Nghi lễ Niiname-sai: Lời cảm tạ đến thần linh
Nghi lễ được tổ chức ở Hoàng cung
Nghi lễ Niiname-sai (新嘗祭) hay còn gọi là Shinjo-sai, được tổ chức vào ngày 23 tháng 11 hằng năm, là ngày lễ cảm tạ thần linh vì đã ban cho đất nước một năm được mùa và cầu nguyện để có vụ mùa mới sung túc. Trong tên gọi, chữ “新–Tân” đại diện cho từ “新穀” có nghĩ là ngũ cốc mới thu hoạch, còn “嘗–Thường” được dùng để chỉ những lễ tế vào mùa thu.Khởi nguyên vốn là một nước mang văn hóa nông nghiệp nên người Nhật rất coi trọng những lễ tế có liên quan đến vụ mùa.Vì vậy nghi lễ Niiname-sai cũng được xem là một trọng lễ ở Nhật Bản với nghi lễ được cử hành ở thần xã trong Hoàng cung và các thần xã lớn trên toàn nước Nhật.
Nhiều thuyết cho rằng, Niiname-sai có nguồn gốc từ thời kì Yayoi, khi người dân Nhật Bản bắt đầu biết trồng lúa. Tuy nhiên, theo những ghi chép trong “Nhật Bản Thư Kỷ” thì từ “Niiname” đã xuất hiện trong những câu chuyện thần thoại và nghi lễ Niiname-sai bắt đầu từ thời Thiên hoàng thứ 16 Nintoku (313 –399). Trước kia, dựa trên thuyết âm dương ngũ hành,ngày lễ Niiname được cử hành vào ngày Mão thứ hai của tháng 11 âm lịch. Đến năm Minh Trị thứ 6 (1873), nghi lễ chính thức được cử hành cố định vào ngày 23/11 và trở thành ngày nghỉ lễ toàn quốc.
Khi thần linh và con người cùng thưởng thức những món ăn
Nghi lễ Niiname-sai trong Hoàng cung được thực hiện ở điện Shinkaden, gồm có hai nghi thức cử hành trong cùng một ngày là nghi thức hoàng hôn lúc 18 giờ và nghi thức bình minh lúc 23 giờ.Mỗi nghi thức diễn ra trong 2 tiếng và do chính Thiên hoàng đích thân làm lễ.
Khi cử hành nghi lễ, Thiên hoàng sẽ dâng lên các vị thần những bông lúado chính tay ngài trồng và do người dân tiến cống. Ngoài ra, còn có nhiều lễ vật khác như cơm và rượu được làm từ gạo mới, rượu đen, cơm hạt kê, cháo hạt kê, ngũ cốc, cá tươi, trái cây,… Sau khi làm lễ dâng phẩm vật cho thần linh, Thiên hoàng, với tư cách là người đại diện cho những vị thần, sẽ thưởng thức những món ăn này, thể hiện ý nghĩa các vị thần sẽ được tiếp thêm sức mạnh và năm sau sẽ lại ban cho một vụ mùa bội thu.
Trước kia, theo quan niệm của người xưa, Niiname-sai là dịp để thần linh và con người cùng thưởng thức món ăn, nên có một tập quán là không ăn những hạt gạo mới thu hoạch của vụ mùagần nhất cho đến khi nghi lễ Niiname được cử hành. Tuy nhiên vẫn còn có một cách giải thích khác cho tập quán này. Ngày xưa, khi Nhật Bản vẫn chưa phát triển về nông nghiệp, từ giai đoạn gặt lúa cho đến khi ra được hạt gạo đều thực hiện hoàn toàn bằng sức người nên tốn rất nhiều thời gian. Vì vậy, phẩm vật được hoàn thành vừa kịp với dịp cử hành lễ Niiname-sai. Nhưng hiện tại, kĩ thuật nông nghiệp đã phát triển vượt bậc, các giai đoạn đều được rút ngắn thời gian nên những tập quán không còn hợp thời thế này cũng bị loại bỏ.
Đến năm Showa thứ 23 (1948), ngày lễ Niiname được đổi tên thành “Ngày lễ cảm tạ lao động”. Việc đó được giải thích rằng, dù thần linh ban cho con người vụ mùa bội thu, nhưng để có được hạt gạo ăn hằng ngày là nhờ vào công sức gieo trồng, chăm sóc của những người nông dân. Chính vì vậy,ngoài việc cảm tạ thần linh thì ngày lễ này cũng nhằm đề cao giá trị của sức lao động. Ngày nay, rất ít người biết đến tên gọi Niiname-sai, đặc biệt là những người trẻ, khi nhắc đến ngày 23 tháng 11, họ chỉ sẽ nhớ là ngày cảm tạ lao động.
Niiname-sai long trọng hơn vào năm 2019!
Đối với những vị Thiên hoàng vừa mới lên ngôi, nghi lễ Niiname-sai lần đầu tiên do các ngài cử hành sẽ được gọi là Daijo-sai, tổ chức trang trọng hơn lễ Niinamesai hàng năm. Các giai đoạn chuẩn bị cho nghi lễ có thể được tiến hành trước mấy tháng. Quá trình lựa chọn lễ vật cũng sẽ khắc khe hơn, trong Hoàng cung sẽ cử người đi đến các vùng để có thể chọn được phẩm vật tốt nhất. Daijosai gần đây nhất là vào năm 1990, khi cựu Thiên hoàng Akihito lên ngôi. Tuy nhiên, năm 2019 chính là năm mà Tân Thiên hoàng lên ngôi, nên Niinamesai sẽ được gọi là Daijosai. Cục Hoàng gia dự kiến sẽ cử hành nghi lễ Daijosai vào ngày 14 và 15 tháng 11 năm nay.
kilala.vn
26/11/2019
Bài: Quỳnh Trịnh
Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận