Chuyện có thật: Cô bé ôn thi đại học Nhật trong… 2 tuần
Lỡ giấc mơ du học Mỹ, ôn thi đại học Nhật cấp tốc trong 2 tuần
Bảo Ngân kể nguyên do dẫn đến tình huống “éo le” này là vì ban đầu em không định thi lên đại học Nhật mà sẽ sang Mỹ hoặc New Zealand học ngành Luật. Tuy nhiên sau đó vì lí do gia đình nên ngay trước 1 ngày định trở về Việt Nam, em mới đến nói với thầy chủ nhiệm rằng muốn thi đại học ở đây. “Khi đó thầy rất bất ngờ, em cũng nghĩ thầy sẽ giận và rầy la em, nhưng thầy không nói một câu trách móc nào mà bảo em cứ về Việt Nam ôn thi, còn thầy thì một mình lo hết các thủ tục đăng kí dự tuyển, còn trích cả tiền quỹ của trường để đóng lệ phí thi giùm em, làm cho em giấy xin ra vào kí túc xá những hôm đi thi tuyển. Hồ sơ dự tuyển gửi đi xong hết rồi thầy mới gọi điện báo và la rầy em, nhưng rồi vẫn động viên, khích lệ em cố gắng ôn thi trong 2 tuần còn lại. Em đi thi về thì thầy không nói câu nào, nhưng hôm mở giấy báo kết quả và thấy em trúng tuyển, thầy mừng đến nỗi ôm em khóc khiến em rất xúc động”.
Việc ôn thi gấp và đậu Đại học chứng tỏ Ngân có kiến thức rất vững. Điều đặc biệt là thời điểm chuẩn bị hồ sơ dự thi là tháng 2, vì nộp hồ sơ trễ kì thi du học vào tháng 12 nên Bảo Ngân không thi đại học theo diện du học sinh, mà thi theo diện học sinh người Nhật thi vào đại học Nhật. Theo Bảo Ngân, đề thi hai bên không quá cách biệt nhau vì hầu hết đều là kiến thức chung, khi thi tuyển sinh em không cần phải tham dự vòng phỏng vấn như những du học sinh khác, nhưng điều thiệt thòi sau này là em sẽ không được nhận học bổng khuyến học dành cho du học sinh.
Học ở Nhật vui vì không bị… khảo bài
Khác với nhiều bạn trẻ có niềm đam mê đối với xứ sở hoa anh đào, Bảo Ngân đến với đất nước Nhật Bản một cách ngẫu nhiên. Lí do cô bé 21 tuổi thông minh, hoạt bát này chỉ mới học năm 1 đại học là do em quyết định ra nước ngoài học cấp 3 khá trễ - lúc đang học lớp 11 tại Việt Nam. Khi gia đình đưa ra 3 sự lựa chọn: Mỹ, Úc hoặc Nhật, Bảo Ngân đã chọn Nhật Bản một cách rất… “vô tư” bởi “Nhật gần Việt Nam, hơn nữa em cũng thích hoa anh đào”. Em chọn điểm đến cho mình là trường THPT OISCA, tọa lạc tại tỉnh Shizuoka.
Khi mới sang Nhật, Bảo Ngân rơi vào tình trạng bỡ ngỡ vì hoàn toàn không nói được tiếng Nhật, tiếng Anh cũng chỉ ở mức bập bẹ. Nhưng với tính cách vui vẻ, hòa đồng, em cố gắng bắt chuyện với các du học sinh khác bằng tiếng Anh. Sau 3 tháng đầu sinh hoạt trong kí túc xá và học tiếng Nhật tại lớp dành riêng cho du học sinh, em dần vượt qua rào cản ngôn ngữ và có thể giao tiếp với người bản xứ, du học sinh nước ngoài bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật.
Bảo Ngân chia sẻ: “Ngoài giờ học trên lớp, em được tham gia rất nhiều hoạt động thú vị. Ví dụ như ở kí túc xá hàng tháng có tổ chức các hoạt động như làm vườn, trồng rau hay nhặt rác xung quanh trường, đến mùa hè thì ở trường, phường, quận cũng thường có lễ hội văn hóa nên em có cơ hội được giao lưu, kết bạn với các anh chị, đàn em khóa dưới mà bình thường ít tiếp xúc. Trong khoảng 2 năm đầu, ngoài người Nhật thì em cũng khá thân với các bạn du học sinh Thái, Ấn Độ… nhờ đó em học hỏi được không chỉ văn hóa Nhật Bản mà còn văn hóa của nhiều quốc gia khác. Đến năm cuối, trở thành hội phó kí túc xá tạo cho em cơ hội được giao tiếp với người Nhật nhiều hơn, lúc này em mới bắt đầu thật sự thân thiết, cởi mở với các bạn học sinh bản xứ”.
Theo Bảo Ngân, môi trường học tập tại Nhật rất thân thiện, khi em thắc mắc vấn đề gì thì các bạn đều vui vẻ chỉ dẫn em. Sau khi tan học, thay vì phải đến lớp học thêm như ở Việt Nam, em thường lên hỏi bài giáo viên và được giảng giải rất tận tình. Bảo Ngân nhận xét về trường học tại Nhật: “Học ở Nhật không gò bó, vì thầy cô không khảo bài, không bắt học sinh lên bảng như ở Việt Nam. Hồi học năm 2 (lớp 11 theo cách tính của Việt Nam), em phải học cả môn lịch sử lẫn môn quốc ngữ, nhưng dù đã được thầy hướng dẫn cách học thì lần đầu thi em chỉ đạt 30/100 điểm. Lúc đó em rất sợ mình không tốt nghiệp được, nhưng thầy bảo với em du học sinh đạt 30/100 điểm thì cũng giống như học sinh người Nhật đạt 70/100 điểm nên không việc gì phải lo lắng cả. Thầy cô ở đây là vậy, không bao giờ ép học sinh phải học vượt quá khả năng mình”.
Bảo Ngân còn hài hước kể thêm về giờ học trồng lúa, gặt lúa được tổ chức vào tháng 7, tháng 10 hàng năm: “Vì từ nhỏ em lớn lên ở thành phố nên ban đầu thấy rất “ghê”, nhưng sang đến năm 3 thì đã quen, lại được chơi giỡn với bạn bè nên thích lắm. Nhưng tụi em cứ thắc mắc tại sao có máy móc mà nhà trường không dùng, vì học sinh tụi em có xuống ruộng cũng chỉ phá thôi, thì thầy cô giải thích là phải để tụi em biết làm ra hạt gạo khó cực như thế nào thì mới quý trọng bữa cơm của mình chứ. Thu hoạch lúa xong thì khoảng 2 tuần sau tụi em thấy ở nhà ăn của trường có dán giấy thông báo: “Hôm nay các em sẽ được ăn gạo do mình trồng”, lúc đó ai cũng đều thấy rất vui!”.
Mong ước làm trong ngành ngoại giao, thông dịch viên
Hiện đang theo học ngành Quan hệ quốc tế – Ngoại ngữ tại Đại học Osaka Jogakuin nhưng với Bảo Ngân, đó là điều không nằm trong kế hoạch, vì vào thời điểm thầy chủ nhiệm nộp hồ sơ giúp em thì chỉ còn vài trường mở kì thi tuyển sinh đầu vào. Tuy vậy Bảo Ngân cho biết em thích học ngoại ngữ nên ở đây em có thể trau dồi cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh, và còn được học thêm một ngoại ngữ tự chọn nữa là tiếng Hàn. Nhưng bên cạnh đó Bảo Ngân vẫn mong ước được đến New York hoặc Paris để học Luật – ngành học mà em yêu thích bấy lâu nay. Do đại học Nhật quy định sau năm thứ 2 mới được phép chuyển trường, nên Bảo Ngân dự định sẽ học tập ở Nhật trong 2 năm nữa, sau đó tìm trường có thể chuyển điểm từ đại học Nhật sang và phù hợp với nguyện vọng của mình.
Khi được hỏi sau này có muốn quay lại làm việc tại Nhật không, Bảo Ngân thẳng thắn chia sẻ: “Những năm qua thật sự em đã học hỏi được rất nhiều điều từ thầy cô và bạn bè ở đây, dù vậy em không có quan niệm là mình nhất định phải ở lại Nhật làm việc. Em có thể làm ở Nhật, Việt Nam hoặc bất cứ nơi đâu, vì em thuộc tuýp người năng động, không thích giậm chân tại một chỗ”. Cụ thể, em cho biết mong muốn của mình mai này là được làm việc trong ngành ngoại giao hoặc trở thành một thông dịch viên.
Inako/ kilala.vn
19/06/2017
Bài: Inako/ Ảnh: NVCC
Đăng nhập tài khoản để bình luận