“Dịch vụ chậm” dành cho người cao tuổi tại Nhật
Mặc dù chiến lược bán lẻ tối ưu hiện nay tập trung vào việc thanh toán cho khách hàng càng nhanh càng tốt, nhưng với dân số già hóa nhanh chóng tại Nhật, rất nhiều người lớn tuổi không thể thích ứng được với sự hối hả này. Và “làn đường chậm” đã ra đời.
Người lớn tuổi tại Nhật đang phải chật vật để thích ứng với nhịp sống hiện đại và dường như họ đang bị “bỏ rơi” khi mọi nơi
công cộng đều chú trọng đến tính nhanh và chính xác.
Tính đến năm 2021,
có khoảng 29,1% dân số Nhật Bản ở độ tuổi từ 65 trở lên. Theo nhóm tuổi, tổng số người từ
80 trở lên là 12,06 triệu người, tăng 460.000 người so với một năm
trước đó, và số người từ 90 trở lên đạt 25,9 triệu người, trong đó
có 80.000 người vượt qua mốc 100 tuổi.
Nhóm dân cư lớn tuổi ngày càng mở rộng dẫn đến nhu cầu về các dịch vụ dành riêng cho họ. Một số nhà bán lẻ đã thể hiện sự quan tâm đến các khách hàng này bằng cách tạo ra một dịch vụ chậm hay cụ thể hơn là “làn đường chậm – Slow lane”. Có thể hiểu rằng, đây là khu vực tính tiền dành riêng cho người cao tuổi hoặc những người đang gặp vấn đề đặc biệt về cơ thể, khó di chuyển cũng như thao tác nhanh như người khác.
Việc tạo ra làn đường chậm giúp giải quyết được 2 vấn đề: người lớn tuổi không phải chịu áp lực về thời gian và những người khác không phải chờ đợi quá lâu để đến lượt thanh toán của mình. Maiya Takizawa, một chuỗi siêu thị địa phương ở thành phố Takizawa, cũng thể hiện sự quan tâm của mình theo cách này.
Gần đây, bà Yoriko Sakurano (84 tuổi) đã thực hiện một chuyến đi đến cửa hàng Maiya Takizawa ở tỉnh Iwate bằng xe lăn, với sự giúp đỡ của một người chăm sóc tình nguyện. Ở đây, bà đã có trải nghiệm mua sắm thoải mái mà không gặp trường hợp khó xử.
Là một người mắc chứng mất trí nhớ nên những động tác của bà không thể nhanh nhẹn. Mỗi khi đến khu tính tiền của các cửa hàng, thứ chờ đợi bà là áp lực đến từ hàng dài những người đang chờ ở phía sau. May mắn thay, tại Maiya Takizawa, bà có thể thoải mái trong quá trình giao dịch tại làn thanh toán chậm.
Chồng của bà Sakurano, ông Masayuki cho biết mua sắm là một trong những hoạt động yêu thích của vợ ông, và ông rất biết ơn nhà bán lẻ Maiya Takizawa vì là một doanh nghiệp thân thiện, quan tâm đến những trường hợp đặc biệt. Điều đó đã giúp bà Sakurano không cảm thấy bị bỏ rơi và có điều kiện hòa nhập vào xã hội một cách độc lập.
Maiya Takizawa đã giới thiệu làn thanh toán chậm vào năm 2019. Toshiaki Konno, một bác sĩ tư nhân ở địa phương, là người đưa ra ý tưởng và đề xuất nó với người đứng đầu của chuỗi siêu thị.
Konno cho biết: "Tôi đã nghe kể từ những bệnh nhân sa sút trí tuệ về việc họ đã có những trải nghiệm mua sắm tiêu cực như thế nào. Điều đó khiến các thành viên trong gia đình không khuyến khích họ đến các cửa hàng thực phẩm. Nhưng trong thâm tâm, họ vẫn muốn tự đi mua sắm. Những phụ nữ từng làm nội trợ đều trải qua cảm giác mất mát khi họ bị "cướp" mất vai trò đó. Mua sắm giúp cải thiện sự tự tin của bệnh nhân và giúp ổn định các triệu chứng."
Khu vực tính tiền chậm ở Maiya Takizawa mở cửa từ 1 – 2 tiếng vào mỗi chiều thứ Năm. Tại khu vực này, màn hình và biển hiệu cũng sử dụng phông chữ lớn hơn, dễ đọc và hình ảnh rõ ràng. Hơn 10 tình nguyện viên đã đăng ký làm trợ lý mua sắm để hỗ trợ khách hàng mua sắm thực phẩm và các công việc khác.
Mô hình này cũng được một số cửa hàng áp dụng, như trung tâm mua sắm Izumi có trụ sở ở Hiroshima đã mở làn thanh toán chậm tại 64 cửa hàng trong hệ thống. Tổ chức hợp tác tiêu dùng tỉnh Fukui cũng áp dụng tại 10 chi nhánh.
Minako Shimizu, quản lý của cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Kyoto, đã áp dụng hình thức mua sắm chậm tại cửa hàng vì cô ấy "không thể giả vờ không nhận thấy" những khó xử của khách hàng lớn tuổi, một số là những gương mặt quen trong khu phố. Cô và tất cả nhân viên trong cửa hàng đã được đào tạo về chứng mất trí nhớ.
Tại cửa hàng này, các nhân viên hộ tống những người lớn tuổi cần trợ giúp mua sắm, sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng, tôn trọng khi khách hàng mắc chứng sa sút trí tuệ bị bối rối và giúp họ sử dụng máy quét giá cầm tay để quá trình thanh toán diễn ra suôn sẻ.
"Máy tự quét có thể đáng sợ đối với người lớn tuổi, vì vậy nếu họ trông không ổn với nó, chúng tôi đảm bảo sẽ tiếp cận và trấn an họ. Chúng tôi hoạt động gần các cộng đồng địa phương nên tôi hy vọng có thể tiếp tục cung cấp cho khách hàng dịch vụ mà họ cần", Shimizu nói.
kilala.vn
01/06/2022
Bài: Natsume
Nguồn: KyodoNews
Đăng nhập tài khoản để bình luận