Đại diện SoftBank: Cẩn trọng về các khoản đầu tư mới
Quỹ tầm nhìn 100 tỉ USD của tập đoàn SoftBank đang dần đuối sức khi COVID-19 lan rộng toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của những công ty mà SoftBank đầu tư, kể cả tập đoàn công nghệ Uber, Khách sạn OYO và Homes. Mới đây, Chủ tịch kiêm CEO của SoftBank Group - ông Masayoshi Son - cho hay tập đoàn buộc phải thận trọng hơn trong việc đầu tư vào các công ty công nghệ và công ty kỳ lân(*).
Tập đoàn SoftBank đã rót một lượng lớn vốn đầu tư vào các công ty khác thông qua Quỹ tầm nhìn (Vision Fund). Tuy nhiên trước tình hình hiện tại, trong cuộc họp báo trực tuyến diễn ra vào hôm qua (18/5), ông Masayoshi Son cho biết: "Các doanh nghiệp kỳ lân đang phải đối mặt với một "cuộc chiến" khó khăn do COVID-19 gây ra. Chúng tôi sẽ thận trọng hơn đối với các khoản đầu tư của mình trong tương lai." Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm, có khoảng 15 trong số 88 công ty mà SoftBank hiện đang đầu tư qua Quỹ tầm nhìn có thể sẽ phá sản.
Trong năm kinh doanh (**) kết thúc vào tháng 3/2019, lợi nhuận của SoftBank tăng 80,5% lên 2,35 nghìn tỉ yên (22 tỉ USD), trong đó có 1,26 nghìn tỉ yên đến từ việc đầu tư qua Quỹ tầm nhìn. Điều này cũng đồng nghĩa với SoftBank rất dễ bị "tổn thương" trước những biến động kinh tế. Bằng chứng cho thấy, vào tháng 3/2020, tập đoàn này đã lỗ 1,93 nghìn tỷ yên từ Quỹ tầm nhìn.
"Với những khoản đầu tư mới, chúng tôi đã thiết lập một Quỹ tầm nhìn 2 chỉ bằng nguồn vốn của chúng tôi và từ chối các nhà đầu tư khác tham gia." - ông Son nói. Đồng thời, quy mô của quỹ đầu tư này sẽ thu hẹp lại so với dự kiến ban đầu là hơn 100 tỉ USD. Một số nhà phân tích cho rằng, bài học rút ra được từ Quỹ tầm nhìn đầu tiên sẽ cải thiện khả năng quản lý rủi ro khi triển khai quỹ tầm nhìn thứ 2 này. Ông cũng tin rằng khoảng 15 doanh nghiệp trong Quỹ tầm nhìn có hy vọng phát triển hơn và hỗ trợ nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra.
*Công ty kỳ lân: là những công ty start-up chưa niêm yết và có trị giá hơn 1 tỷ USD.
**Năm kinh doanh: là khoảng thời gian 12 tháng (hoặc từ 52 - 53 tuần liên tiếp) mà doanh nghiệp chuẩn bị sổ sách kế toán dựa trên mức độ hoạt động điển hình, bắt đầu và kết thúc khi hoạt động ở trạng thái thấp nhất.
kilala.vn
19/05/2020
Nguồn: Kyodo News
Đăng nhập tài khoản để bình luận