Toro Nagashi: Lễ thả đèn tưởng nhớ người đã khuất
Toro Nagashi là lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ linh hồn người đã khuất và là một truyền thống mùa hè ở Nhật Bản.
Toro Nagashi là gì?
Toro Nagashi (灯篭流し) là một sự kiện trong lễ Obon hoặc được tổ chức cùng với các lễ hội mùa hè, lễ hội pháo hoa trên khắp nước Nhật. Trong đó, những chiếc đèn lồng sẽ được thắp sáng và thả xuống sông hoặc biển để tưởng nhớ linh hồn của người đã khuất.
Sự kiện này bắt nguồn từ truyền thống Phật giáo với niềm tin rằng linh hồn của người đã khuất sẽ trở về thăm gia đình vào dịp Obon. Vào ngày cuối cùng của lễ Obon, linh hồn sẽ xuôi theo dòng sông, băng qua đại dương và quay trở về thế giới bên kia. Ánh sáng của đèn lồng được cho là có vai trò soi sáng trong bóng đêm, giúp linh hồn không bị lạc lối.
Toro Nagashi ra đời từ khi nào?
Người ta nói rằng phong tục thả đèn lồng bắt đầu ở Hiroshima vào sau Thế chiến II, khoảng năm 1946. Để tưởng nhớ nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử và giúp thị trấn phục hồi, người dân Hiroshima đã thắp sáng và thả những chiếc đèn lồng tự làm xuống sông.
Ban đầu, ở Hiroshima có một phong tục gọi là “Bon Chochin”, trong đó những chiếc đèn lồng được thắp quanh các ngôi mộ trong thời gian diễn ra lễ Obon, và điều này dường như cũng có liên quan ở đây.
Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng Toro Nagashi được phát triển từ Shoro Nagashi, một nghi thức trong đó lễ vật Obon của mỗi gia đình được đặt trên những chiếc thuyền làm bằng rơm và thả trôi trên sông hoặc biển.
Thời điểm và cách thực hiện
Toro Nagashi được tổ chức chủ yếu trong lễ Obon, nhưng có sự thay đổi tùy theo khu vực. Ngoài ra cũng có sự khác biệt giữa các địa phương trong cách tổ chức nghi lễ này.
Thời điểm tổ chức
Mục đích của Toro Nagashi là để tưởng nhớ tổ tiên, dẫn đường cho những người đã khuất nên nó thường diễn ra vào ngày cuối cùng của lễ Obon (16/08) ở nhiều vùng khác nhau. Ngoài ra tùy theo mục đích, Toro Nagashi cũng được tổ chức vào ngày 15/08 - ngày Kỷ niệm Kết thúc Chiến tranh - để tưởng nhớ các nạn nhân chiến tranh; hoặc vào ngày 06/08 - ngày Tưởng niệm Hòa bình tại Hiroshima để cầu nguyện cho hòa bình.
Cách thực hiện
Một cách thức phổ biến của Toro Nagashi là thắp sáng những chiếc đèn lồng làm bằng gỗ hay giấy sau đó thả xuống sông, biển cùng với lễ vật Obon. Người ta cũng có thể viết tên hoặc lời nhắn lên đèn lồng.
Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường, cũng có một số địa phương gần đây đã cấm việc thả đèn lồng và lễ vật. Ngay cả ở những thành phố cho phép thả đèn, vẫn có trường hợp chính quyền sẽ cố gắng thu thập đèn lồng ở hạ lưu vào những thời điểm cụ thể. Vì vậy nếu đến Nhật Bản và muốn tham gia thả đèn, bạn sẽ cần tìm hiểu trước quy định của địa phương.
Những lễ hội Toro Nagashi nổi tiếng ở Nhật Bản
Thả đèn lồng ban đầu là một nghi lễ để tưởng nhớ người đã khuất và không phải là một lễ hội, nhưng khi ngày càng nhiều chính quyền địa phương tổ chức Toro Nagashi cùng lúc với các lễ hội bắn pháo hoa, lễ hội mùa hè, thì đây cũng dần trở thành một sự kiện mang tính du lịch.
Hiroshima – Lễ hội Toro Nagashi
Lễ hội Toro Nagashi được tổ chức thường niên vào ngày 06/08, Ngày Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima, nơi từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quả bom nguyên tử của Mỹ trong Thế chiến II.
Vào ngày này, lễ tưởng niệm sẽ được diễn ra tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Buổi tối, những chiếc đèn lồng sẽ được thả xuống sông Motoyasu, đối diện Mái vòm Bom Nguyên tử Hiroshima.
Kyoto – Arashiyama Toro Nagashi
Arashiyama Toro Nagashi được tổ chức vào ngày cuối cùng của lễ Obon (16/08) tại quận Arashiyama của Kyoto. Sự kiện này được cho là bắt đầu từ năm 1949 để tưởng nhớ các liệt sĩ. Cùng ngày, lễ đốt lửa Gozan no Okuribi trên núi cũng được tổ chức để tiễn đưa linh hồn người đã khuất. Do đó nếu đứng gần địa điểm này, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cả Gozan no Okuribi cùng lúc với lễ thả đèn lồng.
Tokyo – Lễ thả đèn tưởng niệm nạn nhân cuộc Không kích Tokyo
Lễ thả đèn được tổ chức thường niên vào ngày 15/08 dưới chân cầu Nakagawa Fureai cũ. Nó bắt đầu vào năm 1999 để tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc Không kích Tokyo trong Thế chiến II - một trong những trận ném bom khủng khiếp nhất trong lịch sử. Vào ngày diễn ra sự kiện, những chiếc đèn lồng làm bằng giấy trắng sẽ được bày bán để du khách có thể viết lời nhắn lên rồi thả xuống sông.
Fukui – Eiheiji Daitoro Nagashi
Lễ thả đèn là một sự kiện trong Lễ hội Kuzuryu được tổ chức vào cuối tháng 8 tại thị trấn Eiheiji. Khoảng 10.000 chiếc đèn lồng được thả trên sông, khiến đây trở thành một trong những lễ Toro Nagashi lớn nhất Nhật Bản và đã được chỉ định là Di sản Cảnh đêm Nhật Bản.
Sau lễ tưởng niệm tại chùa Eiheiji, ngôi chùa đứng đầu phái Soto, đèn lồng được thả để bày tỏ lòng biết ơn. Cao trào còn có màn bắn pháo hoa trên sông. Du khách sẽ có thể ngắm nhìn ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng nổi trên mặt nước cùng lúc với pháo hoa chiếu sáng bầu trời đêm.
Lễ thả đèn ở những quốc gia khác
Tương tự với Toro Nagashi ở Nhật Bản, tại nhiều quốc gia trong đó Việt Nam, Thái Lan hay ở tiểu bang Hawaii của Mỹ cũng có lễ hội thả đèn.
Việt Nam – Lễ hội hoa đăng Hội An
Lễ hội hoa đăng Hội An theo truyền thống diễn ra vào mùng 1 và 14 âm lịch, khi đó phố cổ đồng loạt thắp đèn lồng và người dân sẽ đến bên bờ sông Hoài để thả hoa đăng. Tuy nhiên ngày nay, việc thả hoa đăng được diễn ra mỗi ngày để phục vụ các du khách.
Được tổ chức lần đầu vào năm 1998, cho đến nay, lễ hội hoa đăng đã trở thành một hình ảnh đầy thơ mộng đại diện cho Phố cổ Hội An. Theo quan niệm xưa, chiếc hoa đăng được thắp sáng chính là biểu tượng cho hy vọng, lời nguyện ước được con người gửi gắm.
Để trải nghiệm thả hoa đăng, du khách sẽ mua vài chiếc đèn lồng sau đó đến dọc bờ sông Hoài để thả, hoặc cũng có thể chọn ngồi thuyền trên sông để vừa ngắm cảnh phố cổ lung linh vừa thả đèn.
Thái Lan – Lễ hội Loy Krathong
Loy Krathong là lễ hội được người dân Thái Lan tổ chức vào đêm trăng tròn của tháng mười hai theo lịch âm của Thái. Trong hệ thống lịch hiện đại, sự kiện này thường diễn ra vào tháng 11 và ngày chính xác sẽ thay đổi tùy theo từng năm. Bất kể thời điểm chính xác, Loy Krathong luôn được coi là dịp để ăn mừng, biết ơn và đánh dấu cho khởi đầu mới.
Thuật ngữ “Loy Krathong” bắt nguồn từ chữ “loy” – có nghĩa là “trôi nổi” – và chữ “krathong” – một loại lễ vật tôn giáo nhỏ, nổi trên nước. Đúng như tên gọi, điểm nhấn của lễ hội là việc thả trôi krathong trên các vùng nước lớn nhỏ trên khắp đất nước. Mục đích của hành động này khác biệt tùy theo phong tục và tín ngưỡng, nhưng nhìn chung là để cảm tạ các vị Thần, Phật và tỏ lòng tôn kính đến tổ tiên.
Ở thành phố Chiang Mai phía Bắc Thái Lan, Loy Krathong được biến đổi với việc thả đèn trời kiểu Lanna (cũng có hình hoa sen).
Hawaii – Lễ hội đèn lồng Shinnyo
Lễ hội đèn lồng Shinnyo được tổ chức lần đầu vào khoảng những năm 1990. Thuật ngữ "shinnyo" ám chỉ khái niệm của Phật giáo về ánh sáng tồn tại trong mọi chúng sinh và được tưởng nhớ bằng cách sử dụng đèn lồng giấy mờ thắp sáng bằng nến.
Ngày nay, buổi lễ được tổ chức vào ngày Memorial Day (Lễ Chiến sĩ trận vong, rơi vào thứ Hai cuối cùng của tháng 5) tại bãi biển Ala Moana, Honolulu để vinh danh và tỏ lòng tôn kính đến những người đã khuất, đồng thời là cơ hội để mọi người xích lại gần nhau và chia sẻ niềm hy vọng về hòa bình của nhân loại.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận