Trường học Nhật Bản: Những sự thật bất ngờ (P1)

    Mỗi quốc gia có văn hóa học đường khác nhau, và ẩn chứa trong đó có thể là những điều khiến bạn vô cùng bất ngờ, chẳng hạn như: các trường học Nhật Bản sẽ không có nhân viên vệ sinh, học sinh không bị ở lại lớp… Cùng Kilala điểm qua một số điều thú vị nhé!

    Học sinh phục vụ bữa ăn

    Một sự thật thú vị về các trường công lập Nhật Bản là mọi người đều ăn cùng một bữa ăn. Giống như ở nhiều quốc gia khác, học sinh có thể lựa chọn mua cơm trưa hay mang cơm theo. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, học sinh (thường là học sinh tiểu học) sẽ ăn cơm theo khẩu phần, thực đơn của trường quy định và buộc phải ăn xong trong một thời gian nhất định. Hầu hết các trường công lập ở Nhật không có căn-tin riêng để mua thức ăn, vì vậy học sinh cũng không thể tự do mua thức ăn theo ý muốn. Một số trường khác sẽ cho phép học sinh mang theo bento đến trường, miễn là thức ăn tuân thủ theo quy định. Tức là thức ăn trong bento không được có thực phẩm hoặc món ngọt không lành mạnh. Thường các bữa trưa đều gồm cơm trắng, rau, các loại cá, rong biển hoặc có khi là thịt gà.

    học sinh phục vụ bữa ăn
    Ảnh: Japan Inside.

    Một điểm đặc biệt nữa là, sẽ có những học sinh chịu trách nhiệm mang thức ăn từ khu vực bếp ăn của nhà trường, mang đến lớp và phục vụ cho các bạn cùng lớp. Những học sinh này khi thực hiện nhiệm vụ sẽ được đeo khẩu trang, mặc áo khoác… để tránh làm bẩn thức ăn. Sau bữa ăn, các học sinh sẽ dọn dẹp và trả lại các khay đựng thức ăn. Quá trình này diễn ra dưới sự giám sát của giáo viên.

    Học sinh và giáo viên cùng ăn trong phòng học

    Giờ ăn trưa sẽ diễn ra ngay trong lớp học. Bàn ghế sẽ được xếp theo nhóm, ngồi đối diện nhau, nhất là ở các trường trung học cơ sở. Đặc biệt hơn nữa, giáo viên sẽ ngồi ăn cùng với các học sinh của mình, trong phòng học. Nhiều người cho rằng, đây là một cách giáo dục của các trường học ở Nhật, bữa trưa được diễn ra ngay tại lớp học, và ăn cùng các giáo viên sẽ tạo điều kiện cho học sinh trong cùng lớp dễ làm thân, hòa nhập và gắn bó với nhau hơn.

    học sinh ăn trưa cùng giáo viên
    Ảnh: Thing Link.

    Học sinh không ở lại lớp

    Đây có thể là điều khiến bạn vô cùng ngạc nhiên bởi hầu hết các quốc gia, dù là châu Á như Việt Nam, Philippines hay quốc gia phương Tây phát triển như Mỹ thì một học sinh khi không đủ khả năng để lên lớp cao hơn buộc phải ở lại để học đến khi đạt tiêu chuẩn, gọi nôm na là ở lại lớp (lưu ban). Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục Nhật Bản, học sinh có thể lên lớp cho dù điểm kiểm tra có thấp đến đâu. Và thậm chí, một học sinh cúp tiết, điểm kiểm tra thi cử không đạt, vẫn có thể tham dự lễ tốt nghiệp cuối mỗi năm.  Điểm thi chỉ mang tính chất quyết định khi học sinh thi tuyển sinh cấp 3 và tuyển sinh đại học thôi.

    học sinh không ở lại lớp
    Ảnh: GoGoNihon.

    Không có nhân viên vệ sinh

    Ở Nhật, các trường học không quá phụ thuộc vào các nhân viên vệ sinh. Thay vào đó, công việc vệ sinh trường lớp sẽ do chính tay các học sinh làm, từ khuôn viên trường, phòng học cho đến nhà vệ sinh. Hơn nữa, ngay cả giáo viên, nhân viên nhà trường và cả cấp lãnh đạo như hiệu phó, hiệu trưởng vẫn phải làm công việc này, mỗi người sẽ phải dọn dẹp khu vực của riêng mình.

    không có nhân viên vệ sinh
    Ảnh: Katie Anderson.

    Thời gian để các học sinh dọn dẹp lau chùi mỗi ngày được gọi là “souji”. Một vài học sinh sẽ buộc tenugui lên đầu và trước khi bắt tay vào làm, các em ấy sẽ ngồi im lặng vài phút để thiền, chuẩn bị tinh thần và cơ thể cho việc dọn dẹp, hành động này gọi là “mokusou”. Việc để cho học sinh tự dọn dẹp trường lớp được xem là một phương pháp giáo dục thực tiễn, để các em rèn luyện và tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội.

    (còn nữa)

    kilala.vn

    04/05/2020

    Bài: Aki Kanou

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!