Kí ức đã xa về những gánh hàng rong Botefuri

    Dù ngày nay, những gánh hàng rong gần như không còn xuất hiện trên đường phố Nhật Bản, đây lại là loại hình buôn bán thịnh hành và sôi động trên đường phố vào thời Edo.

    Đối với người Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, chắc hẳn chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh những gánh hàng rong đi lại khắp những con phố. Gánh thì bán hoa, gánh thì bán cốm, bán rau củ quả và cả đồ ăn nữa… Không riêng gì Việt Nam mà tại Nhật cũng đã từng xuất hiện những gánh hàng rong như thế và được gọi với cái tên “Botefuri”.

    Từ loại hình kinh doanh dành cho những người yếu thế

    Vào thời kì Edo (1603-1868), ở các đô thị lớn như Edo (nay là Tokyo) và Osaka thường xuất hiện những gánh hàng rong Botefuri (棒手売/ 棒手振)  với chiếc đòn gánh đặt trên vai, hai chiếc rổ phía trước và sau đựng những đồ mà họ sẽ bán, từ rau, cá, hải sản, thực phẩm khô đến những vật dụng hàng ngày như bát, đĩa, chổi, thậm chí cả côn trùng, đom đóm…

    botefuri
    Tái hiện lại những gánh hàng rong Botefuri. Ảnh: livedoor

    Theo chính sách ban đầu của Mạc phủ, Botefuri được cấp phép hoạt động cho những người trên 50 tuổi, dưới 15 tuổi và người khuyết tật. Nguyên nhân của việc giới hạn độ tuổi là bởi vào thời kỳ này, hỏa hoạn thường xuyên xảy ra ở Edo khiến nhiều người lớn, những trụ cột của gia đình, phải thiệt mạng, dẫn đến nhiều người không thể trang trải cuộc sống. Chính vì thế, đây phần nào là một hình thức để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương về mặt xã hội có thể mưu sinh.

    botefuri
    Gánh hàng của người bán ngao được trưng bày trong một căn phòng được phục dựng tại Bảo tàng Fukagawa Edo. Ảnh: Nippon

    Đến công việc thịnh hành

    Tuy nhiên, khác với những công việc đòi hỏi kỹ năng như thợ mộc, thợ may… Botefuri không cần kinh nghiệm, kiến thức và không giới hạn độ tuổi nên nhiều người phớt lờ chính sách của Mạc phủ và đổ xô đi bán hàng. Đây trở thành công việc lý tưởng cho những người đang thất nghiệp.

    Để bước chân vào lĩnh vực Botefuri, những người mới sẽ được chủ doanh nghiệp nơi họ thuê gánh hướng dẫn một số thông tin cơ bản như vị trí được bán, giá thị trường hiện nay như thế nào… Sau đó, những doanh nghiệp sẽ cho thuê trong ngày một bộ gánh cũng như phát khoảng 600 đến 700 mon, tương đương 7.200 đến 8.400 yên ngày nay, để mua hàng hóa. Cuối ngày, những người bán hàng rong sẽ trả lại khoản vay ban sáng cho chủ doanh nghiệp với lãi suất 2-3%, còn lại sẽ là doanh thu mà họ nhận được. Trung bình mỗi người trong một ngày sẽ kiếm được khoảng 1.200 đến 1.300 mon (khoảng 7.000 yên) sau khi trừ tiền vốn và lãi. Con số này dựa trên doanh số bán rau đề cập trong cuốn sách “Bunsei nenkan manroku” (Ghi chú về thời Bunsei). Vì tính chất tự do, không chịu sự quản lý nên những gánh hàng rong có thể bán hoặc nghỉ bất cứ khi nào, đôi khi vì trời mưa hay đơn giản là họ không muốn đi bán ngày hôm đó.

    botefuri
    Khung cảnh giao thương nhộn nhịp vào thời Edo với sự xuất hiện của Botefuri. Ảnh: ameblo

    Công việc này phần nào đã giúp nhiều người trang trải cuộc sống. Với những người giỏi kinh doanh, họ cũng tích góp được một số vốn lớn và thành lập doanh nghiệp của riêng mình. Đến năm 1659, khi Mạc phủ ban hành giấy phép thì con số thống kê chỉ riêng ở Edo là khoảng 5.900 Botefuri. Nhưng nhiều người cho rằng đây chưa phải con số chính xác, vì có những người hoạt động không giấy phép để tránh việc đóng thuế.

    Hàng hóa được thay đổi theo mùa

    “Mùa nào thức nấy” luôn đúng với mọi nền văn hóa ở các quốc gia. Ngoài những Botefuri luôn bán hàng hóa cố định, cũng có những người bán sản vật theo mùa để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

    Sau đây là các loại thực phẩm đặc trưng của từng mùa:

    botefuri

    Botefuri hiện diện trong tác phẩm của Kitagawa Morisada

    Kitagawa Morisada là một thương nhân thời Edo, tác giả của cuốn sách "Morisada mankou" hay được biết đến với tên tiếng Anh là "Morisada's Sketches", phác họa lại cuộc sống và văn hóa của người dân thời bấy giờ. Botefuri cũng được Morisada đề cập trong cuốn sách của mình (khoảng 90 trang), và thông qua những bức vẽ, có thể thấy được những món ăn mà những gánh hàng rong này bán vào thời Edo.
    botefuri
    Một Botefuri bán củ cải daikon. Ảnh: Morisada's Sketches
    botefuri
    Gánh hàng bán đậu phụ. Ảnh: Morisada's Sketches
    botefuri
    Họ còn bán cả cá vàng trên những gánh Botefuri. Ảnh: Morisada's Sketches
    botefuriGánh Botefuri ngoài đời. Ảnh: livedoor

    Xem thêm: Bảo tàng Edo Tokyo – nơi kể lại những mẩu chuyện xưa

    kilala.vn

    Kitagawa Morisada được biết đến là một thương gia, chính vì thế ông có cơ hội được đi nhiều nơi, quan sát được mọi việc. Ông là người có “tính cách kiên định, luôn tỉ mỉ quan sát và biết cách tự tạo niềm vui cho mình”, như lời nhận xét của Nhà sử học Tanno Akira. Vào năm 1840, khi Morisada cảm thấy mệt mỏi vì dành toàn bộ thời gian để đọc Shijing (sách kinh điển về thơ của Trung Quốc), ông đã nảy ra ý tưởng viết cho riêng mình một cuốn sách, ghi và vẽ minh họa lại những điều xảy ra vào thời Edo để truyền lại cho thế hệ sau. Cuốn sách sau này được biết đến với tên gọi “Morisada's Sketches” và được nhiều nhà sử học ngợi khen về tính chất hiếm có cùng giá trị còn tồn tại đến ngày nay, được sử dụng làm tài liệu cho những công trình nghiên cứu.


    23/06/2021

    Bài: Natsume
    Nguồn: Nippon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!