Phá thai ở Nhật Bản: quy định và thực tế về một vấn đề đặc biệt của xã hội

    Tại đất nước mặt trời mọc, phá thai (Chuuzetsu - 中絶) đã được hợp pháp hóa từ năm 1948. Tuy nhiên, Nhật Bản là một trong số những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai thấp do chính phủ đề ra các quy định khắt khe để hạn chế tình trạng này.

    Lịch sử về một điều cấm kỵ

    Phá thai từng bị cấm và được xem là tội lỗi ở thời Edo với lệnh cấm trên toàn quốc được ban hành vào năm 1842. Tuy nhiên, người vi phạm hiếm khi bị trừng phạt trừ khi việc phá thai là do kết quả của ngoại tình.

    Theo học giả Tiana Norgern, chính sách phá thai dưới thời chính phủ Minh Trị tương tự như thời Edo với niềm tin rằng dân số đông sẽ mang lại lợi ích cho quân sự và chính trị trên đấu trường quốc tế.

    Từ năm 1868, Nhật hoàng đã cấm các nữ hộ sinh thực hiện việc phá thai và vào năm 1880, bộ luật hình sự đầu tiên của Nhật Bản tuyên bố phá thai là một tội ác. Đến năm 1907, chính phủ ban hành quy định giam giữ nữ giới với thời hạn trên 1 năm cho hành vi phá thai. Năm 1923, phá thai vẫn là điều cấm kỵ nhưng được cho phép trong trường hợp khẩn cấp buộc phải bỏ thai nhi để cứu sống người mẹ.

    phá thai ở nhật
    Ảnh: Unseen Japan

    Tám năm sau, Liên minh Cải cách Luật Chống Phá thai (Datai Ho Kaisei Kiseikai) được thành lập bởi Abe Isoo lập luận rằng "quyền của phụ nữ là không sinh đứa con mà cô ấy không muốn và phá thai là một sự thực thi quyền này".

    Đến năm 1934, Đại hội Quyền bầu cử của Phụ nữ toàn Nhật Bản lần thứ 5 đã soạn thảo nghị quyết kêu gọi hợp pháp hóa việc phá thai cũng như các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên lúc ấy, chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định gì.

    Phải đến sau Thế chiến 2, từ sau vụ án nữ hộ sinh “ác quỷ” Miyuki Ishikawa khoảng năm 1948, Nhật Bản mới hợp pháp hóa phá thai trong những trường hợp đặc biệt. Lúc đó,  Luật Bảo vệ ưu sinh đã khiến Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa việc nạo phá thai.

    Phá thai đúng luật

    Nhật Bản chỉ cho phép phá thai khi có sự đồng ý của người mẹ với lý do chính đáng. Bất cứ ai cố gắng thực hiện phá thai mà không có sự đồng ý của người mẹ, hoặc sử dụng các phương pháp bí mật và trái phép, nếu bị phát hiện sẽ phải chịu mức phạt theo luật.

    luật phá thai ở nhật
    Ảnh: savvytokyo

    Nhìn chung, theo quy định của pháp luật Nhật Bản hiện hành, công dân được phép phá thai trong các trường hợp:

    • Cái thai là kết quả từ việc nữ giới là nạn nhân của xâm hại tình dục hay cưỡng hiếp.
    • Người mẹ không có khả năng về tài chính để nuôi con.
    • Việc mang thai làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của người mẹ.
    • Phụ nữ đã kết hôn có sự đồng ý của người chồng (hoặc người chung sống như vợ chồng), với điều kiện khó khăn về mặt tài chính, sức khỏe trong việc mang thai.
    • Trường hợp phụ nữ chưa lập gia đình thì không cần sự đồng ý của người phối ngẫu (nhưng nhiều bác sĩ, cơ sở y tế vẫn yêu cầu người phối ngẫu ký các thủ tục vì lo ngại rắc rối về mặt pháp lý).
    • Ngoài ra, phá thai ngoại khoa (nạo, hút) chỉ được phép thực hiện khi thai nhi nhỏ hơn 22 tuần tuổi.

    Vào tháng 4 năm 2023, phá thai nội khoa đã được chấp thuận ở Nhật Bản cho những trường hợp mang thai đến 9 tuần tuổi. Bộ Y tế Nhật Bản đã phê chuẩn thuốc phá thai của công ty dược phẩm Linepharma (Anh). Phụ nữ uống thuốc phải ở lại bệnh viện chờ sự xác nhận của bác sĩ.

    Phá thai ở Nhật không được bảo hiểm chi trả, người phá thai phải tự trả các chi phí. Theo đài truyền hình NHK, tổng chi phí mua thuốc phá thai và tư vấn y tế là khoảng 100.000 yên (hơn 17 triệu VND), còn chi phí phẫu thuật phá thai rơi vào khoảng 100.000 đến 200.000 yên (17 đến 35 triệu VND).

    thuốc phá thai

    Thuốc phá thai của công ty dược phẩm Linepharma được cho phép tại Nhật từ tháng 04/2023. Ảnh: independent

    Thực trạng phá thai ở Nhật Bản

    Theo số liệu thống kế, vào năm 2019, tổng số ca phá thai được báo cáo chính thức là 156.430 ca, giảm 56% so với con số được báo cáo vào năm 2000. Tỷ lệ phá thai chung đã thay đổi từ 22,3 thành 15,3 ca trên 1.000 phụ nữ trong độ tuổi 15 - 39. Năm 2020, theo Bộ Y tế báo cáo, có 145.340 ca phá thai, giảm 7,3% so với năm trước.

    Tỷ lệ phá thai ở Nhật giảm dần qua từng năm, nhưng thực tế, số lượng nữ giới phá thai là lớn hơn nhiều so với thống kê. Theo những nhà nghiên cứu, các bác sĩ, cơ sở y tế đã báo cáo không đầy đủ để giảm hóa đơn thuế và bảo vệ danh tính bệnh nhân, cũng như tránh rắc rối về mặt pháp lý.

    Việc giấu chuyện phá thai đa số theo yêu cầu của bệnh nhân, phụ nữ Nhật phải lâm vào tình cảnh bỏ đi đứa con của mình một phần do bị phân biệt đối xử. Nữ giới xứ Phù Tang thường phải đối mặt với áp lực từ bỏ công việc sau khi kết hôn hoặc có thai. Theo thống kê, khoảng 60% số phụ nữ đi làm mất việc do mang thai khi chưa đến thời hạn cho phép, cứ 4 phụ nữ mang thai thì có 1 người bị chèn ép phải nghỉ việc.

    quy định phá thai

    Phụ nữ Nhật gặp nhiều rào cản khi mang thai. Ảnh: jluggage

    Sau khi thôi việc, họ phải đối mặt với nhiều lo lắng, áp lực nặng nề hơn. Vì vậy đa số tìm đến biện pháp phá thai và đề nghị bác sĩ giấu kín chuyện này. Đây cũng là một vấn đề gây nhức nhối, hứng chịu làn sóng tranh cãi trong xã hội Nhật, thể hiện sự bất công về quyền lợi đối với phụ nữ.

    Ngoài ra, việc cần có sự đồng thuận của người cha như một điều kiện để phá thai cũng là một quy định gây nhiều tranh cãi. Được biết, trong số 203 quốc gia trên thế giới, chỉ có 11 quốc gia bao gồm Nhật có quy định này. Những rào cản trong việc phá thai cũng dẫn đến nhiều thực trạng nhức nhối, như việc những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong các “baby box”.

    Mizuko kuyo – nghi lễ tưởng niệm đứa trẻ chưa ra đời

    Tại Nhật, có một nghi lễ được thực hiện cho thai nhi bị sảy hoặc bị phá, thai chết lưu, gọi là Mizuko kuyo (水子供養 - lễ tưởng niệm đứa con trong nước). Nghi lễ này có nhiều hình thức, nhưng thông thường bao gồm việc dâng lễ lên tượng Bồ tát Jizo và tụng kinh cầu nguyện cho đứa trẻ. Thực hành này đã trở nên đặc biệt phổ biến kể từ những năm 70 với việc thành lập các đền thờ dành riêng cho nó.

    Lý do đằng sau Mizuko kuyo là để an ủi linh hồn của đứa trẻ sơ sinh, đồng thời làm vơi bớt nỗi đau của cha mẹ. Một số người tin rằng Mizuko kuyo là một thực hành bắt buộc để linh hồn được yên nghỉ, ngăn đứa trẻ quay trở lại dương thế như một hồn ma.

    mizuko koyo
    Tượng Jizo tại chùa Zojoji. Ảnh: Wikipedia

    [subscribe]

    kilala.vn

    12/07/2023

    Bài: Ái Thương

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!