Vì sao người Việt mê gốm Nhật?

    Với đặc tính tinh xảo trong chế tác, màu men đẹp, đất nung đúng lửa… gốm sứ Nhật được đa phần dân sành chơi đồ cổ lựa chọn. Tại Việt Nam, bên cạnh dòng gốm sứ Nhật cao cấp, phân khúc gốm gia dụng trở nên phổ biến trong nhiều gia đình khoảng 10 năm trở lại đây.

    Kho báu ẩn dưới sự giản dị

    Đồ gốm sứ Nhật Bản có 4 dòng chính: Kakiemon, Imari, Kutani và Nabeshima. Trong đó, đồ Nabeshima và Kutani dành cho giới quý tộc, ít lưu dụng trong giới bình dân nên rất ít được biết đến bên ngoài Nhật Bản. Ngược lại, đồ Kakiemon và Imari được xuất khẩu nhiều, nên được người nước ngoài, đặc biệt là người châu Âu ưa chuộng, coi đó như là những dòng đồ sứ đại diện cho kỹ nghệ gốm sứ cao cấp của Nhật Bản. 

    Trong quan niệm của người Nhật, đồ gốm gia dụng vẫn mở ra một thế giới của cái đẹp và liên quan đến sự hiểu biết cuộc sống hằng ngày, một cơ hội để trải nghiệm thiêng liêng, mới mẻ trong những chuyển động thường hằng của đời sống.  

    người Nhật dùng đồ gốm trong cuộc sống hằng ngày của người Nhật

    Nói đến gốm gia dụng – sự kết hợp hài hòa giữa đất sét, không khí, lửa và nước (những yếu tố tạo ra và giúp chúng ta sống), người Nhật ưa chuộng những kiểu mẫu thuần tự nhiên, đơn giản, tinh tế, nhỏ nhắn hơn là những thứ to, hoành tráng. Điều đó phần nào thể hiện được tính cách khéo léo, trái tim ấm áp, suy nghĩ sâu sắc, lối sống không bị cuốn vào dòng chảy hiện đại của người dân đất nước Mặt trời mọc.

    gốm gia dụng NhậtQuan sát cách người Nhật dùng đồ gốm trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nhận ra vẻ đẹp ẩn bên trong những cái không hoàn hảo, giúp con người điều chỉnh trong các cuộc vật lộn hằng ngày để đạt sự hoàn hảo.
    Người Nhật Bản quan niệm rằng thất bại không có nghĩa là chấm dứt, hãy biến đổi sự không may bằng những nỗ lực và quyết tâm, chúng ta sẽ có được kết quả trọn vẹn. Chúng ta có thể thấy được triết lý Wabi-Sabi trong việc chữa đồ gốm bị vỡ của các thợ gốm (mảnh vỡ sẽ được gắn lại với nhau bằng một loại keo chuyên dụng, cuối cùng sẽ phủ vàng lên để che những vết đó). Ở Nhật Bản, Wabi-Sabi được thể hiện trong nghệ thuật, kiến trúc và cả phong cách sống. 

    Mối tương giao gốm Nhật ở Việt Nam

    Lịch sử giao thương gốm Nhật ở Việt Nam cách nay đã mấy trăm năm. Từ thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong (thế kỷ 17 - 18), quan hệ giao thương giữa Việt Nam – Nhật Bản đã hình thành. Theo đó, đồ sứ Nhật Bản du nhập vào Việt Nam từ khá sớm. Nhiều bình, chóe Imari; nhiều đĩa, bát, lọ hoa Kakiemon đã xuất hiện trong các cung điện Huế bên cạnh đồ sứ Trung Hoa và đồ sứ châu Âu. Các nhà sưu tập ở Sài Gòn, Hà Nội đang sở hữu những bộ sưu tập đồ sộ gồm những bình, chóe, lọ, đĩa thuộc các dòng: Imari, Kakiemon, Kutani… Riêng dòng gốm Nhật gia dụng thì trong khoảng 10 năm nay trở nên phổ biến tại nhiều cửa hàng gốm. 

    gốm Nhật ở Việt Nam cách nay đã mấy trăm năm

    Thường chủ nhân các cửa hàng gốm Nhật vừa sưu tầm vừa kinh doanh. Như tiệm gốm Nhật ở góc đường Ngô Thời Nhiệm – Nguyễn Gia Thiều (quận 3).

    Cũng như những người kinh doanh gốm Nhật ở TP.HCM, bà chủ tiệm kinh doanh và sưu tầm gốm Nhật cách đây gần 10 năm. Theo chủ cửa hàng gốm này, khách thích mua gốm Nhật  để sử dụng hoặc trưng bày bởi dù là gốm gia dụng nhưng màu men, độ tinh xảo của gốm Nhật vượt trội so với các dòng gốm khác. Hiện bộ sưu tập của bà có hơn 1.000 món. Còn trước đây bà chuyên sưu tầm gốm Biên Hòa. Tại cửa hàng có bộ sưu tập 12 tách trà với mỗi chiếc tách là một loài hoa của xứ sở Phù Tang, nhiều người xem rất mê nhưng gia chủ nhất quyết không bán.

    Chị Như An (quận 10, TP.HCM) – một người mê văn hóa Nhật cho biết, hiện nay có thể mua gốm Nhật ở các cửa hàng hoặc qua online. “Tôi vẫn thích ra tiệm gốm hơn là mua online vì có cảm giác thú vị hơn. Mình đến tiệm trò chuyện với chủ tiệm, rồi chậm rãi lựa chọn món mình ưng ý trong không gian ấm áp như gia đình vậy. Đó cũng là cách thư giãn rất thú vị”, chị An chia sẻ. Chị cũng cho rằng dù biết gốm Nhật được chia thành nhiều phân khúc khác nhau, những sản phẩm về Việt Nam thường có phân khúc tầm trung nhưng vẫn được nhiều người tin tưởng và yêu thích về chất lượng và mẫu mã. Chị An thích những món gốm Nhật nhỏ nhắn, chi tiết tinh tế, màu sắc trang nhã, khi chạm vào có cảm giác thô mộc, gần gũi.

    Hiện nay, gốm Nhật gia dụng giờ không đắt như trước, giá mềm và phù hợp với cả thu nhập của người bình dân. Có lẽ dân mê gốm Nhật chưa bao giờ dễ dàng sở hữu những bộ gốm Nhật gia dụng đẹp, tinh tế đến vậy.

    kilala.vn

    18/02/2019

    Bài: Thanh Bình
    Ảnh: Pixta

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!