Ném tượng nhà sáng lập KFC xuống sông, đội bóng Nhật phải chịu thành tích kém hàng chục năm?

    Curse of the Colonel – Lời nguyền của Đại tá, là một trong những truyền thuyết đô thị nổi tiếng liên quan đến sự thất bại của một đội bóng chày Nhật Bản. Sau trận đấu vô địch năm ngoái, người hâm mộ đội bóng hi vọng về việc Đại tá đã “nguôi giận”.

    Mối nghiệt duyên giữa Đại tá Sanders và Hanshin Tigers

    Có lẽ bạn đã nghe nói (hoặc chưa) về mối liên hệ bí ẩn giữa Đại tá Harland Sanders – Người sáng lập thương hiệu gà rán KFC và câu lạc bộ bóng chày Hanshin Tigers. Chính xác thì chuyện xảy ra như thế nào?

    Theo truyền thuyết được lan truyền, vào tháng 10/1985, Hanshin Tigers đã có một mùa giải tuyệt vời và tiếp tục giành chức vô địch Japan Championship Series, tương đương với chức vô địch World Series ở Major League Baseball.

    Hanshin-Tigers
    Sân vận động bóng chày Hanshin Koshien, sân nhà của đội Hanshin Tigers. Ảnh: SCMP

    Người hâm mộ của đội bóng đã tụ tập để ăn mừng tại sông Dotonburi ở Osaka. Trong lễ kỷ niệm, tên của toàn bộ cầu thủ trong đội đã được đọc to và nếu một người nào đó trong đám đông có tên giống với họ sẽ phải nhảy xuống sông. Khi tên của cầu thủ Randy Bass được xướng lên, không ai trong đám đông có tên tương tự vậy. (Lưu ý: Các đội bóng chày Nhật Bản có hai vị trí trong đội hình dành riêng cho các cầu thủ nước ngoài. Bass cũng được nhiều người coi là nhân tố quan trọng giúp Hanshin Tigers tiến tới chức vô địch).

    KFC
    Tượng Đại tá Sanders là hình ảnh quen thuộc ở các tiệm KFC Nhật Bản. Ảnh: SCMP

    Trong phút chốc bốc đồng, ai đó trong đám đông nhớ đến bức tượng Đại tá Sanders có râu ở phía trước một nhà hàng gà rán Kentucky gần đó. KFC rất nổi tiếng ở Nhật Bản và thường có tượng Đại tá bên cạnh cửa ra vào. Những người trong đám đông hân hoan chạy đến nhà hàng, kéo bức tượng ra khỏi chân đế và ném Đại tá xuống sông. Bức tượng chìm xuống vùng nước tối tăm và mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ đối với những chú Hổ.

    dotonburi
    Trong cơn phấn khích, đám đông đã ném bức tượng Đại tá xuống sông. Ảnh: Arigato Travel

    Lời nguyền của Đại tá

    Hành động phá hoại đó là khởi đầu cho cái được gọi là "Lời nguyền của Đại tá", khi vận may của đội bóng tụt dốc không phanh cùng với những sự xui rủi xảy với đội tuyển:

    • Masayuki Kakefu bị chấn thương ở cổ tay và gãy xương, tạm nghỉ thi đấu sau 663 trận. Chưa đầy hai tuần sau chấn thương và thi đấu lại, ông tiếp tục bị thương ở vai và tạm dừng trong 1 tháng. Đến tháng 8 cùng năm, ông lại bị chấn thương và sau khi kết thúc mùa giải 1988, Kakefu giải nghệ ở tuổi 33.
    • Chikafusa Ikeda bị gãy xương gót chân vào tháng 05/1986.
    • Mùa giải 1987, đội dừng chân với tỷ lệ thắng tệ nhất từ trước đến nay (0,331).
    • Randy Bass rời đội bóng vào giữa mùa giải 1988 do không thể trở lại Nhật Bản vì phải chăm sóc con trai.
    • Đội không thể giành bất cứ một lá cờ vô địch nào cho đến năm 2003, phần lớn trong số đó họ xếp ở vị trí gần hoặc cuối bảng.
    1985
    Sau chiến thắng năm 1985, Hanshin Tigers nhận chuỗi thất bại liên tiếp. Ảnh: Reddit

    Câu chuyện này càng được phổ biến rộng rãi nhờ một tập trong chương trình Detective! Knight Scoop! (探偵!ナイトスクープ,  Tantei Naito Sukupu), nơi một nhóm thám tử cố gắng giải quyết những bí ẩn theo yêu cầu của người xem.

    Trong tập đó, một người hâm mộ Hanshin Tigers đã yêu cầu chương trình xác định vị trí của bức tượng. Cuối cùng họ không tìm thấy nó và người dẫn chương trình đã nói rằng: “Cho đến khi Đại tá được giải cứu và rửa sạch bùn, đội bóng chắc sẽ không còn hi vọng cho chức vô địch”.

    Năm 2003, những chú Hổ đã vô địch Central League để giành quyền tham dự Japan Series, nhiều tờ báo đồn đoán rằng Lời nguyền của Đại tá cuối cùng đã bị phá vỡ. Tuy nhiên sau đó, Hanshin Tigers tiếp tục thua Fukuoka Daiei Hawks nên mọi người cho rằng lời nguyền vẫn còn nguyên.

    cđv
    Một cổ động viên cuồng nhiệt của đội Hanshin Tigers nhảy sông Dotonbori vào năm 2003. Ảnh: SCMP 

    Năm 2009, khi thành phố Osaka đang nạo vét sông Dotonburi để xây dựng một cây cầu mới, phần thân của bức tượng đã được tìm thấy. Các thợ lặn được cử đến, trục vớt được chân và tay phải của bức tượng. Tuy nhiên, chiếc kính và bàn tay trái của bức tượng không bao giờ được tìm thấy. Truyền thuyết hiện đã được sửa đổi rằng cho đến khi toàn bộ bức tượng được phục hồi thì lời nguyền vẫn sẽ tiếp tục.

    tuong-dai-ta-duoc-vot
    Bức tượng Đại tá đã được tìm thấy ở sông Dotonburi. Ảnh: Japan Times

    Về phần bức tượng, Đại tá đã được thêm kính và thay bàn tay mới rồi trao trả lại cho KFC Nhật Bản. Thời điểm này thì nhà hàng KFC nơi từng sở hữu Đại tá đã không còn hoạt động, nên ban quản lý quyết định để bức tượng tại KFC bên ngoài sân vận động Koshien, về sau bức tượng lại tiếp tục dời đến trụ sở công ty ở Tokyo. Đến 2017, bức tượng được đưa về một cửa hàng KFC khác ở Osaka.

    Curse_of_the_Colonel
    Bức tượng sau khi được làm sạch thì được trưng bày tại một số cửa hàng KFC. Ảnh: Wikipedia

    Sự chấm dứt của lời nguyền?

    Tháng 11/2023 đánh dấu việc Hanshin Tigers cuối cùng đã giành được chức vô địch Japan Series sau chiến thắng 7-1 trước đối thủ Orix Buffaloes, 38 năm kể từ khi Đại tá bị ném xuống sống.

    Và đến tháng 3/2024, bức tượng được đưa đến Đền Sumiyoshi Taisha, nơi thực hiện nghi lễ thanh tẩy theo truyền thống dành cho búp bê.

    tuong-dai-ta
    Bức tượng của Đại tá Harland Sanders trong nghi lễ tiễn đưa linh hồn của những con búp bê cũ tại đền thờ Sumiyoshi Taisha ở Osaka. Ảnh: Japan Times

    Takayuki Hanji - Chủ tịch KFC Holdings Nhật Bản, đã đến dự và đặt hoa lên bàn thờ. Ông cũng dâng rượu sake và một phần gà KFC theo nghi lễ. Trong một tuyên bố, công ty cho biết câu chuyện về bức tượng đã “góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của chúng tôi”.

    Lời nguyền thật sự hay chỉ là một trò mê tín?

    Trên trang web của Hanshin Tigers, truyền thuyết này cũng được đề cập, tuy nhiên một số mốc thời gian đã được đội bóng đính chính.

    Trên thực tế, ngày Đại tá bị quăng xuống sông chỉ là ngày nhận cờ hiệu của đội (không phải ngày vô địch). Hai tuần sau sự kiện đó, Hanshin Tigers đã giành chức vô địch, vậy nếu do lời nguyền thì tại sao họ lại chiến thắng? Có lẽ người hâm mộ đội bóng cần một lý do hợp lý để giải thích cho chuỗi thất bại của Hanshin Tigers.

    chien-thang-Hanshin-Tigers
    Hanshin Tigers Japan kết thúc Lời nguyền của Đại tá với chiến thắng năm 2023. Ảnh: Hanshin Tigers

    Không chỉ Hanshin Tigers, có nhiều đội khác trên khắp thế giới cũng gắn liền với những câu chuyện mê tín.

    Đội tuyển Argentina từ lâu được cho là đã gặp bất hạnh do "Lời nguyền Tilcara" - được đặt theo tên một thành phố nhỏ nơi đội bóng cầu nguyện chiến thắng trước World Cup 1986. Vào thời điểm đó, người quản lý của đội là Carlos Bilardo hứa sẽ quay lại để dâng lễ tạ ơn bức tượng Virgen de Copacabana, nếu họ chiến thắng. Sau khi Argentina vô địch giải đấu, Bilardo và các cầu thủ đã không bao giờ trở lại.

    Ở các giải đấu tiếp theo, Argentina thua sốc trước Cameroon và Romania, đồng thời thua Đức trong trận chung kết năm 1990. Dưới áp lực, đội tuyển năm 1986 cuối cùng đã quay trở lại Tilcara để bày tỏ lời cảm ơn và Argentina đã vô địch World Cup 2022.

    Câu lạc bộ bóng đá thành phố Birmingham ở Anh cũng đã phải chịu sự "trừng phạt" 100 năm sau khi chuyển đến một sân vận động mới được xây dựng trên khu đất chiếm đoạt của người Romani.

    Một lời nguyền khác liên quan đến đội bóng chày Boston Red Sox, đội đã phải đối mặt với “Lời nguyền của Bambino” sau khi bán Babe Ruth cho New York Yankees vào năm 1920, sau đó họ đã trải qua 86 mùa giải mà không giành được chức vô địch World Series nào.

    Quay lại với Hanshin Tigers, có lẽ chiến thắng không ở lại với họ quá lâu khi ở 14 trận tiền mùa giải, đội thua 11 và chỉ thắng 2, khiến họ đứng cuối cùng trên bảng xếp hạng tiền mùa giải gồm 12 đội.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!