Mang kỹ thuật làm áo giáp samurai vào túi xách
Các nghệ nhân đã ứng dụng odoshi - một kỹ thuật từng được dùng trong những bộ áo giáp của chiến binh, để tạo nên những mẫu túi xách độc đáo và thời thượng, làm nổi bật cá tính của người sở hữu.
Vào thời kỳ Heian (794-1185) và thời kỳ Kamakura (1185-1333), các chiến binh ở vị thế cao như sodaisho (tổng tư lệnh) đã sử dụng một loại áo giáp gọi là o-yoroi với tay áo lớn. Vì áo giáp tượng trưng cho quyền lực, chúng được trang trí và chế tạo xa hoa bằng các kỹ thuật gia công kim loại, gỗ và nhuộm tinh vi nhất thời bấy giờ.

Một trong những kỹ thuật truyền thống được sử dụng là odoshi, trong đó thân và tay áo được buộc lại với nhau bằng dây da hoặc dây bện. Các nút thắt khác nhau tùy thuộc vào áo giáp. Bên cạnh đó, dây cũng có nhiều màu sắc, chẳng hạn như trắng, đỏ và tím. Kỹ thuật này làm tăng độ bền của áo giáp đồng thời tô điểm thêm sự lộng lẫy và độc đáo.
Katsuyo Goto, chủ sở hữu thế hệ thứ năm của Koujin - xưởng sản xuất áo giáp samurai hơn 120 năm tuổi tại phường Sumida, Tokyo và là nữ nghệ nhân làm áo giáp samurai duy nhất tại Nhật Bản, cho biết: “Áo giáp samurai không chỉ bền mà còn là biểu tượng của vẻ đẹp vượt thời gian”. Những kĩ thuật gia truyền của bà được học từ người cha trong suốt 30 năm.

Ngày nay, ngoài việc kế nghiệp gia đình, tập trung vào việc sản xuất bản sao các bộ áo giáp samurai được bảo tồn như di sản văn hóa, bà Katsuyo Goto đã ứng dụng các kĩ thuật đó để rẽ thêm một hướng mới. Đó là sản xuất những chiếc túi mang tên “Yoroi-Temoto” bằng kỹ thuật odoshi, với mục đích phổ biến rộng rãi sức hấp dẫn của áo giáp samurai, kể cả đối với phụ nữ.

Bà sử dụng họa tiết murasaki susogo, trong đó màu sắc tối dần từ trên xuống, từ trắng sang vàng rồi sang tím, và họa tiết omodaka, một họa tiết dựa trên hình ảnh cỏ thủy sinh mọc hoang trong ao và suối. Vì tất cả các phần của túi xách đều được làm bằng tay nên một chiếc túi trung bình cần 3 tháng để hoàn thành.

Gần đây bà bắt đầu phát triển thêm dòng sản phẩm hộp đựng danh thiếp và đồng hồ để bàn. Tất cả đều được làm bằng kỹ thuật odoshi.
kilala.vn
Nguồn: JapanNews
Đăng nhập tài khoản để bình luận