Ngân hàng hạt giống Nhật Bản lưu giữ hơn 230.000 nguồn gene cây trồng
Ngân hàng gen lưu trữ hạt giống đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các giống cây trồng khỏi nguy cơ tuyệt chủng trước biến đổi khí hậu.
Bảo tồn hạt giống như một nguồn gen đang ngày càng trở nên quan trọng khi nhiều cây trồng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đạt sản lượng thấp do chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và hệ sinh thái bị tàn phá vì đô thị hóa quá mức.
Hiện nay, ảnh hưởng từ nóng lên toàn cầu đã dẫn đến sự chuyển dịch các vùng trồng trọt lý tưởng, khiến cho việc thành lập các ngân hàng hạt giống trở thành mối quan tâm của cả cộng đồng quốc tế. Cùng với đó, điều kiện trồng trọt cũng thay đổi tạo ra nhu cầu về cơ sở dữ liệu sinh thái.
Tổ chức nghiên cứu quốc gia về nông nghiệp và thực phẩm (National Agriculture and Food Research Organization – NARO) có trụ sở tại Tsukuba, tỉnh Ibaraki đang vận hành một ngân hàng gen chuyên thu thập, bảo tồn và phân phối các nguồn gen nông nghiệp ở cả Nhật Bản và nước ngoài cho mục đích nghiên cứu, giáo dục.
Đến cuối tháng 11/2022, hơn 230.000 nguồn gen cây trồng, bao gồm 200.000 hạt giống đã được thu thập và dự trữ tại ngân hàng gen. Những hạt giống này được đặt trong hộp đựng tại nhà kho của NARO ở nhiệt độ -1 độ C và độ ẩm 30%.
Kaoru Ebana, Trưởng dự án ngân hàng gen tại Trung tâm nghiên cứu nguồn gen của NARO cho biết: “Một khi cái cây đã chết đi, nó không thể sinh sản được. Chúng ta cần bảo tồn càng nhiều hạt giống càng tốt”.
Các hạt giống tại ngân hàng gen sẽ trải qua bài kiểm tra nảy mầm 5 năm/lần và nếu tỷ lệ nảy mầm giảm, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành trồng trọt để thu về thêm lượng hạt giống mới.
Theo Trưởng Trung tâm, ông Toru Kumagai, tất cả các sản phẩm nông nghiệp đều bị tác động bởi nóng lên toàn cầu. Khi chất lượng hạt giống trở nên xấu đi, một số giống không còn được canh tác nữa, vì vậy cần gấp rút truyền lại cho thế hệ sau những hạt giống đứng trước nguy cơ biến mất.
Nhiều nông sản không còn được trồng trọt đã hồi sinh trở lại nhờ các hạt giống lưu trữ tại ngân hàng gen NARO. Trong số đó có giống lúa Watari Bune được xem là giống lúa mẹ của Yamada Nishiki – loại gạo ủ nên loại rượu Sake hàng đầu Nhật Bản.
Việc trồng trọt lúa Watari Bune từ lâu đã ngừng lại do giống lúa này dễ bị nhiễm bệnh. Nhưng vào năm 1990, Fuchu Homare, một xưởng rượu ở Ishioka, tỉnh Ibaraki đã bắt đầu trồng lại nó và gửi 14 gram hạt lúa này ở ngân hàng gen. Đến năm 1992, ông Homare thành công ra mắt sản phẩm rượu Sake mang thương hiệu Watari Bune và nhận về đánh giá tích cực từ khách hàng.
Hơn 50 loại rau củ truyền thống tại Tokyo được cất trữ trong ngân hàng gen với tên gọi “Edo Tokyo Yasai” cũng được hồi sinh nhờ vào hạt giống của ngân hàng, trong đó, có loại cà tím Terajima Nasu.
Tại ngân hàng gen, hạt giống còn được thu thập từ các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Lào. Bởi những giống cây trồng sinh trưởng ở các nước này có đặc điểm di truyền chống lại được điều kiện khí hậu ấm dần lên. Ngân hàng gen của NARO cung cấp chúng cho các vườn ươm và viện nghiên cứu với hy vọng nhiều giống cây mới sẽ được tạo ra.
Việc phát triển các giống cây chống bệnh có thể đồng nghĩa với giảm nhu cầu sử dụng phân bón hóa học trong nông nghiệp.
Có thể thấy, tầm quan trọng của bảo tồn hạt giống đang dần được quốc tế công nhận. Ông Kumagai tại tổ chức NARO cho biết: “Mặc dù, việc bảo tồn nguồn gen cho tương lai là vô cùng quan trọng, nhưng hiện nay, thực tế là chúng ta cần góp phần củng cố khả năng cạnh tranh của các công ty vườn ươm”.
kilala.vn
22/02/2023
Bài: Rin
Nguồn: Kyodo
Đăng nhập tài khoản để bình luận