Những đứa con “hikikomori” tuổi trung niên bỏ rơi cha mẹ già
Nhật Bản đang chứng kiến nhiều trường hợp người trung niên bị bắt vì bị cáo buộc bỏ lại thi thể của cha mẹ già đã chết trong ngôi nhà chung. Đằng sau thực trạng đáng buồn đó là "vấn đề 80-50" - cha mẹ ở độ tuổi 80 chăm sóc những đứa con “hikikomori” ở độ tuổi 50, thậm chí với một số trường hợp là “90-60”.
Các vụ bỏ rơi thi thể gia tăng ở nhóm người từ 40 tuổi trở lên
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA), số người bị cảnh sát bắt giữ hoặc điều tra vì nghi ngờ vứt xác đang gia tăng trong độ tuổi 40 trở lên.
Năm 2023, số người bị cảnh sát bắt giữ hoặc điều tra vì nghi ngờ bỏ rơi xác chết gồm: 19 người ở độ tuổi 40 (mức trung bình hằng năm giai đoạn 2014-2023 là 14,6), 52 người ở độ tuổi 50 (trung bình 26,3), 31 người ở độ tuổi 60 (trung bình 18,2) và 24 người từ 70 tuổi trở lên (trung bình 12,2).
Trong số này, số người ở độ tuổi 50 và 60 đạt mức cao nhất kể từ năm 2014. Theo nghề nghiệp, 57,9% những người ở độ tuổi 40, 75% những người ở độ tuổi 50 và 77,4% những người ở độ tuổi 60 đang thất nghiệp.
Sau khi bị bắt giữ, nhiều nghi phạm đã nói với điều tra viên rằng họ “không biết phải làm gì với thi thể" hoặc "không muốn kể cho người khác".
Không đủ khả năng chi trả cho mai táng
Vào tháng 6 năm 2023, một người đàn ông 63 tuổi thất nghiệp ở tỉnh Kanagawa đã bị bắt vì bị nghi ngờ bỏ mặc thi thể người cha 95 tuổi của mình trong 6 tháng.
Thừa nhận các cáo buộc, người đàn ông nói rằng, "Tôi không đủ khả năng chi trả cho việc tổ chức tang lễ". Các cáo buộc sau đó đã bị hủy bỏ.
Trong một vụ án năm nay, một người đàn ông 60 tuổi thất nghiệp sống ở vùng Kanto đã bị bắt vì bị cáo buộc bỏ lại thi thể của cha mình, người đã ngoài 90 tuổi. Sau đó, nhà chức trách đã phát lệnh bắt giữ người này vì nghi ngờ gian lận khi nhận tiền trợ cấp của người cha quá cố. Ông đã bị kết tội và bị tuyên án treo tại tòa.
“Tôi không thể gọi cho bất kỳ ai khi nghĩ về việc mình sẽ sống như thế nào kể từ thời điểm đó”, người này chia sẻ với tờ Mainichi.
Đã đến lúc phát tín hiệu SOS
Theo PGS Xã hội học Kawakita Minoru của Đại học Sư phạm Aichi, người am hiểu về vấn đề 80-50, không chỉ việc bỏ lại xác chết mà ngày càng có nhiều trường hợp những “đứa trẻ lớn tướng” bị bỏ lại ở nhà khi cha mẹ họ phải nhập viện.
Ông cho rằng, cần đưa ra biện pháp để mọi người có thể phát tín hiệu SOS trong trường hợp khẩn cấp.
kilala.vn
Nguồn: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận