DHS Đức Hạnh: "Đi Nhật để "già đời" hơn và. bớt ảo tưởng"
Là cựu sinh viên khoa tiếng Nhật của Đại học Ngoại thương Hà Nội, có kinh nghiệm đi sale, dạy học, phiên dịch tiếng Nhật từ thời còn là sinh viên, bạn Nguyễn Đức Hạnh (22 tuổi) đã chia sẻ với Kilala nhiều điều khá thú vị về quyết định đi Nhật du học cũng như những trải nghiệm trong gần 4 tháng xa xứ vừa qua của mình.
N2 vẫn “đầu hàng” trước phương ngữ Nagasaki
Đại học Ngoại thương là ngôi trường có liên kết với khá nhiều trường đại học quốc tế, trong đó có các trường đại học Nhật, mang đến cho sinh viên của khoa nhiều cơ hội đi Nhật để giao lưu, du học trao đổi. Lý do mà Đức Hạnh chọn Đại học Ngoại ngữ Nagasaki tại TP. Nagasaki bởi vì đây là một trong rất ít trường đại học ở Nhật dạy chuyên về các ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn,… có giáo viên bản xứ với kĩ năng chuyên môn cao đảm nhận giảng dạy nên chất lượng đào tạo tốt hơn rất nhiều so với các trường khác. Bên cạnh đó, môi trường học tập ở đây yên tĩnh, chi phí sinh hoạt cũng khá rẻ so với mặt bằng chung tại Nhật.
Như vậy, cuối tháng 4/2017, trong khi chờ làm thủ tục tốt nghiệp tại Đại học Ngoại thương, chàng trai Hà Tây 22 tuổi đã lên đường sang Nhật du học. Được miễn toàn bộ học phí trong 1 năm, trong túi đã thủ sẵn trình độ tiếng Nhật lưu loát và tấm bằng N2, tưởng chừng không có rào cản nào là không thể vượt qua đối với bạn. Nhưng chào đón bạn tại Nhật không ngờ lại có cả một “núi” những điều bất ngờ: “Điều khiến mình ngạc nhiên nhất khi sang đây chính là… luật giao thông đường bộ ở Nhật. Vì mọi người đều đi bên tay trái nên thậm chí suốt 2 tháng đầu mình không dám đi xe đạp ra ngoài vì chưa quen. Nơi mình sống lại là vùng đồi núi nên đa phần người dân đều đi bộ hoặc đi xe đạp nên khá khó khăn cho người Việt Nam vốn quen di chuyển bằng xe máy, ít khi phải đi bộ xa. Tuy trường chỉ cách kí túc xá khoảng 5 – 10 phút nhưng những ngày nắng nóng mà phải leo dốc quả thật là cực hình”.
Thêm một “bức tường” nữa đối với du học sinh ngoại quốc, đó là phương ngữ Nagasaki. Tuy hầu hết giảng viên trong trường là người vùng khác nên sử dụng giọng phổ thông, nhưng trong quá trình giao lưu với người dân địa phương và làm thêm thì không tránh khỏi việc bị “bủa vây” bởi phương ngữ xa lạ hệt như một ngôn ngữ khác. “Lúc đầu mình hầu như không hiểu họ đang nói gì cả. Thậm chí ngay cả người Nhật chưa quen thì cũng chỉ hiểu được khoảng 60% những gì người dân ở đây nói”.
Khác biệt về điều kiện sống, rào cản ngôn ngữ và hơn nữa còn là người Việt Nam duy nhất học tập tại môi trường đa văn hóa như Đại học Ngoại ngữ Nagasaki nên thời gian đầu anh chàng 22 tuổi cảm thấy rất cô đơn và không thể hòa nhập được. Những người có thể chia sẻ giai đoạn đầu khó khăn với Đức Hạnh là cậu bạn người Nhật cùng phòng và những người bạn Trung Quốc “gần gũi về văn hóa, có tính cách gần giống người Việt Nam, thoải mái phóng khoáng nên dễ chơi nhất”.Tuy nhiên dù gặp vô vàn khó khăn nhưng Đức Hạnh vẫn nhận thấy chính sự tận tình của giảng viên bản xứ trên lớp và khoảng thời gian bắt buộc phải giao tiếp bằng tiếng Nhật vì không có cơ hội sử dụng tiếng Việt (ngoại trừ những lúc gọi điện cho gia đình và bạn bè) đã giúp kĩ năng giao tiếp tiếng Nhật của mình tiến bộ vượt bậc. Đối với phương ngữ Nagasaki, nhờ đi làm thêm và có nhiều cơ hội va chạm với người bản địa nên hiện tại Đức Hạnh đã tự tin đánh giá mình có thể hiểu đến 70 – 80% nội dung hội thoại của người dân ở đây.
Làm thêm tại Nhật: Gian khổ để trưởng thành hơn
Có kinh nghiệm làm bán thời gian cho những công ty lớn tại Việt Nam từ thời còn là sinh viên, nhưng Đức Hạnh chia sẻ bấy nhiêu vẫn chưa đủ để thích ứng ngay với môi trường làm việc tại Nhật. Bởi lẽ, “người Nhật rất khó tính và cứng nhắc chứ không xuề xòa, linh động như người Việt Nam. Với người Việt Nam, khi làm một cái bánh thì có thể thực hiện theo nhiều cách, nhưng với người Nhật thì một là một, hai là hai, những cách làm khác đều không được chấp nhận dù bạn mất ít thời gian hơn để hoàn thành chúng”.
Để trang trải sinh hoạt phí, hiện tại Đức Hạnh đang làm 2 công việc cùng một lúc: một tại cửa hàng tiện lợi, một tại cửa hàng hamburger khá nổi tiếng. Bạn chia sẻ về quá trình từ lúc xin việc của mình: “Chỉ là phỏng vấn làm thêm nhưng người Nhật vẫn tổ chức rất bài bản. Tại cửa hàng hamburger mình phỏng vấn, 45 phút đầu tiên người quản lý dành để hỏi mình từ những điều nhỏ nhặt nhất như “Đang sống ở đâu?”, “Có nhiều bạn bè không?”, “Nhà có mấy anh chị em?”, “Giỏi lĩnh vực nào nhất?”, “Tại sao sang Nhật?”, “Trước đó đã phỏng vấn tại những đâu?”,… 15 phút sau họ đưa mình một bảng câu hỏi, yêu cầu mình giải quyết các tình huống như khi đánh rơi bánh thì phải làm thế nào, nếu khách hàng là trẻ em khóc thì phải xử lý ra sao… dù công việc mình xin vào chỉ quanh quẩn trong bếp.
Từ khi kí hợp đồng đến khi được chính thức đi làm mất đến 1 tháng. 2 tuần đầu tiên gồm 5 buổi làm là giai đoạn “training”, mình bị buộc phải học rất nhiều thứ. Buổi đầu thì học tác phong khi làm việc và cách chào hỏi khách hàng, buổi thứ 2 học tên gia vị, đồ dùng trong bếp và được phát cho quyển sách dạy công thức các loại bánh. Đến buổi thứ 3 thì mình bị bắt phải vào bếp làm thử, nhưng mình chưa có thời gian học thuộc tất cả công thức do đang làm việc hai nơi nên quản lý rất giận dữ. Sang buổi thứ 4, 5 thì mình mới bắt đầu nhớ được”.
Công việc vất vả, đầy áp lực nhưng bù lại tiếng Nhật của bạn đã tiến bộ đáng kể từ khi làm việc tại đây. “Thật sự tiền lương làm thêm ở đây không cao so với nhiều công việc mình từng làm hồi còn ở Việt Nam, nhưng xét về khả năng giao tiếp thì không đâu có thể nâng cao bằng tại chính Nhật Bản. Đi Nhật giúp mình “già đời” hơn, bớt ảo tưởng hơn về nước Nhật. Mình nghĩ khi chúng ta học hỏi được điều gì thì song song đó sẽ có những “cái giá” phải đánh đổi từ những thứ khác. Nhưng quan trọng vẫn là bạn có đủ dũng khí để đương đầu với những thử thách cho sự trưởng thành của mình hay không” – Đức Hạnh chia sẻ.
Khám phá Nagasaki: Sẽ tuyệt vời hơn nếu được đi cùng bạn bè
Khi chia sẻ với tôi loạt ảnh kỉ niệm các chuyến tham quan du lịch tại Nagasaki, Đức Hạnh cho biết Nagasaki là một vùng đất có những địa điểm đáng tham quan nhưng vui thích nhất chính là được trải nghiệm bên cạnh bạn bè của mình.
Một số lời khuyên khi du học và làm thêm tại Nhật:
- Học sinh người Nhật cả nam lẫn nữ đều rất rụt rè, thụ động nên không cần phải cố hòa nhập với họ. Ngoại trừ một số người “lập dị” thì không thể phủ nhận hầu hết người Nhật khá tử tế và biết cách cư xử với những người xung quanh, khi bạn cần họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ bạn.
- Đừng xem nhẹ kì kiểm tra xếp lớp đầu vào, vì nếu rơi vào lớp có trình độ thấp hơn khả năng hiện tại sẽ rất “lãng phí” do hầu như không học được kiến thức mới.
- Khi phỏng vấn xin việc, nên chú ý đọc kĩ câu hỏi về thời gian có thể làm việc trong tuần. Hầu hết các nơi đều ưu tiên những bạn có khả năng làm việc vào nhiều ngày khác nhau nên hãy cứ ghi tất cả những khung giờ mà bạn có thể làm việc được trong tuần. Tuy thời gian du học sinh được làm thêm tại Nhật theo quy định là không quá 28 tiếng/tuần nhưng thông thường các nơi cũng chỉ sắp xếp mỗi bạn làm 10 – 12 tiếng/tuần mà thôi.
- Tuy người Nagasaki bản địa có tốc độ nói rất nhanh nhưng phương ngữ Nagasaki vẫn là “tiếng Nhật”, cấu trúc ngữ pháp hoàn toàn giống và chỉ đổi khác một vài thành tố trong câu. Ví dụ: “いる” bị đổi thành “おる”, “頑張らなきゃ” thành “頑張らんば”, “~だから” thành “~やけん”, “分からない” thành “分からん”,.
Tìm hiểu thêm về các trường đại học tại Nagasaki: nagasaki.kilala.vn/university.html
07/09/2017
Bài: Inako/ Ảnh: nhân vật cung cấp
Đăng nhập tài khoản để bình luận