Tinh hoa truyện cực ngắn Nhật Bản

    Văn học Nhật Bản vốn ưa chuộng những hình thức ngắn gọn và mỹ học Nhật Bản luôn nhắm đến cái đẹp thu nhỏ, lấy cái tối giản để biểu đạt cái tối đa. Truyện cực ngắn chính là một minh chứng tiêu biểu như thế.

    Sự ra đời và phát triển đỉnh cao

    Đặc trưng tiêu biểu nhất của truyện cực ngắn là giới hạn số lượng chữ. Mỗi truyện thường từ vài dòng đến khoảng ba trang. Tuy vậy không cứ phải viết ngắn là truyện cực ngắn. Điều làm nên yếu tính của truyện cực ngắn nằm ở chỗ nội dung và hình ảnh diễn đạt. Thứ nhất, mỗi truyện là một hình ảnh thể hiện tư tưởng và phát xuất từ bên trong, từ suối nguồn tâm linh sâu kín, từ nội tâm mãnh liệt của tác giả. Thứ hai là hình ảnh truyện hấp dẫn đủ để diễn tả tư tưởng. Và cuối cùng là tính gợi mở của chúng.

    Trong quyển sách “Người Nhật Bản với chí hướng thu nhỏ” (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998), tác giả Lee O Young đã chỉ ra rằng “Khi tìm hiểu về nguồn gốc của từ “đẹp” (utsukushii) trong tiếng Nhật, người ta thấy rằng người Nhật quan niệm những đồ vật nhỏ, tinh xảo là đẹp và tất cả những từ “đẹp” xuất hiện trong quyển “Cổ sự ký” đều có nghĩa như vậy”.

    Trong văn hóa Nhật Bản, những gì đặc sắc nhất luôn nhỏ bé tinh tế. Ngay cả ngôn ngữ Nhật cũng thể hiện ý thức thu nhỏ đặc trưng khi trợ từ “no” (của, thuộc về) liên tục được sử dụng trong thơ ca khiến bài thơ dần thu nhỏ lại khung cảnh thiên nhiên như kiểu hộp lồng, lắp xếp vào nhau. Cho nên không lạ lùng gì khi nhiều nhà văn Nhật Bản dành ưu ái của mình cho thể loại truyện cực ngắn.

    Nhà văn Nhật Bản đầu tiên được nhận giải thưởng Nobel văn chương là Yasunari Kawabata (1899 - 1972) đã dành cả cuộc đời mình chăm chút cho những mẩu truyện mà ông gọi là “Truyện ngắn trong lòng bàn tay” (Tenohira no shosetsu). Trong suốt văn nghiệp của mình, Kawabata đã viết được 146 tác phẩm như vậy với thi pháp chân không của thơ Haiku. Theo nhà nghiên cứu Donald Keene thì truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata “phác thảo về đời sống và gợi cảm như một giấc mơ”.

    Ngoài Kawabata, những nhà văn khác như Akutagawa, Osamu Dazai, về sau là Shizuka Ijuin hay Haruki Murakami… đều đã từng thử sức mình với thể loại truyện cực ngắn. Tuy thế, thể loại truyện cực ngắn chỉ được định hình và trở nên ngang hàng với các thể loại khác nhờ sự xuất hiện của Shinichi Hoshi (1926 - 1997), người được xưng tụng là “bậc thầy của truyện cực ngắn”. Với hơn một ngàn tác phẩm trải dài trong văn nghiệp hơn năm mươi năm, Shinichi Hoshi đã trở thành tác gia hàng đầu về thể loại truyện cực ngắn Nhật Bản cho đến ngày hôm nay.

    Các tác phẩm chính của Hoshi gồm có “Ác quỷ chốn thiên đường”, “Kẹo bòn bon và cơn ác mộng”, “Lời chào từ vũ trụ”, “Khu vui chơi của anh N”, “Aesop tương lai”…

    Tác phẩm của Shinichi Hoshi tuy ngắn gọn và mang nhiều tính chất giả tưởng nhưng chủ yếu là mượn xưa để nói nay, mượn huyễn để độ chân cho chúng ta nhiều bài học thâm thúy về cuộc sống và bản chất con người. Nhà phê bình Michiaki Asaba nhận định tác phẩm của Shinichi Hoshi là “phê phán bản tính con người nói chung”. Mặt khác, truyện của ông cũng thấm đẫm tính ngụ ngôn. Chính Shinichi Hoshi cũng tự nhận mình là một “Aesop hiện đại”.

    Tính đặc sắc của tác phẩm Shinichi Hoshi, như ông tự nhìn nhận, nằm ở “ý tưởng” và “tính truyện”. Ông luôn rất tài tình trong việc dung hòa được hai điều tưởng chừng mâu thuẫn đó là “sự chớp sáng của khoảnh khắc”, điều vô cùng thiết yếu của thể loại truyện cực ngắn và “tính truyện” để tạo ra những sự bất ngờ thú vị đáng suy ngẫm. Chính vì vậy mà tác phẩm của ông được rất nhiều độc giả yêu mến, nhất là những người trẻ tuổi.

    truyện cực ngắn
    Những tuyển tập truyện cực ngắn của Shinichi Hoshi đã được ấn hành tại Việt Nam.

    Sự kế tục sau thời Shinichi Hoshi

    Ngay từ năm 1979, Shinichi Hoshi đã sáng lập ra “Cuộc thi truyện cực ngắn Shinichi Hoshi” để trao giải cho các truyện cực ngắn xuất sắc hàng năm. Trong số tác giả được trao giải có Yuu Esaka – một tài năng vượt bậc và được chính Shinichi Hoshi gọi là “đệ tử duy nhất” của mình. Các tác phẩm chính của ông gồm “Khu vui chơi kỳ quái”, “Sự kiện trong đêm ngắn”, “Cửa hàng vô dụng”… Ngoài sáng tác, Esaka Yuu còn viết tiểu luận về truyện cực ngắn như tuyển tập “Cách sáng tác những mẩu chuyện nhỏ” ấn hành năm 2011.

    Ngoài ra, rất nhiều nhà văn sau này cũng tự nhận là đệ tử của Shinichi Hoshi dù không có một điểm chung nào trong sáng tác, như Takashi Atoda, Motoko Arai, Shin Takai, Masao Yamakawa… Trong đó, Shin Takai được xem là nhà phê bình uy tín nhất về thể loại truyện cực ngắn với tập tiểu luận “Thế giới của truyện cực ngắn”.

    Đặc biệt, tác giả trẻ sinh năm 1987 Masatomo Tamaru hiện đang được xem là tác gia tiêu biểu nhất về thể loại truyện cực ngắn Nhật Bản thế hệ mới. Anh được chính Yuu Esaka thừa nhận tài năng và được xưng tụng là “đệ tử Shinichi Hoshi đời thứ hai”. Không chỉ sáng tác truyện cực ngắn, theo gương Esaka Yuu, anh còn viết nhiều tiểu luận, bài giảng hướng dẫn sáng tác truyện cực ngắn với mong muốn phổ cập thể loại này. 

    Ngày nay, việc phổ cập điện thoại thông minh và mạng internet giúp cho những người bận bịu cũng có thể tranh thủ thời gian lúc chờ xe buýt hay tàu điện đi làm, lúc nghỉ trưa để đọc tác phẩm. Chính vì vậy mà truyện cực ngắn còn có một kiểu phiên bản khác là “Tiểu thuyết điện thoại” (Keitai shosetsu). Dự đoán trong tương lai, thể loại truyện cực ngắn này vẫn sẽ phát triển mạnh mẽ, đa dạng với nhiều giọng văn và hình thức khác nhau.

    kilala.vn

    18/05/2020

    Bài: Hoàng Long
    Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!