“Ghosting” trong hẹn hò: Vì sao người Nhật thích biến mất?
Trong thời đại công nghệ 4.0, “ghosting” (biến mất, lặng lẽ cắt đứt liên lạc) dường như được nhiều người lựa chọn để chấm dứt một mối quan hệ. Tuy là cách chia tay bị phê phán ở nhiều nơi, tại Nhật Bản, có vẻ như nó lại dễ dàng được chấp nhận hơn.
Trang Japan Today đã tổng hợp các cách chia tay phổ biến nhất của người Nhật. Đối với những người ngoại quốc từng trong mối quan hệ tình cảm với một đối tác Nhật Bản, nhiều người đã chia sẻ trải nghiệm “sốc” khi rơi vào tình huống bị chia tay.
Cụ thể, bốn phương thức thường được người Nhật lựa chọn để chấm dứt một mối quan hệ tình cảm là:
- Tự nhận hết mọi lỗi lầm để cắt đứt với đối phương. Ví dụ: “Anh/em không làm gì sai cả, chỉ là em/anh không tốt, thế nên chúng ta hãy kết thúc tất cả đi”.
- “Ghosting”: hành động lặng lẽ ra đi, cắt đứt liên lạc, chấm dứt hoàn toàn quan hệ với đối phương.
- Sự can thiệp của gia đình. Tại Nhật, việc cha mẹ can thiệp, tạo áp lực lên tình yêu của con cái cũng rất thường xảy ra, và lý do “vì mẹ anh bắt chia tay” được rất nhiều người áp dụng.
- Ưu tiên điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Người Nhật có thói quen tập trung làm tốt duy nhất một việc trong mỗi giai đoạn cuộc đời. Vì vậy có rất nhiều trường hợp chia tay người yêu với lý do là bận ôn thi đại học, tìm việc làm.
Những năm gần đây khi đại dịch COVID-19 hoành hành, mọi người phải ở nhà để tránh lây lan bệnh dịch, cùng với sự phát triển của loạt ứng dụng hẹn hò online thì hiện tượng “ghosting” đã xảy ra phổ biến hơn trên toàn thế giới. Và với người Nhật, “ghosting” được xem như một nét văn hóa trong hẹn hò, là cách chia tay “thịnh hành” nhất hiện nay khi mà tình yêu chưa kịp chớm nở đã vội lụi tàn.
Ghosting là gì?
Ghosting là hành động đột ngột cắt đứt liên lạc mà không có lời giải thích trong một mối quan hệ. Ai đó bỗng dưng biến mất, như chưa từng xuất từng xuất hiện trong cuộc đời của người còn lại, giống như bóng ma vậy.
Nó được hiểu như là hành động "bơ toàn tập", một kiểu chia tay trong hẹn hò trực tuyến được giới trẻ áp dụng phổ biến trong thời đại ngày nay.
Ghosting xuất hiện từ khi nào?
Theo Wikipedia, thuật ngữ ghosting được sử dụng trên mạng và trở nên phổ biến vào năm 2015 thông qua nhiều bài báo về các vụ chia tay của người nổi tiếng. Cũng trong năm này, ghosting đã được đưa vào Từ điển tiếng Anh Collins.
Ngày nay, không chỉ giới hạn trong mối quan hệ tình cảm, ghosting cũng được mở rộng để chỉ hành động “biến mất” tương tự giữa bạn bè, thành viên gia đình, người sử dụng lao động và doanh nghiệp khi một bên đột nhiên cắt đứt liên lạc.
Vì sao ghosting lại là cách chia tay được người Nhật ưa chuộng?
“Ghosting” dần trở thành một hiện tượng văn hoá bởi sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò. Người trẻ lựa chọn nó để xóa bỏ đi nỗi bất an, sự nhập nhằng dây dưa khi kết thúc mối quan hệ mà họ cảm thấy đã chán và muốn buông bỏ.
Ở phương Tây, kiểu chia tay này cũng thường thấy nhưng được cho là cách hèn nhát để trốn tránh việc phải đối mặt với đối phương. Còn tại xứ Phù Tang, ghosting được chấp nhận là điều hiển nhiên vì sau khi chia tay, rất ít người Nhật có ý định quay lại làm bạn với người cũ, nếu có tình cờ gặp lại thì cũng xem như “người dưng ngược lối”.
Trong một bài viết trên Savvy Tokyo, tác giả Hilary Keyes cho biết một số bạn nam người Nhật của cô cho rằng việc ghosting "tử tế" hơn là kết thúc một mối quan hệ trực tiếp hoặc qua điện thoại. Một trong số đó nói rằng: “Nó ít mang tính đối đầu hơn và bạn cũng không bị thuyết phục ở lại.” Một người khác nói: "Nếu bạn ghost một ai đó, bạn sẽ không cảm thấy như mình đang làm tổn thương họ."
Nhìn chung, người Nhật muốn tránh đối đầu bằng mọi giá, mà kết thúc một mối quan hệ đồng nghĩa với việc rơi nước mắt, la hét, bộc phát cảm xúc. Vì thế, lựa chọn ghosting đang trở nên phổ biến hơn trước đây.
Còn trang Healthline cũng từng đưa ra những lý do chính cho việc vì sao giới trẻ lại lựa chọn ghosting. Đó là:
- Sợ đối mặt với đối phương khi chia tay nên chọn cách im lặng rời đi là tốt nhất.
- Tránh xung đột xảy ra khi đối diện trực tiếp lúc chia tay.
- Xem nhẹ mối quan hệ khi không nhận thấy có sự ràng buộc hay liên hệ sâu sắc gì trong cuộc sống với đối phương nên dễ dàng từ bỏ, chấm dứt liên lạc mà không thông báo gì.
- Mối quan hệ mang tính né tránh, nghĩa là bạn cảm thấy không vui vẻ, thoải mái gì khi đối phương đòi hỏi, quan tâm hay thân mật quá mức nên nhanh chóng rời đi.
Hiệu ứng domino, nghĩa là bạn từng bị đối xử theo xu hướng “ghosting”, thấu hiểu nỗi đau đớn, sự tổn thương ấy và cũng muốn người khác chịu cảm giác đó. Vì vậy bạn dễ dàng lựa chọn ghosting.
Khi bị ghosting và cách thoát khỏi nó
Ghosting xảy ra trong mọi mối quan hệ của con người, giữa người yêu, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của mối quan hệ và nhiều nhất là trong hẹn hò trực tuyến. Vì chúng ta rất dễ dàng để hủy kết bạn, hủy theo dõi, thậm chí là block (chặn) đối phương, xóa bỏ mọi liên hệ trên các ứng dụng mạng xã hội, ngừng phản hồi mọi tin nhắn và cuộc gọi, rồi im lặng biến mất mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.
Ghosting thường xảy ra hơn ở giai đoạn đầu của mối quan hệ, khi đôi bên đang trong quá trình tìm hiểu. Tuy nhiên nếu mối quan hệ đã kéo dài được nhiều tháng và có những tiến triển, việc bị ghosting sẽ để lại hậu quả đôi khi khá nghiêm trọng.
Người bị ghosting sẽ chịu tổn thương về mặt tinh thần. Vết thương lòng ấy có thể không bùng nổ ngay mà âm ỉ, dai dẳng về sau. Ban đầu họ vẫn còn mang chút hy vọng rằng kẻ ghosting đang gặp vấn đề gì đó và ngừng liên lạc, cứ thế đợi chờ hồi âm trong vô vọng, rồi khi biết đã “bị bơ” thì họ rơi vào trạng thái tự ti, chán ghét bản thân, dần hình thành nỗi sợ và dè chừng trong việc gặp gỡ, tìm hiểu người mới.
Đối diện với bất kỳ mất mát nào cũng là điều khó khăn, ngay cả khi đó là một người bạn quen qua mạng. Việc bị ghosting có thể gây ra những phản ứng cảm xúc tiêu cực, mang đến cảm giác tổn thương, đau đớn và dằn vặt.
Vậy làm gì để thoát khỏi nỗi đau khi bị ghosting?
Đó là hãy dừng việc đổ lỗi cho bản thân và hạ thấp chính mình. Học cách chấp nhận việc bị ghosting. Thay vì chờ đợi trong vô vọng một kẻ không cần mình thì chấp nhận hiện thực phũ phàng và tìm cách tống khứ kẻ “ghosting” ra khỏi tâm trí của bạn là điều cần thiết nhất.
Dù điều đó không hề dễ dàng, nhưng theo thời gian, nỗi đau của bạn sẽ nguôi ngoai dần. Thay vì đau khổ, muộn phiền thì hãy dành thời gian cho bạn bè, người thân, quan tâm đến cuộc sống của bản thân hay tập trung vào công việc, học thêm một môn gì đó mới mẻ để giúp ích cho cuộc sống của mình.
Nếu vẫn chưa thể vượt qua cũng đừng lạm dụng các chất kích thích để giải thoát mà hãy trò chuyện, chia sẻ nỗi buồn với người mà bạn tin tưởng, hay đến gặp các chuyên gia tư vấn tâm lý để tìm cách giải quyết.
Ghosting hay bị ghosting giờ đây như một lẽ thường tình trong xã hội ngày nay, khi thế giới hẹn hò trực tuyến ngày càng phát triển, phổ biến mạnh mẽ. Nhưng nó có phải cách ứng xử hợp lý của thời đại? Điều đó phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người, tuy nhiên lời khuyên là: bạn muốn được đối xử thế nào thì hãy đối xử với người khác như vậy, đừng làm kẻ tổn thương rồi lại muốn tổn thương người khác.
kilala.vn
27/07/2022
Bài: Ái Thương
Đăng nhập tài khoản để bình luận