Chuyện buồn về chú cá heo cô độc nhất thế giới

    Cô đơn từ 2017, đến 2020 thì cá heo Honey đã qua đời trước khi những nỗ lực cứu hộ của các nhà hoạt động môi trường có thể thực hiện. 

    Honey là tên của cô cá heo đáng thương bị bắt ở Taiji, Nhật Bản vào năm 2005 và bị đưa đến Thủy cung Công viên Hải dương Inubosaki, thành phố Choshi, tỉnh Chiba, Nhật Bản cùng với những con cá heo khác. Nhưng con cá heo cuối cùng đồng hành với Honey trong bể đã chết vào năm 2017, khiến cô trở nên cô độc giữa hồ nước rộng lớn.
    honey
    Cá heo Honey. Ảnh: Dolphin Project

    Vào tháng 01/2018, công viên đóng cửa vĩnh viễn. Cùng với Honey, 46 chú chim cánh cụt, hàng trăm loài cá và bò sát bị mắc kẹt tại đó. Những nhân viên được trả lương tiếp tục cho động vật ăn ở mức đủ duy trì sự sống, nhưng việc làm sạch môi trường sống cho động vật là điều khó có thể thực hiện, khiến Honey và những con vật khác hoàn toàn bị cô lập. Các nỗ lực để di chuyển động vật đến một cơ sở tốt hơn chưa bao giờ được thực hiện.

    Những người là chủ sở hữu của công viên đã biến mất, được cho là đang trốn tránh các chủ nợ. Không có sự cho phép của chủ sở hữu, chính quyền Chiba từ chối thực hiện bất kỳ hành động nào đối với động vật. Các nhà hoạt động địa phương của Nhật Bản, cụ thể là IMMP (Dự án động vật biển có vú Quốc tế) đã có được một số bức ảnh về Honey trong bể chứa không được làm sạch và liên hệ với Hiệp hội Vườn thú và Thủy cung Thế giới (WAZA), có trụ sở tại Thụy Sĩ. Hiệp hội hồi đáp rằng đã nắm tình hình và một số thủy cung đã đề nghị đưa Honey về cơ sở của họ.

    Inubosaki-Marine-Park-Aquarium
    Hình ảnh từ máy bay không người lái cho thấy khung cảnh đìu hiu của Thủy cung Công viên Hải dương Inubosaki, hồ nước chỉ có mình Honey cô độc. Ảnh: Dolphin Project

    Tuy nhiên, theo phát ngôn từ WAZA: “Thủy cung Công viên Hải dương Inubosaki không phải là một trong những thành viên hiện tại của chúng tôi. Và với tư cách là một tổ chức phi chính phủ, chúng tôi bị hạn chế về khả năng giải quyết các vấn đề phúc lợi tại những tổ chức không phải thành viên. Chúng tôi đã liên hệ với Hiệp hội Vườn thú và Thủy cung Nhật Bản (JAZA) để nhờ giúp đỡ và di chuyển các loài động vật trong nhiều tháng nay. Thật không may, Thủy cung Công viên Hải dương Inubosaki cũng không phải là thành viên của JAZA, điều đó có nghĩa là chúng tôi không thể làm gì khác nếu như người chủ sở hữu thủy cung không xuất hiện.”

    ca-heo
    Từng đóng vai trò "mua vui" cho con người, nhưng Honey lại bị bỏ rơi . Ảnh: Channel 3000

    Đến ngày 29/03/2020, Honey đã qua đời khi sống một mình trong bể nuôi tại thủy cung bị bỏ hoang. Tổ chức từ thiện bảo vệ quyền động vật Dolphin Project thông báo về cái chết của Honey trên trang web: “Vào cuối tháng 2/2020, chúng tôi đã một lần nữa cố gắng liên hệ với phía Nhật Bản để Honey có thể đến một nơi mà Honey được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Nhưng cuộc đàm phán thất bại khi đầu tháng 3 tình hình sức khỏe của Honey ngày càng tệ hơn. Cuối cùng cô cá heo đã qua đời trong bể của mình.”

    Cái chết của Honey đã làm dấy lên một phong trào phản đối lớn tại Nhật Bản. Được biết, chỉ riêng ở Nhật đã có hơn một trăm cơ sở nuôi nhốt cá heo, từ các công viên giải trí lớn theo phong cách SeaWorld đến các khu vực có lưới nhỏ ở bến cảng, nơi khách du lịch trả tiền để được gặp cá heo.

    san-bat-ca-heo
    Văn hóa săn bắt cá heo/cá voi tại Nhật Bản thường xuyên gây ra sự phẫn nộ. Ảnh: abcnews

    Đáng buồn thay, trường hợp của Honey không phải là duy nhất. Tổ chức Dolphin Project đã bắt gặp những chú cá heo ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Haiti, Indonesia, Guatemala, Nicaragua, Colombia và Brazil cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Trong nhiều trường hợp, họ có thể giải cứu chúng, nhưng một số khác thì không.

    Xem thêm: Nhật Bản và văn hóa săn bắt cá voi

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!