Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thúc đẩy chủ nghĩa thuần chay ở Nhật Bản

    Nhiều lựa chọn thực phẩm bao gồm các món đặc biệt như mì Ramen “xương heo”, thậm chí cả “bánh phô mai” đã khiến cuộc sống của những người ăn chay ở Nhật Bản trở nên dễ dàng hơn.

    Đằng sau xu hướng này là nhận thức ngày càng cao của nhiều người về vấn đề sức khỏe - những người muốn hạn chế thực phẩm giàu chất béo, đồng thời là kết quả từ các tiến bộ của công nghệ thuần chay trong việc sản xuất các sản phẩm thay thế thịt.

    thực phẩm từ thực vật

    Đồ ngọt thuần chay tại chi nhánh Aoyama của Natural House, một siêu thị hữu cơ ở Tokyo. Ảnh: Kyodo News

    Một quan chức của Hiệp hội Thuần chay Nhật Bản cho biết: “Không có một loại thực phẩm nào là không thể sản xuất được”.

    Người theo trường phái ăn thuần chay không ăn bất kỳ loại thực phẩm nào có nguồn gốc từ động vật, chẳng hạn như thịt, trứng, các sản phẩm từ sữa hoặc thậm chí là mật ong và cũng thường tránh sử dụng các sản phẩm từ động vật.

    [subscribe]

    Cửa hàng Ippudo (chuỗi cửa hàng mì Ramen Hakata trên toàn quốc) ở trung tâm mua sắm Lumine Est Shinjuku tại Tokyo hiện đang cung cấp món Tonkotsu Ramen làm từ thực vật. Thông thường, nước dùng của Tonkotsu Ramen, món ăn có nguồn gốc từ Fukuoka, Nhật Bản, có thành phần chính là xương heo.

    Tuy nhiên, mì Ramen được phục vụ độc quyền tại nhà hàng Ippudo tại Shinjuku dù có hình thức và hương vị tương tự phiên bản bình thường nhưng lại không sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật. Thay vào đó, nước dùng được làm từ sữa đậu nành trộn với một loại dầu đặc biệt, trong khi “thịt heo chashu" là sự kết hợp từ đậu nành, củ sen và các thành phần khác.

    ramen thuần chay ippudo
    Tonkotsu Ramen được chế biến hoàn toàn từ thực vật của Ippudo. Ảnh: Time Out

    Nhà hàng cũng cung cấp các món thuần chay khác như bánh xếp gyoza sử dụng đậu phụ sấy thăng hoa (freeze drying), đậu tương và nấm hải sản (shimeji) cùng các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật khác.

    Hidenobu Tomita, phụ trách của Chikaranomoto Holdings, công ty điều hành chuỗi nhà hàng Ramen Ippudo trên toàn quốc cho biết :“Mì Tonkotsu Ramen của cửa hàng không chỉ không sử dụng thịt động vật mà còn mang đến hương vị được mọi người, mọi lứa tuổi yêu thích”.

    Upbeet! Tokyo, chuỗi cửa hàng bánh rán nổi tiếng nhất Tokyo hiện đang sản xuất bánh rán không chứa gluten, bánh phô mai và các loại đồ ngọt khác không sử dụng trứng hoặc bơ. Người đứng đầu công ty, Nozomi Jinguji nói rằng thực phẩm thuần chay hấp dẫn bởi vì "những người có quan niệm giá trị khác nhau có thể thưởng thức cùng nhau".

    bánh ngọt thuần chay
    Bánh ngọt thuần chay của Upbeet! Tokyo. Ảnh: Upbeet! Tokyo

    Khi còn làm công việc trước đây là tiếp viên hàng không, Jinguji đã trải nghiệm nhiều chế độ ăn uống khác nhau trên khắp thế giới. Với mong muốn "truyền tải niềm vui của ẩm thực", cô đã từ bỏ công việc của mình để tìm kiếm những món ăn mà mọi người đều có thể thưởng thức, bất kể nguồn gốc tôn giáo và văn hóa của họ, và cô quyết định ăn thuần chay.

    Năm 2018, Jinguiji thành lập Upbeet! Tokyo, hiện cung cấp bánh kẹo thuần chay cho các cửa hàng bách hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các nhà bán lẻ khác. Công ty sử dụng đậu nành lên men làm nguyên liệu thay thế phô mai cho món bánh phô mai đang được ưa chuộng.

    Trong khi một số người ăn chay không ăn thịt vì lý do tôn giáo, thì chế độ ăn thuần chay đang trở nên phổ biến như một phần trong chế độ ăn của người dân ở một số quốc gia.

    Việc năm 2013 Tokyo được chọn để tổ chức Thế vận hội Olympics và Paralympic 2020, cùng sự mong đợi của du khách từ nước ngoài với các thực hành ăn kiêng khác nhau là một lý do khiến chủ nghĩa thuần chay lan rộng ở Nhật Bản.

    Nhiều người ăn thịt đã áp dụng ăn chay một phần trong chế độ ăn uống của mình theo một cách thoải mái, với hy vọng tránh được một số bệnh liên quan đến chế độ ăn uống. Mặt khác, những người này cũng bày tỏ lo ngại rằng việc tiêu thụ thịt ngày càng tăng sẽ góp phần làm trái đất nóng lên.

    ăn uống và sức khỏe
    Ảnh: Vegan on Paper

    Những tiến bộ trong công nghệ thực phẩm từ thực vật được cho là giúp việc thực hành lối sống thuần chay giờ đây trở nên dễ dàng hơn. Chẳng hạn, người ta đã có thể sản xuất các sản phẩm thay thế thịt từ đậu nành hoặc lúa mì, các sản phẩm thay thế bơ từ sữa đậu nành hoặc dầu dừa.

    Không rõ có bao nhiêu nhà hàng thuần chay tồn tại ở Nhật Bản, nhưng Mayumi Muroya, một người mẫu kiêm diễn viên, người đứng đầu Hiệp hội Thuần chay Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo cho biết cô đã đến khoảng 3.500 nhà hàng có thực đơn thuần chay, chủ yếu ở Nhật Bản.

    Muroya nói: "Bữa ăn thuần chay tốt cho sức khỏe và môi trường. Tôi khuyên mọi người hãy vui vẻ thử chúng".

    Xem thêm: Thương hiệu Nhật Bản ra mắt gelato thuần chay

    kilala.vn

    06/12/2022

    Bài: Happy
    Nguồn: Kyodo News

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!