5 thủ tục cần làm khi mới đến Nhật Bản
1. Làm Thẻ cư trú ( 在留カード)
Thẻ cư trú được cấp cho đối tượng là người nước ngoài cư trú trung hoặc dài hạn tại Nhật (từ 3 tháng trở lên). Khi thực hiện thủ tục nhập cảnh tại các sân bay lớn như Narita, Haneda (Tokyo), Chubu (Nagoya), Kansai (Osaka), bạn sẽ được cấp thẻ này cùng dấu chứng nhận được phép làm thêm tại Nhật (資格外活動許可). Nếu nhập cảnh tại các sân bay khác, bạn sẽ được đóng dấu chứng nhận đã được phép nhập cảnh lên hộ chiếu, còn Thẻ cư trú sẽ được gửi đến chỗ ở của bạn qua đường bưu điện. Đồng thời trong vòng 14 ngày sau khi đã xác nhận chỗ ở mới, bạn phải xuất trình thẻ này cho cơ quan quản lý hành chính địa phương gần nhất để làm thủ tục đăng ký chuyển nhập cư trú. Sau khi bạn hoàn thành thủ tục này, mặt sau của thẻ sẽ in địa chỉ chỗ ở của bạn. Nếu sau đó chuyển nhà thì bạn phải mang Thẻ cư trú đến cơ quan quản lý hành chính địa phương gần nhất để cập nhật nơi ở mới của mình.
*** Lời khuyên
Nếu đã đặt làm con dấu từ trước (có thể chuẩn bị khi còn ở Việt Nam), hãy mang con dấu này đến đăng ký cùng lúc với thủ tục 2. Ngay sau khi đó, bạn sẽ nhận được thẻ chấp nhận đã đăng ký con dấu chứng minh hiệu lực pháp lý của nó. (Con dấu này rất cần thiết khi làm hợp đồng lao động, làm thẻ ngân hàng,.)
2. Đăng ký Thẻ My Number ( マイナンバー)
Chế độ Mã số cá nhân được thực thi kể từ tháng 1/2016 nhằm mục đích thắt chặt quản lý trong lĩnh vực an sinh xã hội, thuế và đối phó với thiên tai. Không chỉ riêng người có quốc tịch Nhật, người nước ngoài lưu trú trung hoặc dài hạn ở Nhật cũng sẽ nhận được mã số này tại thời điểm đăng ký chuyển nhập cư trú. Bạn sẽ được yêu cầu trình Mã số cá nhân khi đi xin việc làm thêm, đăng ký tham gia bảo hiểm y tế hay nhận/gửi tiền ở ngân hàng, bưu điện.
Thông thường, cơ quan quản lý hành chính địa phương sẽ gửi một thẻ thông báo Mã số cá nhân tới địa chỉ đăng ký tạm trú của bạn. Thẻ thông báo này có thể chứng thực Mã số cá nhân của bạn, nhưng không đóng vai trò nhận dạng cá nhân như hộ chiếu, Thẻ cư trú. Để tiện hơn, bạn nên đăng ký để nhận Thẻ Mã số cá nhân (個人番号カード) – được coi như thẻ căn cước chính thức của bạn tại Nhật. Bạn có thể đăng ký theo 2 cách, hoặc gửi mẫu đơn đăng ký qua đường bưu điện, hoặc đăng ký trực tuyến. Các bước chi tiết được trình bày cụ thể trong giấy hướng dẫn đăng ký được gửi kèm với thẻ thông báo.
3. Mua điện thoại di động
Dùng điện thoại trả trước
Nếu chỉ ở Nhật trong thời gian ngắn, bạn có thể liên lạc với bạn bè và đồng nghiệp bằng loại điện thoại này. Ở Nhật hiện có hai hãng lớn đang khai thác loại hình này là Softbank và Au. Cước gọi của điện thoại trả trước có phần “chát” hơn, nhưng bù lại bạn không cần phải đóng phí hàng tháng.
Dùng sim giá rẻ cho smartphone
Nếu mang theo smartphone từ Việt Nam, bạn có thể gắn sim giá rẻ (thường có đầu số là 080 hoặc 090) để nghe/gọi, gửi SMS và sử dụng internet. Có thể kể một số sim giá rẻ phổ biến trong cộng đồng du học sinh như Rakuten mobile, DMM mobile và IIJmio. Một khi đã chọn mua loại sim này, bạn phải đảm bảo thời gian sử dụng dịch vụ ít nhất là 12 tháng.
Mua smartphone tại Nhật
Những bạn du học ở Nhật từ 2 năm trở lên có thể mua smartphone tại Nhật vì thời hạn hợp đồng sử dụng mạng điện thoại ở Nhật thường ít nhất là 2 năm. Ở Nhật có 3 hãng điện thoại kiêm nhà mạng lớn là Docomo, Au và Softbank. Hãy tìm hiểu trước các gói dịch vụ trên website của mỗi hãng, hoặc đến trực tiếp các cửa hàng như Bic Camera, Yadobashi Camera.
Nhìn chung, Docomo là hãng có giá dịch vụ rẻ nhất, sản phẩm đa dạng và đường truyền ổn định nên được nhiều người ưa chuộng (tính đến tháng 6/2016, tỉ lệ người dùng mạng Docomo ở Nhật chiếm gần 45,4%). Tuy nhiên, việc bạn nên chọn mạng nào còn phụ thuộc vào việc những đối tượng mà bạn thường xuyên liên hệ như bạn bè, đồng nghiệp sử dụng mạng nào để có thể tận dụng các gói ưu đãi gọi điện và nhắn tin nội mạng.
4. Tham gia Bảo hiểm sức khỏe quốc dân
Theo quy định, mọi du học sinh nước ngoài lưu trú ở Nhật trên 3 tháng đều phải tham gia chương trình Bảo hiểm sức khỏe quốc dân (国民健康保険). Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm là bạn sẽ chỉ phải trả 30% chi phí điều trị khi bị thương tích hoặc ốm đau trong thời gian học tập tại Nhật, trừ chi phí điều trị ngoài phần bảo hiểm. Bạn có thể đăng ký tại quầy phụ trách Bảo hiểm sức khỏe quốc dân ở cơ quan quản lý hành chính địa phương. Tiền bảo hiểm hàng tháng có thể thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi gần nơi bạn ở.
5. Mở tài khoản ngân hàng
Khi đã có Thẻ cư trú, Thẻ bảo hiểm sức khỏe quốc dân và số điện thoại liên lạc, thủ tục kế tiếp mà bạn nên làm là mở một tài khoản ngân hàng, bởi hầu hết các giao dịch liên quan đến tiền nong ở Nhật đều được thực hiện qua con đường chuyển khoản. Theo quy định chung thì người nước ngoài cư trú chưa đủ 6 tháng ở Nhật sẽ không thể mở tài khoản ngân hàng, nhưng thực tế vẫn có một số ngân hàng hoặc chi nhánh không quá gắt gao với vấn đề này, đặc biệt là các chi nhánh ở gần khu dân cư, trường học hoặc khu vực công sở.
Do đó khi cần mở một tài khoản, bạn nên đến hỏi nhiều chi nhánh khác nhau. Sau đây xin giới thiệu với độc giả một số ngân hàng có uy tín mà du học sinh có thể lựa chọn:
Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ ( 三菱東京UFJ 銀行)
Ưu điểm:
- Độ tin cậy cao bởi đây là một trong những ngân hàng lớn nhất ở Nhật.
- Có nhiều quầy giao dịch.
- Có thể rút tiền tại ATM của một số ngân hàng khác, cụ thể là Seven, Lawson, E-net, Yucho.
- Không mất phí khi rút tiền tại tất cả các điểm ATM kể trên từ 8:45 đến 18:00 các ngày trong tuần, phí mở tài khoản trực tuyến và phí chuyển tiền cho tài khoản cùng ngân hàng bất kể thời điểm giao dịch nào trong ngày khi thực hiện trên ngân hàng trực tuyến.
Khuyết điểm:
- Mất phí khi chuyển tiền cho tài khoản khác ngân hàng.
- Mất phí khi gửi hoặc nhận tiền từ nước ngoài.
Ngân hàng Shinsei (新生銀行)
Ưu điểm:
- Có quầy hướng dẫn bằng tiếng Anh
- Có thể rút tiền tại ATM của các ngân hàng khác như Seven, Yucho, Mizuho, Tokyo-Mitsubishi UFJ, Sumitomo Mitsui,.
- Không mất phí duy trì tài khoản, phí rút tiền tại ATM cùng ngân hàng hoặc ngân hàng Seven 24/24 giờ.
- Nếu sử dụng ngân hàng trực tuyến sẽ không mất phí chuyển tiền cho tài khoản cùng ngân hàng, và được miễn phí thủ tục 1 lần/tháng khi chuyển tiền cho tài khoản khác ngân hàng.
- Không mất phí khi nhận tiền từ nước ngoài.
Khuyết điểm:
- Không có nhiều quầy giao dịch.
- Không phát hành sổ tài khoản nên phải xác nhận toàn bộ các khoản giao dịch trên ngân hàng trực tuyến.
Ngân hàng Yucho (ゆうちょ銀行)
Ưu điểm:
- Có quầy giao dịch ở nhiều nơi (bất cứ nơi nào có bưu điện).
- Có thể rút tiền tại ATM của các ngân hàng khác như Citibank Japan, Shinsei, Seven, Mizuho, Sumitomo Mitsui, Tokyo-Mitsubishi UFJ,.
- Không mất phí khi rút tiền tại ATM của ngân hàng trong khung giờ quy định (tùy từng địa phương).
- Nếu sử dụng ngân hàng trực tuyến sẽ được miễn phí chuyển tiền cho tài khoản cùng ngân hàng 5 lần/tháng.
Khuyết điểm:
- Không thể nhận hoặc gửi tiền ra nước ngoài khi chưa sống ở Nhật đủ 6 tháng.
- Mất phí khi chuyển tiền cho tài khoản khác ngân hàng.
*** Lời khuyên
• Mỗi ngân hàng đều có ưu và khuyết điểm khác nhau, nên chọn ngân hàng tùy theo điều kiện và nhu cầu của bạn. Chẳng hạn nếu muốn mở tài khoản để nhận lương hàng tháng, bạn có thể mở tài khoản cùng ngân hàng với công ty của mình.
• Trước khi về nước, hãy xác nhận lại xem có cần phải hủy tài khoản hay không để tránh mất phí duy trì tài khoản.
Inako/ kilala.vn
21/02/2017
Bài: Inako/ Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận