Làm việc ở Nhật đồng nghĩa bạn phải biết nhậu?

    Văn hóa “nhậu nhẹt” ở Nhật Bản cũng giống với hầu hết các nơi trên thế giới. Những nguyên tắc trang trọng, cứng nhắc sau cùng chỉ là hình thức. Mục đích cốt lõi của những cuộc nhậu vẫn là đưa mọi người đến gần nhau hơn…

    “Làm việc ở Nhật đồng nghĩa bạn phải biết… nhậu.”

    Ở Nhật, đi ăn tối và uống rượu cùng đồng nghiệp được xem là nguyên tắc ngầm nơi công sở. Trong một công ty Nhật điển hình, mọi khía cạnh công việc đều được quy định hẳn hòi. Nhiều người cho rằng, bữa rượu sau giờ tan tầm chính là dịp để tất cả nhân viên tụ họp, tán gẫu và chuyện trò nhiều hơn. Có những người đã trở thành bạn thân, thậm chí còn tìm được nửa kia của mình. Đi nhậu với đồng nghiệp, bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra mỗi người mang một màu sắc riêng, một tư tưởng riêng.

    Một bữa tiệc rượu sang trọng thường có sự góp mặt của nhiều tầng lớp, chẳng hạn như sếp, nhân viên lâu năm và nhân viên mới. Trong buổi tiệc, mọi người đều có quyền thể hiện quan điểm cá nhân về công việc hiện tại, chia sẻ những khó khăn và cùng nhau giải quyết vấn đề. Mặc dù chủ đề của cuộc trò chuyện xem ra chẳng mấy thú vị, nhưng đa phần các nhân viên đều tỏ ra biết ơn trước sự rộng lượng của sếp vì đã mời họ đến một nơi sang trọng với toàn những món ăn ngon và thức uống đắt tiền.

    Việc đi nhậu với cấp trên và đồng nghiệp tuy mang lại nhiều thuận lợi trong công việc, nhưng phần lớn giới trẻ ngày nay sau khi tốt nghiệp thường chọn cho mình một môi trường làm việc tự do ít bị ràng buộc. Họ chẳng mấy bận tâm đến việc xây dựng các mối quan hệ công sở, trốn tránh những bữa nhậu và từ chối cả những chuyến du lịch thường niên của công ty. Khi được hỏi lý do, có người trả lời rằng: “Không phải lúc nào đi nhậu cũng là cách cải thiện các mối quan hệ. Chỉ cần đối xử với người khác một các chân thành, chắc chắn bạn sẽ có được lòng tin của họ.”

    Văn hoá nhậu nhẹt
    Đa phần người trẻ ngày nay không thích những bữa nhậu với đồng nghiệp sau giờ làm. (Ảnh: Flickr/ DaDa 1127)

    Những quy tắc trên bàn nhậu

    Gọi cùng một loại thức uống

    Trong văn hóa “nhậu” của người Nhật, trước khi bắt đầu buổi tiệc người ta thường gọi cùng một loại đồ uống để tất cả mọi người đều có thể cụng ly. Hai loại thức uống phổ biến thường được gọi đầu tiên là bia hoặc rượu sake. Đối với rượu sake – loại rượu truyền thống của Nhật Bản – người uống phải từ tốn nhấp từng ngụm nhỏ. Người Nhật luôn đưa chung rượu lên mũi ngửi trước khi uống ngụm đầu tiên. Hết “vòng một”, mỗi người được tự do chọn loại thức uống mà mình thích.
    1…2…3… Kampai!”.(Ảnh: Pixabay)

    Nguyên tắc rót rượu

    Phụ thuộc vào từng địa điểm khác nhau như nhà hàng, quán bar hoặc Izakaya (quán nhậu) mà bạn sẽ được bồi bàn phục vụ hay các đồng nghiệp sẽ tự rót rượu cho nhau. Theo thông lệ, cấp dưới phải rót rượu cho cấp trên, phụ nữ rót rượu cho đàn ông. Trên bàn nhậu luôn tồn tại một quy tắc ngầm: bạn chỉ được châm rượu cho người khác chứ không được tự ý rót cho mình. Thường thì người ta sẽ lịch sự từ chối, nhưng đó chỉ là hình thức mà thôi. Một khi bạn rót rượu cho ai đó, người ấy sẽ châm rượu lại ngay cho bạn. Với những ai tửu lượng không được tốt, hãy thẳng thắn từ chối lời mời rượu và để nguyên chung rượu đầy.

    Thanh toán hóa đơn – tiền ai nấy trả

    Kết thúc bữa nhậu, người Nhật thường đề nghị “betsu – betsu”, tức là chia nhau trả tiền hóa đơn, hoặc tiền ai người nấy trả. Trong một số trường hợp đi nhậu với cấp trên, nhiều sếp hào phóng sẽ nhất quyết thanh toán toàn bộ hóa đơn hoặc một phần đáng kể trong đó. Lúc này nhân viên sẽ không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào nữa.

    Sự thật đằng sau những bữa nhậu linh đình…

    “Bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy gương mặt thư thái của các đồng nghiệp trên bàn nhậu. Họ có lẽ đang rất căng thẳng vì phải đối mặt với sếp và phải chuẩn bị tinh thần cho những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng.” Có người đã thẳng thắn bình luận như vậy bên dưới một bài báo nói về văn hóa uống rượu của người Nhật. Không ai có thể phủ nhận rằng đi nhậu sau giờ làm sẽ cải thiện các mối quan hệ trong công ty, tuy nhiên việc này cũng có mặt trái của nó.
    (Ảnh: Pixabay)

    Một anh nhân viên văn phòng bị đau lưng bèn đến bác sĩ để kiểm tra. Bác sĩ nghi ngờ lá gan của anh có vấn đề nên đã yêu cầu anh không được uống rượu trong thời gian làm xét nghiệm. Anh nhân viên thuật lại toàn bộ lời dặn của bác sĩ với giám đốc vì trước đây anh ấy không được phép vắng mặt trong các buổi tiệc. Giám đốc bảo anh cứ yên tâm nghỉ ngơi cho khỏe. Đó là những tuần lễ hiếm hoi anh có nhiều thời gian ở nhà với vợ con. Vài tuần sau, nhận được kết quả xét nghiệm, anh chẳng mấy ngạc nhiên khi điều bác sĩ nghi ngờ đã đúng. Bác sĩ bảo sức khỏe của anh đã khá hơn, nhưng cần hạn chế uống rượu và dành thời gian chăm sóc bản thân. Anh nhân viên thật tình nói lại với giám đốc. Ngài giám đốc lập tức cho tổ chức một bữa tiệc ăn mừng “Ngày cậu khỏi bệnh” tại một quán quen ngay tối hôm ấy và ép anh “uống bù cho cái hôm cậu nghỉ bệnh không đến.” Người đàn ông tội nghiệp đến giờ vẫn nhớ cái “kỷ niệm” dở khóc dở cười đó.

    Đa phần người Nhật một khi đã ngồi vào bàn nhậu thì sẽ “Không say, không về!” Các công chức, viên chức bình thường có xu hướng ở lại thật lâu với đồng nghiệp và sếp. Họ gần như không đủ thời gian để trở về nhà trước khi quay trở lại công ty vào sáng hôm sau. Vì thế nên mới có chuyện vài ba bợm nhậu nằm dài trên ghế tàu điện, thậm chí là bạ đâu ngủ đó ngay trên phố. Đừng lầm tưởng đây cũng là một nét văn hóa độc đáo của người Nhật nhé. Hành vi say xỉn này bị xem là bất lịch sự không thể chấp nhận được. Nhận thấy tình hình trên, từ năm 2014 chính quyền thành phố Tokyo đã đưa vào sử dụng các tuyến xe buýt đặc biệt nhằm “cứu hộ” những bợm nhậu quá chén đến nơi nghỉ tạm qua đêm. 

    Văn hoá nhậu nhẹt của người Nhật
    Hình ảnh bợm nhậu nằm la liệt ngay trên phố. (Ảnh: Flickr/ Renediaz)

    Dù rằng đi nhậu được xem là việc cần thiết, là cơ hội giúp mọi người phá vỡ rào cản (Bureikou), thoải mái uống rượu và cười nói vô tư mà không bị bất kỳ quy định công sở nào ràng buộc, nhưng cẩn thận vẫn là trên hết. Khi nhậu với sếp hoặc các tiền bối, bạn không cần phải giữ cho mình quá tỉnh táo nhưng cũng đừng say khướt đến mức mất hết lý trí. “Rượu vào lời ra”, bạn sẽ không còn biết mình đang nói gì với sếp, mặc dù trước đó đã được phép “phá vỡ rảo cản”. Những hành động như từ chối sự đề cử của đồng nghiệp, thể hiện rõ lập trường tư tưởng hay nói chuyện hơi nhiều hơn bình thường nếu không khéo sẽ bị quy vào tội “xấc láo” với cấp trên.

    Trong những bữa nhậu, để góp phần làm không khí thêm náo nhiệt, nhiều trò tiêu khiển đã được tổ chức để mọi người cùng vui. Bên cạnh một số trò chơi sát phạt nhau bằng rượu như Takenoko Nyoki Ki (trò chơi đếm số từ một đến vô cùng và hai người không được đếm cùng một số) hay Yamanote Sen Game (trò chơi đặt tên khác cho các nhà ga thuộc tuyến Yamanote) thì The Osama Game được xem là trò tinh quái của giới sinh viên. Một người trong nhóm sẽ đánh số vào đũa của các thành viên, chiếc cuối cùng sẽ có chữ “Osama”. Người may mắn rút được chiếc đũa “Osama” sẽ trở thành Vua và có quyền sai bảo những người còn lại theo ý mình. Trò chơi này không dành cho những người tỉnh táo và nhút nhát. 

    Điểm mấu chốt ở đây là việc bạn phải chuẩn bị tinh thần cho những bữa nhậu với người Nhật. Không phải cuộc chơi nào cũng kéo dài đến tối muộn, và cũng chẳng có gì bất thường nếu ai đó trở về nhà với cơn say bí tỉ và sáng hôm sau vẫn phải có mặt đúng giờ tại công ty. Bữa nhậu tuy vui, nhưng quan trọng nhất là bạn phải biết cách giữ cho bản thân không sa đà vào những cuộc vui quá trớn.

    kilala.vn

    17/04/2019

    Bài: Nguyễn Ngân

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!