Lễ hội ném chú rể từ vách núi tuyết cao 5m tại Nhật Bản

    Vào ngày 15/1 hằng năm, lễ hội Mukonage Suminuri nổi tiếng với nghi lễ ném chàng rể mới xuống vách núi tuyết cao gần 5 mét được tổ chức tại thị trấn Matsunoyama-yumoto, thành phố Tokamachi, tỉnh Niigata với hàng trăm người tham gia. 

    Lễ hội truyền thống độc đáo Mukonage Suminuri

    Lễ hội “むこ投げ・すみ塗り – Mukonage Suminuri” gồm hai nghi lễ chính: “むこ投げ – Mukonage", tức ném chú rể xuống vách núi đầy tuyết cao gần 5 mét và "すみ塗り – Suminuri" là bôi hỗn hợp gồm bồ hóng và tuyết lên mặt để cầu hạnh phúc, sức khỏe. 

    khieng-chang-re
    Chàng rể mới được khiêng diễu hành qua thị trấn để đến chùa Yakushido. Ảnh: niigatadrive

    Sau khi nghỉ chân tại Trung tâm cộng đồng Jiho phía sau suối nước nóng Matsunoyama tại thị trấn Matsunoyama-yumoto, bắt đầu từ 14h00, chú rể được 4 người bạn cõng trên vai, diễu hành qua thị trấn để đến khuôn viên chùa Yakushido, nơi diễn ra nghi lễ Mukonage. Tại đây, cả chú rể và người ném thực hiện việc cúng bái và uống rượu “Omiki – お神酒 – Thần Tửu”. Việc uống rượu sẽ giúp chàng rể cảm thấy dễ chịu hơn khi bị ném xuống từ vách núi và tiếp thêm sức lực cho người ném. Vào lúc 14h20, người ném bắt đầu hô một, hai, ba và tung chú rể lăn xuống chân vách núi, nơi người vợ của anh đang đứng chờ. Tại đây, cặp vợ chồng mới cưới nhận được lời chúc phúc của các vị sư tại chùa Yakushido.

    mukonage
    Chàng rể bị ném xuống "không thương tiếc" khi cùng vợ trở về thăm bố mẹ vợ vào đầu năm. Ảnh: ohmatsuri

    Sau khi thực hiện nghi lễ Mukonage thành công, các cặp vợ chồng mới kết hôn tiếp tục di chuyển đến quảng trường gần chùa Yakushido. Người dân Matsunoyama-yumoto đã dựng sẵn một hình nộm bằng rơm khổng lồ được gọi “賽の神 – Sai no Kami”, vị thần bảo vệ con người khỏi ma quỷ và những đứa trẻ sơ sinh khỏi bệnh tật. Người con rể bắt đầu đốt lửa và thiêu rụi tháp rơm, sau đó, anh và vợ trộn tro với tuyết rồi bôi lên mặt nhau và nói: “おめでとう – Chúc mừng!” để hoàn thành nghi lễ Suminuri với mong ước cuộc sống hôn nhân ấm êm, hạnh phúc. Tất cả những người tham gia cũng cùng thực hiện nghi lễ này, và chỉ nửa tiếng sau, mặt ai cũng được bôi đen và nở nụ cười hạnh phúc, khép lại lễ hội độc đáo chỉ diễn ra một lần mỗi năm tại thị trấn suối nước nóng Matsunoyama-yumoto. 

    suminuri
    Cặp vợ chồng mới cưới thực hiện nghi lễ Suminuri để cầu mong một tương lai hạnh phúc. Ảnh: niigata-kankou.or.jp

    Ý nghĩa đằng sau lễ hội Mukonage Suminuri

    Nghi thức Mukonage xuất hiện cách đây khoảng 300 năm. Ban đầu, những người đàn ông trong làng cảm thấy tức giận xen lẫn ganh tỵ khi chứng kiến các cô gái trong làng “bị cướp” bởi chàng trai của làng khác nên đã thực hiện Mukonage nhằm mục đích "xả giận". Vào thời điểm đó, khi chàng rể mới đến thăm nhà bố mẹ vợ vào đầu năm, những người đàn ông trong làng khiêng họ lên đền Thần đạo và ném xuống dưới. Nghi lễ này được tổ chức như một sự kiện nhỏ mừng năm mới tại thị trấn Tensuietsu gần Matsunoyama-yumoto. Ngày nay, địa điểm tổ chức cũng như ý nghĩa của Mukonage đã được thay đổi, đây trở thành nghi lễ cầu chúc hạnh phúc cho các cặp đôi vừa mới kết hôn. 

    Nghi lễ Suminuri còn có nguồn gốc lâu đời hơn Mukonage và được cho là xuất hiện vào khoảng 600 năm trước. Việc đốt hình nộm bằng rơm là lời cầu mong cho một mùa màng bội thu trong dịp năm mới. Nghi lễ này cũng xuất hiện ở nhiều nơi khác trên đất nước Mặt trời mọc.

    Xem thêm: Dondo-Yaki: lễ hội cầu bình an cho năm mới ở Nhật Bản

    le-hoi-suminuri
    Nghi lễ Suminuri thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách quốc tế cùng tham gia. Ảnh: ohmatsuri

    Dòng họ Kazunari khi tiếp quản ngôi làng Matsunoyama-yumoto đã gộp cả hai nghi lễ thành lễ hội Mukonage Suminuri. Trước kia, lễ hội chỉ có sự tham gia của người dân địa phương, nhưng sau khi đường hầm Toyohama được khai trương vào năm 1981 và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết suối nước nóng Matsunoyama Onsen đi vào hoạt động vào năm 1983, lễ hội đã quy tụ nhiều khách du lịch, nâng quy mô lên khoảng 400 đến 500 người. Những năm gần đây, cả người nước ngoài cũng hào hứng tham dự lễ hội truyền thống này.

    Mặc dù có nhiều ý kiến muốn dời việc tổ chức lễ hội sang cuối tuần, nhưng dòng họ Kazunari luôn mong muốn bảo tồn nét đẹp truyền thống tốt lâu đời này nên vẫn giữ nguyên ngày ban đầu là 15/01. Khi Mukonage Suminuri diễn ra, trường tiểu, trung học Matsunoyama Gakuen cũng hoà vào không khí lễ hội và cho phép cho trẻ em ở thị trấn nghỉ buổi chiều để tham gia.

    Du khách đến tham dự lễ hội nếu mong muốn có cơ hội được ném như chàng rể mới có thể liên hệ trước với làng Yumoto tại đây

    kilala.vn

    23/06/2021

    Bài: Rin

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!