Bí quyết loại bỏ cơn giận: Viết nó ra và vứt vào thùng rác

    Một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy rằng, nếu bạn viết ra nỗi tức giận của mình và bỏ vào thùng rác/máy hủy giấy, thì cơn phẫn nộ ấy cũng sẽ bị tiêu hủy.

    Học cách kiềm chế cơn giận là một kĩ năng cần thiết. Nhiều người đã tự đưa ra cho mình một phương pháp phù hợp để “hạ hỏa” tức thời. Mới đây, một nhóm nghiên cứu do Nobuyuki Kawai - Giáo sư khoa học nhận thức tại Đại học Nagoya dẫn đầu, đã đưa ra một phương pháp lấy cảm hứng từ một nghi lễ cổ xưa ở miền trung Nhật Bản.

    Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports vào ngày 9/4, xác nhận qua các thí nghiệm rằng phương pháp này là một cách đơn giản và hiệu quả để kiểm soát cơn giận ở nơi làm việc hoặc ở nhà.

    tuc-gian
    Nổi nóng là cảm xúc thông thường của con người, nhưng học cách kiềm chế hành động khi tức giận là một điều quan trọng.

    Tại đền thờ Hiyoshi Jinja ở Kiyosu, tỉnh Aichi, nơi gắn liền với Toyotomi Hideyoshi (1537-1598) - vị lãnh chúa có công thống nhất Nhật Bản, cứ vào tháng 11 hằng năm sẽ diễn ra một lễ hội có tên là "Hakidashi-matsuri".

    Trên website của ngôi đền có ghi rõ ý nghĩa của lễ hội sẽ “mang đến cơ hội cho mọi người loại bỏ nỗi buồn và sự oán giận, đồng thời đối mặt với người khác với trái tim vị tha”.

    Một trong những sự kiện chính trong lễ hội được gọi là “Hakidashi-zara”, trong đó mọi người mua một chiếc đĩa và “đóng dấu” những suy nghĩ, cảm xúc mà họ muốn vứt bỏ vào đó. Sau đó họ đập vỡ cái đĩa.

    Hiyoshijinja
    Hiyoshi Jinja. Ảnh: 伊藤誠一 

    Dựa trên ý tưởng đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành hai thí nghiệm để xem liệu việc viết ra những suy nghĩ tức giận trên một tờ giấy và vứt nó đi có giúp mọi người giảm được cơn thịnh nộ hay không.

    Đầu tiên, các nhà nghiên cứu yêu cầu 50 sinh viên Đại học Nagoya có độ tuổi trung bình là 21, gồm 16 sinh viên nữ, viết một bài luận về các vấn đề xã hội như “hút thuốc ở nơi công cộng”.

    Sau đó cho một người đóng vai trò là Tiến sĩ, bắt đầu phân tích những bài luận của các sinh viên dựa trên thang điểm 9.

    Những lời nhận xét luôn sẽ có câu nói tiêu cực như “Tôi không thể tin được một người có học thức lại nghĩ như vậy. Tôi hy vọng người này học được điều gì đó tại trường đại học.”

    Sau khi đọc các xếp hạng và phản hồi trong hai phút, các sinh viên được yêu cầu viết ra một tờ giấy họ cảm thấy thế nào và tại sao họ lại cảm thấy như vậy.

    viet-ra-giay
    Mọi người được khuyến khích viết sự tức giận ra giấy.

    Một nửa trong số 50 sinh viên sau đó được yêu cầu lật tờ giấy lại và đặt lên bàn, trong khi nửa còn lại được yêu cầu cuộn tờ giấy lại, đứng lên và ném vào thùng rác.

    Sau đó, cả hai nhóm được yêu cầu điền vào một bảng câu hỏi và đánh giá mức độ cảm giác tức giận của họ theo thang điểm từ 1 đến 6 ở 3 giai đoạn: (1) ngay sau khi viết bài luận, (2) ngay sau khi nhận được đánh giá thấp, và (3) ngay sau khi đặt tờ giấy lên bàn hoặc vứt vào thùng rác.

    Những thay đổi trong ba giai đoạn này đã được các nhà nghiên cứu kiểm tra.

    Kết quả là ở nhóm đặt tờ giấy lên bàn, mức độ tức giận thay đổi từ 1,78 điểm ở giai đoạn (1) thành 3,45 điểm ở giai đoạn (2), sau đó thành 2,64 điểm ở giai đoạn (3).

    Ở nhóm ném giấy vào thùng rác, số liệu tăng từ (1) 1,59 đến (2) 3,34 và giảm còn (3) 1,87.

    vut-rac

    Có rất ít sự khác biệt giữa hai nhóm ở (1) và (2), nhưng ở (3), có sự khác biệt rõ ràng với mức độ giận dữ giảm đáng kể ở nhóm ném tờ giấy đi, khi cảm xúc của họ giảm xuống gần với mức ở giai đoạn (1).

    Chưa dừng lại ở đó, để xác định xem việc vứt tờ giấy đi có phải là cách duy nhất để giải tỏa sự bực bội và xoa dịu cơn giận hay không, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm một nhóm khác gồm 46 người, bao gồm cả sinh viên và thanh thiếu niên. Độ tuổi trung bình của nhóm là 26,4 và 23 người trong số họ là nữ.

    Nhóm này cũng thực hiện những quá trình tương tự nhóm đầu tiên.

    Sau khi kết thúc, một nhóm được yêu cầu mang những tờ giấy cảm xúc bỏ vào máy hủy giấy, nhóm còn lại thì đặt chúng vào một chiếc hộp trong suốt.

    Kết quả là ở nhóm “hộp trong suốt”, cảm giác tức giận thay đổi từ (1) 1,64 điểm thành (2) 3,24 điểm và cuối cùng là (3) 2,75 điểm. Ở nhóm “máy hủy tài liệu”, điểm số là (1) 1,57, (2) 3,14 và (3) 1,98 - đã giảm đáng kể.

    huy-giay
    Bên trái: người đàn ông bỏ tờ giấy ghi cảm xúc tức giận của mình vào máy hủy giấy. Bên phải thì bỏ vào hộp trong suốt. Ảnh: Asahi

    Tóm lại, các nhà nghiên cứu kết luận rằng hành động ném tờ giấy chứa những suy nghĩ tức giận vào thùng rác hoặc cắt nhỏ nó có thể tạo ra cảm giác cơn giận của họ đã được giải tỏa, có tác dụng xoa dịu.

    “Khi bạn tức giận tại nhà hay công ty, bạn có thể kìm nén cơn giận đáng kể bằng cách viết ra những suy nghĩ của mình, vò nát rồi vứt đi. Bằng cách đó, chúng ta có thể duy trì được mối quan hệ đồng nghiệp, tránh các tình huống đối đầu gay gắt nơi công sở”, giáo sư Kawai cho biết.

    Nghiên cứu đã được phê duyệt bởi Ủy ban Đạo đức của Khoa Khoa học Nhận thức và Tâm lý tại Đại học Nagoya. Nhóm nghiên cứu cho biết tất cả những người tham gia đều được thông báo về mục đích của thí nghiệm sau khi công việc hoàn thành.

    kilala.vn

    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!