NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Anpanman – Siêu anh hùng yếu nhất thế giới đã truyền cảm hứng cho BTS

    Anpanman – siêu anh hùng với khuôn mặt tròn xoe và chiếc mũi đỏ “thương hiệu” là tuổi thơ của biết bao trẻ em Nhật Bản. Được mệnh danh là “anh hùng yếu nhất thế giới”, vậy nhưng vì sao nhân vật này vẫn vô cùng được yêu mến?

    Anpanman là ai?

    Anpanman là một anh hùng có khuôn mặt được làm từ anpan (bánh mì nhân đậu đỏ) và là một người bạn mạnh mẽ, tốt bụng, luôn hành động vì chính nghĩa. Được chuyển thể thành loạt anime truyền hình vào năm 1988, Anpanman ngay lập tức trở thành nhân vật được trẻ em Nhật Bản yêu thích.

    Chủ đề của manga và anime Anpanman là tình yêu cùng lòng dũng cảm. Đứng lên chống lại Baikinman - đại diện của cái ác, siêu nhân Anpanman luôn có mặt kịp thời để giúp đỡ bất kỳ ai gặp khó khăn.

    anpanman-la-ai
    Anpanman. Ảnh: CBR

    Ngoại hình và tính cách của Anpanman

    Anpanman mặc đồng phục màu đỏ cam và áo choàng màu nâu, đeo găng tay, ủng và thắt lưng có màu vàng cùng với biểu tượng khuôn mặt cười trên ngực.

    Anh có một cái đầu tròn to làm bằng anpan - một loại bánh mì nhân đậu đỏ ngọt ngào, chiếc mũi to màu đỏ chính giữa đôi má hồng hào và một nụ cười tươi luôn hiện diện trên khuôn mặt.

    Tính cách của Anpanman vui vẻ và thân thiện, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Chiếc áo choàng của nhân vật này luôn tung bay trong gió, vì anh dành cả ngày bay khắp nơi để cứu giúp bất cứ ai cần hỗ trợ.

    Anh làm mọi thứ, từ đẩy xe đến tìm thú cưng bị thất lạc và chống lại những kẻ xấu gây rắc rối. Anpanman thậm chí còn tự cắt một phần đầu của mình để làm thức ăn cho những người nghèo đói.

    sieu-nhan
    Ảnh: shikokutours.com

    Các nhân vật trong Anpanman

    Trong manga, Anpanman được tạo ra bởi một thợ làm bánh anpan lành nghề tên là Jam Ojisan. Ông đã tạo ra một thế giới bánh mì, trong đó tất cả các loại bánh đều có sức mạnh để bảo vệ và giúp đỡ mọi người.

    Anpanman không cần ăn vì đầu anh đã được làm bằng một chiếc bánh đậu đỏ. Điểm yếu của Anpanman là nước hoặc bất cứ thứ gì khiến đầu anh ấy bị bẩn. Nhưng khi điều đó xảy ra, Jam Ojisan sẽ làm lại phần đầu của Anpanman và thậm chí còn bổ sung thêm sức mạnh và nâng cấp.

    Trong mọi câu chuyện anh hùng đều có nhân vật phản diện, và Anpanman cũng không ngoại lệ. Đến từ Planet Germ – Hành tinh Vi khuẩn, Baikinman luôn đặt mục tiêu tiêu diệt Anpanman và những người bạn của anh, lây lan vi trùng và vi khuẩn trên khắp thế giới.

    Để chống lại sự tàn ác của nhân vật phản diện này, Anpanman có sự trợ giúp từ một số người bạn. Một trong số đó là Currypanman, đầu của cậu là một chiếc bánh mì nhân cà ri. Hay Melonpanna, có hình dạng giống melonpan (bánh mì ngọt hình quả dưa). Chúng ta cũng có Shokupanman, dưới hình dạng một ổ bánh mì shokupan... Tất cả đều mang những sức mạnh khác nhau.

    sieu-nhan-anpanman
    Anpanman và những người bạn. Ảnh: otakuusamagazine.com

    Thương hiệu này đã lập kỷ lục Guinness thế giới mới về số lượng nhân vật nhiều nhất trong một bộ anime khi vượt mốc 1.768 vào tháng 6 năm 2009. Con số đó nay đã tăng lên hơn 2.300.

    Lịch sử của Anpanman

    Anpanman được tạo ra bởi họa sĩ minh họa Takashi Yanase. Ông sinh năm 1919 tại Kahokucho, một thị trấn ở thành phố Kami, tỉnh Kochi. Ngoài là một họa sĩ truyện tranh và tác giả sách tranh, Yanase cũng là một nhà thơ, nhà thiết kế và biên tập viên. Sinh thời, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm thuộc đa dạng lĩnh vực cho đến khi qua đời ở tuổi 94.

    Anpanman là tác phẩm nổi tiếng nhất của Yanase. Nguồn gốc của Anpanman có thể bắt nguồn từ một câu chuyện thiếu nhi do chính Yanase viết và minh họa vào năm 1969. Câu chuyện miêu tả một anh hùng thầm lặng, một người đàn ông bình thường đã tặng anpan cho những đứa trẻ đói khát sống trong cảnh nghèo khó.

    Từ đây, ông đã phát triển ý tưởng về một siêu anh hùng chính trực, giúp đỡ những người gặp khó khăn bằng cách bẻ từng mảnh khuôn mặt của mình cho họ ăn.

    Hành động tử tế này làm suy yếu sức mạnh của Anpanman, ảnh hưởng đến khả năng bay của anh. May mắn rằng người tạo ra anh (trong câu chuyện), bậc thầy làm bánh Jam Ojisan, có thể bổ sung sức mạnh đó bằng cách nướng cho anh một cái đầu mới.

    takashi-yanase
    "Cha đẻ" của Anpanman - họa sĩ Takashi Yanase. Ảnh: japantimes.co.jp

    Anpanman sống trong một thế giới đầy những anh hùng và nhân vật phản diện lấy cảm hứng từ thực phẩm, bao gồm cả những người bạn Currypanman, Shokupanman, Cream Panda, và kẻ thù chính - con ruồi hèn hạ, đầy mầm bệnh Baikinman.

    Trong thế giới đầy cạnh tranh của các nhân vật hoạt hình, Anpanman là một vị “vua” với 79 triệu bản của loạt sách ảnh đã được bán ra. Giá trị thương mại của nhân vật này ước tính đạt 100 đến 120 tỷ yên doanh thu hàng năm và nắm giữ các thỏa thuận cấp phép với khoảng 70 công ty khác nhau.

    Với loạt thành tích trên, ít ai biết rằng anh chàng siêu nhân này có một khởi đầu khá kiêm tốn. Anpanman bắt đầu như một phần của cuốn sách tranh hàng tháng được nhà xuất bản Froebel-kan bán trực tiếp cho các trường mẫu giáo.

    Một số người ở công ty xuất bản ban đầu tỏ ra nghi ngờ trước ý tưởng về một nhân vật chính có khuôn mặt bị ăn dần, nhưng phản ứng nhiệt tình từ trẻ em đã thuyết phục họ sản xuất một phiên bản đặc biệt để bán rộng rãi trên thị trường.

    Anpanman của Yanase ban đầu nhắm đến trẻ em khoảng 5 tuổi. Makoto Amano, cố vấn bộ phận Anpanman của Froebel-kan, người đã cộng tác với Yanase trong phần lớn thời gian ông làm việc ở đây, tin rằng việc tác giả từ chối thỏa hiệp là một trong số các lý do dẫn đến thành công của cuốn sách.

    Amano nói: “Ông ấy không bao giờ coi thường trẻ em hoặc đối xử với chúng như những đứa trẻ. Ngay cả khi trẻ không biết một từ, chúng vẫn nhớ từ đó và khi lớn lên chúng sẽ tìm ra ý nghĩa, học cách sử dụng nó. Ông ấy không bao giờ đơn giản hóa mọi thứ chỉ vì lũ trẻ còn nhỏ.”

    Sự nổi tiếng của sách tranh đã dẫn đến sự ra đời của phiên bản anime không lâu sau đó, với bản chuyển thể một tập được phát sóng trên NHK vào tháng 3 năm 1979. NTV sau đó tung ra series “Soreike! Anpanman”, do TMS Entertainment sản xuất vào tháng 10 năm 1988, và các giám đốc điều hành sớm nhận ra rằng 6 tháng phát sóng mà họ dự định ban đầu sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu.

    “Tỷ lệ xem kỷ lục của ‘Soreike! Anpanman’ là vào ngày lễ Giáng sinh năm 1989. Tỷ lệ này là 15,4%”, nhà sản xuất Yuichi Takahashi cho biết. “Đó vẫn là kỷ lục của chương trình cho đến ngày nay. Khung giờ chiếu trong ngày đã thay đổi kể từ đó nên bạn không thể so sánh chính xác, nhưng vào thời điểm đó, đây là một tỷ lệ xem lớn.”

    anpanman-sieu-nhan
    Anpanman là một thương hiệu được yêu thích bất kể thời đại. 

    “Tất nhiên có rất nhiều yếu tố khác nhau, nhưng nếu xét rằng bộ phim đã đạt được con số lớn như vậy chỉ sau hơn một năm từ khi công chiếu, thì bản thân điều đó đã cho thấy tầm ảnh hưởng của phim”, ông nói thêm.

    Loạt phim hoạt hình nhìn chung vẫn bám sát chủ đề và phong cách của bản gốc, mặc dù một số thay đổi về mặt thẩm mỹ đã được thực hiện. Trong truyện gốc, Anpanman đã cho đi nhiều mảnh khuôn mặt của mình đến mức anh sẽ gần như “không đầu” bay về tiệm bánh của Jam Ojisan, nhưng các nhà sản xuất truyền hình cho rằng điều đó khá đáng lo ngại, và những hành động tử tế của nhân vật này nên được giới hạn ở mức 2 đến 3 miếng bánh là nhiều nhất trong mỗi tập phim.

    Theo thời gian, tạo hình của Anpanman trở nên tròn trịa và dễ thương hơn, 5 ngón tay biến thành bàn tay tròn như quả bóng. Độ tuổi của khán giả mục tiêu cũng giảm xuống khoảng 1-3 tuổi, mặc dù Amano khẳng định tác giả Yanase vẫn duy trì mức độ kiểm soát cao đối với bản hoạt hình.

    “Khi anime lần đầu được thực hiện, Yanase đã đưa ra một danh sách các yêu cầu,” Amano nhớ lại. “Thường thì tác giả sẽ để hầu hết mọi việc cho nhà sản xuất giải quyết nhưng Yanase lại rất chi tiết về mọi việc.

    Ông ấy muốn các nhân vật phải theo một hướng nhất định và không cho phép một số thứ. Ông có những quy tắc riêng của mình. Vì vậy, khi anime bắt đầu, nó đã được làm theo cách Yanase muốn, nhưng không có bất kỳ yêu cầu bất khả thi nào được đặt ra từ ông.”

    baikinman
    Baikinman - nhân vật phản diện chính của phim.

    Anh hùng yếu nhất thế giới

    Chủ đề xuyên suốt tác phẩm của Yanase là luôn đứng lên vì những người yếu thế. Nền tảng của chủ đề này phản ánh trải nghiệm của chính Yanase khi ông không đạt được thành công lớn trong sự nghiệp mãi cho đến khi đã ngoài sáu mươi, cùng những đau khổ bản thân họa sĩ đã trải qua trong Thế chiến thứ hai.

    Miyuki Semba, Giám đốc Quỹ Xúc tiến Bảo tàng Anpanman cho biết, Yanase mất em trai mình trong Thế chiến thứ hai. Ông cũng phải nhập ngũ và bị đưa sang Trung Quốc. Ở tiền tuyến, ông phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.

    Yanase từng nói, trong chiến tranh, người Nhật được dạy rằng đó là cuộc chiến vì công lý, nhưng khi nó kết thúc thì sự thật lại trái ngược với những gì họ từng nghe.

    Khi Nhật Bản thua trận, Yanase cảm thấy công lý mà ông từng biết đã bị đảo lộn, khiến ông đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của từ này. Câu trả lời cuối cùng ông đưa ra là: “Trao miếng bánh mì cho người đói dù điều đó đồng nghĩa với hy sinh bản thân mình.” Ông cảm thấy đó là loại công lý vững chắc mà mọi người đều có thể chịu trách nhiệm.

    sieu-nhan-nhat-ban
    Anpanman không hề là một siêu anh hùng bất khả chiến bại. Ảnh: twimg.com

    Yanase mô tả Anpanman là “anh hùng yếu nhất thế giới”, và đúng với định nghĩa này, Anpanman đầy rẫy những điểm yếu. Sức mạnh của anh không thể được sử dụng nếu anh bị ướt, và khi người hùng này sử dụng sức mạnh bằng cách cho đi một phần khuôn mặt của mình, anh sẽ trở nên yếu đi.

    Điểm yếu của Anpanman là cách Yanase thể hiện rằng “Công lý thực sự không phải là toàn năng, nó sẽ bị tổn thương”. Câu chuyện của Anpanman không phải là câu chuyện về một anh hùng được chọn, mà là câu chuyện về sự hy sinh để cứu một người đang đói khát bằng tình yêu và lòng dũng cảm. Đó là một định nghĩa mới và độc đáo về chủ nghĩa anh hùng.

    Vì sao trẻ em Nhật không ngừng yêu mến Anpanman?

    Vào năm 2011, nghiên cứu của Bandai cho thấy Anpanman là nhân vật hư cấu được yêu thích nhất ở độ tuổi 0 đến 12 ở Nhật Bản trong 10 năm liên tiếp. Anpanman đã vượt qua Hello Kitty để trở thành nhân vật có doanh thu cao nhất Nhật Bản vào năm 2002, và là nhân vật có doanh thu cao nhất Nhật Bản tính đến năm 2019.

    ​Lý do cho sự nổi tiếng lâu dài của Anpanman đã được tranh luận rộng rãi, thậm chí còn có nhiều luận văn học thuật được viết về chủ đề này. Nhà phê bình phim Mark Schilling tin rằng sự hấp dẫn của Anpanman có bản chất rất cơ bản.

    Ông nói: “Nó đề cập đến một thứ mà trẻ nhỏ rất quen thuộc, đó là thức ăn. Một cái gì đó rất, rất cơ bản. Trẻ nhỏ nhìn mọi thứ thông qua chiếc miệng của chúng. Trẻ nhìn thấy thứ gì đó trên sàn và muốn ăn nó. Tất nhiên, bạn cũng tìm thấy điều này ở (những đứa trẻ) phương Tây. Đó là một đặc điểm phổ quát.”

    khuon-mat-anpanman
    Anpanman bẻ một phần đầu của mình để làm thức ăn cho người khác. 

    Những người khác cũng lập luận rằng Anpanman kích thích điều gì đó tiềm ẩn trong não trẻ, và Bandai thậm chí còn phát hành một loạt đồ chơi mà công ty cho biết thiết kế của chúng là dựa trên nghiên cứu của các nhà thần kinh học.

    Tuy nhiên, Amano của Froebel-kan tin rằng sức hấp dẫn lâu dài của Anpanman là minh chứng cho cách kể chuyện của Yanase.

    “Bản thân Yanase thậm chí còn không biết tại sao nó lại nổi tiếng đến vậy,” ông nói. “Nhưng trẻ em nhìn mọi thứ từ một quan điểm thuần khiết. Tôi nghĩ rằng thời gian đã bắt kịp Yanase. Lúc đầu, mọi người cho rằng thật tàn nhẫn khi để người khác ăn đầu của Anpanman và họ không thể hiểu được ý nghĩa của việc đó. Nhưng sau đó mọi người bắt đầu nhận ra rằng tất cả chỉ là để giúp đỡ những người gặp khó khăn.”

    Đến Kochi – quê hương của “cha đẻ” Anpanman

    Nếu yêu mến và muốn tìm hiểu về nhân vật này, không gì bằng đến thăm quê hương của Yanase – người sáng tạo ra Anpanman. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn.

    Yanase Takashi Memorial Hall: Anpanman Museum and Poem & Märchen Gallery

    Được xây dựng tại quê hương của người sáng tạo ra Anpanman, đây là một phòng trưng bày nghệ thuật nơi cả trẻ em và người lớn đều có thể tìm thấy niềm vui. Trong phòng trưng bày ở tầng 4, bạn có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật nguyên bản của sách tranh và các hoạt cảnh lớn có Anpanman do chính Yanase Takashi vẽ.

    Trong Thế giới Anpanman dưới lòng đất, bạn có thể xem những bức tranh tái hiện quang cảnh đường phố của thị trấn nơi Anpanman và những người bạn của anh sinh sống.

    Trong Phòng trưng bày Poem & Märchen liền kề, bạn có thể xem triển lãm bìa gốc của “Poem & Märchen” (Shi to Meruhen), tạp chí mà Takashi Yanase từng là tổng biên tập, cũng như các tác phẩm không phải Anpanman khác của vị họa sĩ.

    Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày các bài thơ, tranh minh họa và tác phẩm gốc của các tác giả sách tranh từ Nhật Bản và trên thế giới.

    yanase-takashi-memorial-hall-anpanman-museum
    Ảnh: japanrailandtravel.com

    Đoàn tàu Anpanman

    Một đoàn tàu được trang trí bằng nhiều hình minh họa Anpanman khác nhau. Tàu bắt đầu hoạt động vào năm 2000 với tư cách là tàu tốc hành nối tỉnh Okama và tỉnh Kochi. Nó hiện đang hoạt động ở nhiều khu vực khác nhau của Đảo Shikoku.

    tau-hoa-anpanman
    Ảnh: Shikoku Tours

    Những nhân vật địa phương khác của tỉnh Kochi

    Yanase đã đóng góp nhiều thiết kế hình ảnh nhân vật cho tỉnh Kochi. Ông đã thiết kế nhân vật gốc cho tất cả 20 ga tàu của Đường sắt Tosa Kuroshio chạy qua khu vực phía đông Kochi.

    Tổng cộng hơn 50 nhân vật gốc đã được ông tạo ra ngay trên quê hương mình. Nổi bật trong đó là 13 nhân vật đại diện cho Thành phố Kami, dựa trên mô típ các sản phẩm địa phương như đào và hạt bạch quả, cũng như nhân vật quảng cáo phòng chống thiên tai của Kochi.

    Yanase đã thiết kế hầu hết các công trình công cộng này miễn phí. Giám đốc Quỹ Xúc tiến Yanase Takashi Memorial Hall - Miyuki Semba nói về mối quan hệ bền chặt của Yanase với quê hương của ông:

    “Yanase mất cha khi mới 5 tuổi. Sau khi mẹ tái hôn, ông được chú và dì nuôi dưỡng. Yanase không có con và ông khao khát tình yêu thương vô điều kiện giữa cha mẹ và con cái. Yanase bắt đầu làm việc thường xuyên hơn ở Kochi khi lớn lên. Tôi nghĩ ông ấy cảm nhận sâu sắc rằng Kochi là quê hương của mình, nơi ông có thể trở về và muốn đền đáp lại người dân Kochi.”

    Công viên Yanase Takashi Magnolia được xây dựng trên địa điểm ngôi nhà cũ của cha Yanase, nơi Yanase đã trải qua thời thơ ấu. Những lời của Yanase được khắc trên bia mộ nơi chôn tro cốt của vị họa sĩ.

    Những sự thật thú vị về Anpanman

    • Ban nhạc Hàn Quốc BTS đã sáng tác một bài hát lấy cảm hứng từ anh hùng Anpanman, thậm chí còn biểu diễn trong trang phục đặc trưng của các nhân vật.
    • Anpanman đã gia nhập Kỷ lục Guinness Thế giới với tư cách là loạt phim hoạt hình có nhiều nhân vật nhất: 1768.
    • Tác giả manga One Punch Man đã lấy cảm hứng từ Anpanman để tạo ra nhân vật chính Saitama của mình.

    Anpanman không hẳn là một siêu anh hùng điển hình như Batman hay Superman – anh không có bất kỳ sức mạnh thực sự nào, và được làm từ bột theo đúng nghĩa đen. Nhưng những thiếu thốn về thể chất đã được anh ấy bù đắp bằng lòng tốt và sự dũng cảm. Đó là một bước ngoặt đầy cảm hứng về một anh hùng và đã truyền cảm hứng cho vô số trẻ em trên khắp châu Á. ​

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!