Wagashi và Trà đạo
Trà đạo là một trong những nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Đối với việc thưởng thức Mạt Trà (Matcha), sự hiện hữu của Wagashi là không thể thiếu. Ngày xưa, vào thời đại Muromachi khi mà Trà đạo bắt đầu thịnh hành, không phải Wagashi như ngày nay, người ta dùng bánh Funoyaki - được làm từ hỗn hợp trái cây, rong biển khô, tảo bẹ, bột mì, nước, nướng lên rồi phết tương Miso. Wagashi trong Trà đạo cũng tượng trưng cho lòng hiếu khách của Teishu - người chủ trì tiệc trà, nên những chiếc bánh có vị ngọt của đường giống như bánh kẹo ngoại quốc, hay những chiếc có hình dáng và màu sắc lộng lẫy thể hiện bốn mùa dần dần xuất hiện. Bánh Wagashi được dùng trước khi thưởng thức Mạt Trà vì vị ngọt của bánh sẽ khơi dậy vị ngon và chiều sâu của trà.
Sự kết hợp giữa Mạt Trà và Wagashi
Mạt Trà được phân loại thành 2 loại: Koicha (trà đậm) và Usucha (trà nhạt). Hương vị khác nhau tùy theo từng loại trà nên bánh Wagashi kết hợp cùng cũng không giống nhau.
Koicha và Omogashi
Koicha hay còn gọi là Okoi, sau khi pha trông khá đặc và có hương vị nồng đậm. Để pha trà thuần thục, đòi hỏi phải có kỹ thuật đáng kể. Trước khi thưởng thức Koicha, người Nhật sẽ dùng bánh Omogashi, đó thường là những loại bánh có nhân đậu như Nerikiri, Manju hay Mochi,... Hình dáng và màu sắc hoa mỹ, thể hiện thiên nhiên bốn mùa vốn là nghệ thuật của kỹ thuật truyền thống.
Usucha và Higashi
Usucha, còn gọi là Ousu, có đặc trưng là mịn mượt, dễ uống và nhiều bọt khí li ti trên bề mặt. Dùng kết hợp với trà Usucha là các loại bánh Higashi, những loại bánh khô và nhẹ như Rakugan,... Màu sắc và hình dáng đầy tính nghệ thuật của Higashi được người thợ khéo léo gói trọn nét đẹp của thiên nhiên bốn mùa Nhật Bản.
Phép tắc về Wagashi (Trường phái Urasenke)
Dụng cụ
Kaishi: giấy Washi dùng để lót bánh, lau đũa,...
Kuromoji: vật dụng trông như chiếc tăm, được làm từ gỗ cây Kuromoji (một loài thực vật thuộc họ Nguyệt Quế)
Kashiki: hộp đựng bánh. Có nhiều loại: Fuchidaka hình dáng như Jubako - hộp gỗ sơn mài hình vuông, Kashibachi hình dáng như cái bát, Higashiki dùng để đặt bánh Higashi,...
Cách thưởng thức bánh
Khi nào thì dùng bánh?
Bánh Wagashi được thết đãi và dùng xong trước khi thưởng trà là quy tắc trong Trà đạo. Sau khi người chủ trì Teishu cất tiếng mời “Mời dùng bánh”, khách sẽ dùng tay giữ tờ giấy Kaishi có bánh bên trên và thưởng thức.
Dùng bánh như thế nào?
Với bánh Namagashi, dùng Kuromoji cắt bánh thành miếng vừa ăn rồi ăn. Với Higashi và những loại bánh khó cắt như Daifuku, có thể cầm bánh bằng tay. Khi dùng bánh Higashi kích thước lớn, để vụn bánh không rơi vãi, hãy dùng tay bẻ bánh thành miếng nhỏ vừa ăn rồi dùng từ từ.
Sau khi dùng bánh thì thế nào?
Vừa tận hưởng dư vị của bánh, vừa thưởng thức trà. Hãy xem Kilala Vol.4 để biết thêm chi tiết về cách thức thưởng trà. Nếu bạn không dùng hết bánh, có thể gói phần còn lại bằng giấy Kaishi và mang về. Vì đó là tấm chân tình của Teishu dành cho vị khách của mình nên sẽ rất thất lễ nếu bạn để lại phần bánh còn thừa và ra về. Ngoài ra, giấy Kaishi và Kuromoji đã sử dụng cũng nên mang về.
Mayu Senda/ kilala.vn
CLB Trà đạo Sài Gòn
Nếu bạn yêu thích văn hóa Trà đạo Nhật Bản, nhất định hãy đến thăm CLB Trà đạo Sài Gòn!
Đặt lịch trước khi đến tham quan:
091 371 3065 (Ms. Thuy)
Facebook: SaigonUrasenkeChado
14/03/2016
Bài: Mayu Senda/ Ảnh minh họa: PIXTA
Giám sát: CLB Trà đạo Sài Gòn
Đăng nhập tài khoản để bình luận