Nghệ thuật xếp giấy Origami: Không chỉ là một tờ giấy
“Trong Origami chứa đựng rất nhiều triết lý sống sâu sắc, một thế giới quan kỳ diệu mà tất cả được hình thành nên chỉ bằng tờ giấy, khối óc, bàn tay và niềm đam mê cháy bỏng.” (Vietnam Origami Group)
Theo các tài liệu, nghệ thuật xếp (hay gấp) giấy xuất hiện ở Nhật Bản từ thế kỉ thứ 6 hoặc thứ 7 và dần trở thành môn nghệ thuật độc đáo ở xứ sở này. Trước năm 1880, Origami được gọi bằng tên Orikata. Đến giữa thế kỷ 19, hình thức giải trí này được đưa vào trường mẫu giáo và tiểu học. Các mẫu Origami truyền thống thường được sử dụng trong lễ nghi - văn hóa Nhật Bản. Qua báo chí, mẫu xếp giấy được biết nhiều nhất là mẫu chim hạc, thường được xếp cả ngàn con để ước nguyện điều gì đó.
Từ giữa thập niên 1960, các trường học miền Nam Việt Nam đã dạy cho học sinh cách xếp các mẫu đơn giản như con hạc, đầu lân, cái hộp, mũ Samurai. Tuy nhiên, lúc đó chỉ gọi là “xếp giấy”, không gọi đích danh Origami.
Đến năm 1971, tuần báo Thiếu Nhi do nhà văn Nhật Tiến chủ biên ra mắt. Sau khi tờ báo này phát hành, dịch giả Vũ Minh Thiều, lúc đó đang làm việc cho Tòa Đại sứ Nhật Bản ở Sài Gòn có mời nhà văn Nhật Tiến đến thăm phòng triển lãm ORIGAMI do Tòa Đại sứ tổ chức. Trong dịp đó, nhà văn Nhật Tiến được tặng một cuốn sách dạy xếp giấy của tác giả lừng danh Akira Yoshizawa (1911 - 2005). Nhà văn Nhật Tiến cảm thấy say mê ngay nghệ thuật này và muốn truyền bá nghệ thuật xếp giấy ORI-GAMI (Ori - xếp, Gami hay Kami - giấy) tới độc giả của tờ Thiếu Nhi. Nhưng sau năm 1975, thú vui này chỉ còn xuất hiện trong một số gia đình.
Khi Internet trở nên phổ biến, những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này đã có thể tiếp cận với những mẫu gấp mới. Trong khoảng hơn 10 năm gần đây, nghệ thuật xếp giấy Origami tại Việt Nam có những bước chuyển biến bất ngờ để hội nhập với giới sáng tác Origami toàn cầu và đã xuất hiện những nhà sáng tạo mới trong lĩnh vực này.
Người sáng lập bí ẩn của diễn đàn Vietnam Origami Group
Cuối năm 2004, có một người lấy biệt danh là Hiba sống tại Sài Gòn đã đi khắp các diễn đàn và kêu gọi, liên kết những người chơi Origami tại Việt Nam lại thành một nhóm gọi là Vietnam Origami Group (VOG). VOG lúc đó hoạt động trên các diễn đàn online và email là chủ yếu. Mãi sau này, cộng đồng này mới có trang web riêng là vietnamorigami.org, và bây giờ là origami.vn.
Cho đến nay, cộng đồng này cũng không rõ danh tính của anh Hiba, được coi là người sáng lập Vietnam Origami Group, một người có hiểu biết sâu rộng về văn hóa Nhật Bản cũng như tiếng Nhật nên đã dịch nhiều tài liệu, bài viết của các tác giả Nhật Bản sang tiếng Việt cho các thành viên VOG đọc. Đó đều là những kiến thức vô cùng hữu ích để giúp phát triển nghệ thuật này ở Việt Nam.
Từ khi có Vietnam Origami Group, người yêu thích nghệ thuật này có nơi để trao đổi kiến thức và làm quen với nhau. Ở các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có nhiều bạn trẻ chơi Origami nên thỉnh thoảng cũng gặp nhau uống cà phê trò chuyện, ngắm mẫu của nhau. Phong trào sáng tác Origami ở Việt Nam có lẽ cũng từ đó mà phát triển nhanh cả về số lượng cũng như chất lượng. Bạn bè thế giới đều rất ấn tượng bởi sự phát triển nhanh chóng của Origami Việt Nam. Chỉ sau hơn 10 năm đã có nhiều tác giả Origami Việt Nam được thế giới biết tới và công nhận. Các mẫu gấp của họ được đăng trên các tạp chí nổi tiếng về Origami của Nhật, Anh, Mỹ,. Một số người cũng được mời tham dự các hội nghị, gửi mẫu đi triển lãm khắp các nơi trên thế giới, như Nhật, Mỹ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha,.
Nguyễn Hùng Cường: Từ sở thích đến con đường sáng tạo
Sinh 1989, Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, khoa Điện tử - Viễn thông. Tự nhận là một người khá trầm lặng, ít nói. Trước đây anh làm việc tại một công ty chuyên về các thiết bị viễn thông, hiện tại thì dành toàn thời gian cho gấp giấy.
Từ năm 2007, tác phẩm của Nguyễn Hùng Cường đã tham gia nhiều triển lãm Origami quốc tế. Anh cũng từng được các tổ chức Origami của Nhật và Châu Âu mời tham dự hội nghị Origami tại Nhật năm 2009, Pháp năm 2012, Tây Ban Nha năm 2014 và sẽ dự hội nghị ở Israel vào tháng 3 năm 2017. Người xem rất ấn tượng bởi độ phức tạp trong mẫu gấp của anh, cách tạo hình các con vật như đang chuyển động.
Như nhiều môn đồ của nghệ thuật này, Nguyễn Hùng Cường tiếp xúc với Origami từ khi còn là học sinh tiểu học, được học một số mẫu xếp giấy truyền thống như cái thuyền, máy bay, con hạc. Đến khoảng 7 - 8 tuổi, khi được mẹ mua cho quyển sách dạy gấp các loài khủng long tên là “Prehistoric Origami” của tác giả John Montroll, Cường khiến cả gia đình bất ngờ vì có thể gấp được các mẫu phức tạp. Điều Cường lấy làm ngạc nhiên và thích thú là dù kiểu gì, chúng cũng được gấp từ một tờ giấy vuông. Đó chính là lúc Cường cảm thấy thực sự yêu thích môn nghệ thuật này và biết đến cái tên Origami.
Không chỉ xếp những mẫu có sẵn, lên 10 tuổi, Cường bắt tay vào sáng tác, với tác phẩm đầu tiên là mẫu con lợn, phát triển từ hình cơ bản của một mẫu linh dương trong cuốn sách "Animal origami for the enthusiast". Vì yêu thích sự kì diệu của việc biến đổi một tờ giấy nên những sáng tác của Cường đa phần đi theo hướng phức tạp, sử dụng những kiểu gấp lạ khiến người xem bất ngờ, như mẫu đại bàng, khỉ đột, cá mập, hay mẫu bọ cạp với một con rắn quấn quanh đuôi. Tất cả chỉ được gấp từ một tờ giấy, mặt giấy màu đỏ được dùng cho con bọ cạp, mặt bên kia màu xanh dùng cho con rắn.
Loại giấy lý tưởng cho Origami: Giấy Dó
Nguyên liệu duy nhất của bộ môn này là giấy. Ở Nhật có nhiều loại giấy chuyên dùng cho nghệ thuật này nhưng ở Việt Nam thì khó khăn hơn nhiều. Cường phải tìm tòi ở các cửa hàng bán dụng cụ học sinh và văn phòng phẩm để tìm loại giấy thích hợp. Đến khi đi vào con đường chuyên nghiệp, từ khoảng năm 2012, Cường chuyển sang dùng giấy Dó. Loại giấy cổ truyền của Việt Nam này rất dai và mỏng, mềm. Trước khi gấp, phải quết một lớp keo mỏng lên toàn bộ tờ giấy để giấy cứng hơn, sau đó cắt thành khổ giấy mình cần và gấp. Giấy Dó sau khi qua xử lý keo trở nên cứng và dai, giữ nếp cực kỳ tốt. Các sáng tác của Cường hiện giờ sử dụng giấy Dó là chủ yếu.
Tính đến giờ, Cường đã đeo đuổi nghệ thuật Origami được hơn 20 năm và sáng tác hơn 18 năm. Hiện tại, Nguyễn Hùng Cường và các thành viên trong Vietnam Origami Group vẫn tiếp tục các dự án về gấp giấy, xây dựng diễn đàn để đưa Origami phổ biến hơn. Cộng đồng này đang tìm kiếm một thế hệ tác giả Origami trẻ tiếp theo của Việt Nam, với ý định thực hiện cuốn sách thứ 3 của nhóm với những gương mặt mới.
Phạm Công Luận/ kilala.vn
20/03/2017
Bài: Phạm Công Luận/ Ảnh: PIXTA, nhân vật cung cấp
Đăng nhập tài khoản để bình luận