao hàng chục thước lên trời hầu như. mỗi ngày, kèm theo khoảng hơn 1.000 lần rung chuyển “nhẹ nhàng” mỗi năm. Chính bởi sự nguy hiểm đó, vào năm 1991, Sakurajima được Hiệp hội quốc tế về núi lửa và Hóa học trong lòng đất (IAVCEI) đưa vào danh sách “Núi lửa Thập niên” (tiếng Anh: Decade Volcanoes) bao gồm 16 ngọn núi lửa được xác định như là một trong những địa điểm xứng đáng cho công tác nghiên cứu đặc biệt nhằm giảm thiểu tối đa mức độ nghiêm trọng khi thiên tai xảy ra.
Cuộc sống đầy hiểm nguy gắn liền với tro bụi, đất đá
Với tần suất hoạt động liên tục của Sakurajima, khoảng 680.000 người dân sinh sống ở khu vực xung quanh, bao gồm các hộ cư dân dưới chân ngọn núi và dân cư của thành phố Kagoshima đối diện, phải chịu cảnh chung sống cùng với tro bụi và đất đá, luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đối mặt khi xảy ra thiên tai, thậm chí là phải lánh nạn và di tản đến nơi khác.
Tuy vậy, trong một chương trình về Sakurajima được chiếu trên đài NHK World, khi được nhà đài phỏng vấn về cuộc sống tưởng chừng như vô cùng khắc nghiệt ở hòn đảo nguy hiểm này, đa số cư dân đều trả lời một cách lạc quan và. nhẹ tênh rằng “Vì ở lâu nên quen rồi. Đây là quê hương tôi, nếu rời quê hương tôi chẳng biết đi đâu!” Thật vậy, dường như ngươi dân nơi đây đã tìm ra cách “cộng sinh” hòa bình nhất với người hàng xóm khó chiều Sakurajima. Rải rác khắp thành phố đều có các lán tị nạn. Trẻ em phải luôn đội mũ bảo hiểm khi ra ngoài để phòng đất đá rơi trúng đầu. Các mái nhà được thiết kế đặc biệt với nhiều rãnh để có thể quét bụi than dễ dàng. Trên các diễn đàn hoặc tại các trung tâm văn hóa xã hội, người dân truyền tai nhau những phương pháp giặt giũ và lau dọn nhà cửa sao cho hiệu quả,v.v.
Những đặc quyền do núi lửa ban tặng
Món quà mà ngọn núi lửa Sakurajima hào phóng ban tặng cho người dân nơi đây không gì khác chính là. bụi than sau các đợt phun trào. Tuy nhiên, chính những bụi than này đã góp phần tạo nên thổ nhưỡng đặc biệt cho khu vực lân cận. Đất ở đây tơi xốp, khả năng giữ nước và các chất dinh dưỡng cao nên rất lí tưởng cho trồng trọt.
Giống thực vật nổi tiếng nhất ở Sakurajima chính là củ cải trắng có tên gọi “Sakurajima Daikon” hay “Shimadekon” theo cách gọi thân quen của người địa phương. Đây là giống củ cải trắng lớn nhất trên thế giới với trọng lượng trung bình luôn vào khoảng 6kg, củ to có thể lên đến 30kg với đường kính khoảng 40 - 50cm. Không chỉ có kích thước choáng ngợp, Sakurajima Daikon còn nổi tiếng bởi vị ngọt đậm đà đặc trưng, ít xơ và mọng nước, đặc biệt phù hợp khi chế biến các món ăn truyền thống và làm quà lưu niệm.
kilala.vn
16/09/2019
Bài: Lê Mai/ Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận