Chàng trai Nhật sáng tạo vật liệu mới từ rác thải

    Một cựu sinh viên Đại học Nghệ thuật Nagoya đã tái chế thành công rác thải thành các loại vật liệu mới và tạo ra nhiều sản phẩm cực chất, thu hút sự chú ý.

    Khoảng thời gian phải ở nhà trong đại dịch COVID-19, quan sát các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của chính mình, Yuki Murakami tự nhận ra bản thân đã thải ra môi trường lượng rác thải nhiều đến thế nào. Kể từ đó, anh quyết định ngừng sử dụng sản phẩm nhựa, chuyển sang các sản phẩm bền vững làm từ vật liệu tự nhiên và bước vào con đường sáng tạo ra loại vật liệu mới thân thiện với môi trường.

    yuki murakami
    Yuki Murakami, nhà sáng tạo vật liệu. Ảnh: Asahi 

    Từ ý tưởng tái chế sáng tạo đến dự án khởi nghiệp

    Sau khi thành công tạo ra các sản phẩm “upcycling” trong một lớp học ở Đại học Nghệ thuật Nagoya, cậu sinh viên năm 3 khi ấy bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực này. Khác với khái niệm "recycling - tái chế" đã khá quen thuộc, “upcycling” được hiểu là giải pháp tái chế sáng tạo, biến rác thải thành vật liệu mới rồi từ đó chế tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn và thân thiện với môi trường.  

    bộ đồ vest làm từ da chuối
    Bộ đồ vest may bằng da từ vỏ chuối. Ảnh: Asahi 

    Trong quá trình tìm kiếm loại rác thải sinh hoạt phù hợp cho dự án upcycling, Murakami đã chú ý đến vỏ chuối. Anh trộn nó với các nguyên liệu khác, bao gồm cao su tự nhiên, để tạo ra một loại vật liệu tương tự như da cho đồ án tốt nghiệp của mình. Chàng trai trẻ đặt tên vật liệu này là “da chuối”. 

    Từ đồ án tốt nghiệp trên, Murakami, hiện nay 24 tuổi, đã trở thành nhà thiết kế vật liệu. Anh cho biết một trong những mối quan tâm thường ngày của mình là làm sao tận dụng tối đa các loại rác thải phổ biến: “Tôi muốn tìm ra giải pháp để tận dụng tốt nhất các loại nguyên liệu sẵn có”.

    Hiện tại, Murakami cùng một nhóm khởi nghiệp đang làm việc cho dự án upcycling của nhóm. Họ thổi cuộc sống mới vào rác, chất thải như sữa hết hạn hay bã cà phê, biến chúng thành những sản phẩm “sang chảnh” phù hợp với nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. 

    Điển hình như vào cuối năm ngoái, Murakami đã phát triển thêm một loại vật liệu mới có tên là “cafe-au-lait base”, được tạo ra bằng cách trộn bã cà phê với chất kết dính chiết xuất từ sữa bỏ đi. 

    chao đèn làm từ vật liệu cafe au lait base
    Khoảng 300 gram bã cà phê được sử dụng để sản xuất chao đèn làm từ vật liệu cafe-au-lait base. Sản phẩm có giá bán 19.800 yên (khoảng 3,4 triệu VND) đã bao gồm thuế. Ảnh: Asahi 

    Để tạo ra cafe-au-lait base, Murakami đã phải đau đầu tìm kiếm một loại vật liệu có thể hòa quyện với bã của cà phê – loại đồ uống mà anh rất yêu thích và dùng mỗi ngày. Một lần, vô tình Murakami biết được ngày càng có nhiều sữa bị bỏ đi khi các bữa trưa ở trường học phải tạm dừng trong đại dịch COVID-19. Điều này đã khiến anh nảy ra ý tưởng kết hợp bã cà phê với sữa hết hạn.

    lọ hoa làm từ vật liệu cafe au lait base
    Lọ hoa làm từ cafe-au-lait base với 50 gram bã cà phê, được bán với giá khuyến mãi 5.500 yên (khoảng 900.000 VND). Ảnh: Asahi 

    Vật liệu cafe-au-lait base được tạo ra bằng cách đổ một chất bán lỏng tương tự như bê tông chứa bã cà phê vào khuôn, hoặc trộn với vật liệu khác như sữa, rồi để hỗn hợp đông và khô lại. Màu sắc sản phẩm ở đầu ra thay đổi tùy theo loại hạt cà phê và mức độ rang hạt. Điểm sáng của vật liệu này là nó phù hợp với mọi không gian nội thất, dù là kiểu Nhật hay châu Âu. 

    Mặc dù trông có vẻ nặng, nhưng thực tế vật liệu rất nhẹ và dễ dàng phân hủy bởi chứa thành phần có nguồn gốc tự nhiên. Tin vui là từ tháng 01/2022, chậu cây, lọ hoa và chao đèn làm từ “cafe-au-lait base” đã được bán ra thị trường. 

    chậu cây làm từ cafe au lait base
    Chậu cây làm từ vật liệu "cafe-au-lait base". Ảnh: Asahi 

    Dẫu vậy, Murakami vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm để cải thiện độ bền cho sản phẩm. Anh mong muốn có thể sử dụng vật liệu trên để sản xuất ra bàn ghế và nhiều sản phẩm khác trong tương lai. 

    “Tôi hy vọng khách hàng có thể cảm nhận được vẻ đẹp của sản phẩm thay vì mua chúng chỉ bởi tính chất thân thiện với môi trường. Khi biết sản phẩm đó được làm từ vật liệu tái chế, có khả năng khách hàng sẽ muốn thay đổi lối sống của mình”, Murakami bày tỏ thêm. 

    Viện nghiên cứu về upcycling tại Nagoya 

    Tại thủ phủ Nagoya của tỉnh Aichi, có một địa điểm được mở ra để ủng hộ cho các nhà sáng tạo như Murakami, với tên gọi là “Viện nghiên cứu Upcycling”. Địa điểm này được thành lập bởi công ty On-Co chuyên giải quyết các vấn đề về cộng đồng, đặt trụ sở tại Kuwane, tỉnh Mie. 

    Vào tháng 04/2022 vừa qua, On-Co và Murakami đã cùng phát triển một loại vật liệu mới mang tên “Resecco” từ tấm thạch cao bỏ đi. Resecco được đặt theo từ “Sekko” có nghĩa là "thạch cao" trong tiếng Nhật. Chúng được thiết kế với kết cấu tương tự như đá cẩm thạch nhân tạo. 

    vật liệu mới Resecco
    Vật liệu mới Resecco. Ảnh: Asahi 

    Tấm thạch cao là một loại phế thải công nghiệp với chi phí cao để phân hủy, từng trở thành một vấn đề nan giải với Nhật Bản. 

    On-Co cũng đang lên kế hoạch xây dựng thêm một địa điểm mới làm nơi gặp gỡ của những nhà sáng tạo. Đại diện công ty cho biết họ hy vọng có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa tương tự đến nhiều nơi khác bên ngoài Nagoya.

    Kyohei Fujita, 30 tuổi, Giám đốc của On-Co chia sẻ: “Chúng tôi muốn tận dụng hiệu quả rác thải từ các cộng đồng và ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt khi chúng tôi đang sống ở vùng Tokai, nơi phát triển mạnh các ngành công nghiệp. Hy vọng On-Co sẽ trở thành "chất keo" giúp kết nối rác thải với cộng đồng và các nhà sáng tạo."

    kilala.vn

    Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

    Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.
    SDGs

    11/05/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!