Joshiryoku: Thước đo phẩm giá phụ nữ Nhật?
Joshiryoku là gì?
"Joshiryoku" (女子力, "sức mạnh phụ nữ") là một từ tiếng Nhật mới xuất hiện vào năm 2000. Đến năm 2009, từ này bắt đầu phổ biến và vẫn còn thịnh hành cho đến giờ.
Trên thực tế, từ điển tiếng Nhật Digital Daijisen đã định nghĩa chi tiết: "Joshiryoku là từ chỉ người phụ nữ có khả năng nâng cao cách sống và thể hiện con người thật của mình, mà đây là điều không chỉ dành riêng cho phái nữ."
Tuy nhiên, “sức mạnh phụ nữ” này không giống với định nghĩa là người phụ nữ độc lập, tự do, có bản lĩnh như chúng ta nghĩ. Khi sử dụng trong đời sống cũng như những câu chuyện truyền thông, từ này lại mang ý nghĩa chỉ người phụ nữ “nữ tính”, thanh lịch, thuần khiết, cuốn hút và… được nam giới yêu thích. Theo đó, những người phụ nữ được xem là sở hữu "Joshiryoku" sẽ nấu ăn giỏi, ăn mặc có gu, trang điểm đẹp và có phong thái điềm đạm.
Đối với đa số phụ nữ Nhật Bản, họ cảm thấy hài lòng khi được khen bằng cụm từ này.
Các chuẩn đánh giá Joshiryoku
Nhìn chung, nữ giới Nhật Bản dù ở độ tuổi nào thì vẫn được kỳ vọng về nét nữ tính, quyến rũ, pha lẫn sự truyền thống và được bao hàm cả trong từ Joshiryoku. Cụ thể thì người ta thường dùng các tiêu chuẩn sau để đánh giá rằng người phụ nữ đó có sở hữu Joshiryoku hay không.
Một người phụ nữ được xem là Joshiryoku khi:
• Dịu dàng, hiểu được cảm nhận của người khác
• Giỏi việc bếp núc
• Phong thái nhẹ nhàng, tinh tế, cử chỉ và ngôn từ lịch thiệp, có chính kiến nhưng không quá mạnh mẽ
• Xinh đẹp, dễ thương, biết trang điểm, có gu thời trang
Ngược lại, người phụ nữ có những điểm sau đây sẽ bị cho là không đủ Joshiryoku:
• Sống “thoáng”, “cởi mở” và gợi cảm
• Không trang điểm
• Quá mạnh mẽ, nhiệt tình, hăng hái
Từ những tiêu chuẩn trên có thể nói đơn giản rằng, thay vì hiểu “Joshiryoku” là quyền lực phụ nữ thì nên hiểu là “quý cô hoàn hảo”.
Joshiryoku - thể hiện quyền lực hay thước đo đánh giá?
Mặc dù nói “Joshiryoku” khá phổ biến và được chấp nhận sử dụng rộng rãi không đời sống nhưng không phải ai cũng thích thú từ này. Trong một cuộc khảo sát của Asahi Shimbun, hơn nửa số người được hỏi cho biết họ không có ấn tượng tích cực về từ “Joshiryoku”.
Một cô gái trẻ cho biết cô cảm thấy bản thân bị áp lực bởi những định kiến chuẩn mực này và khiến cô cảm thấy bị xã hội áp đặt. Một cô gái khác ở độ tuổi 20 cho biết cô cảm thấy rất giận dữ khi đồng nghiệp khen cô thật “Joshiryoku” lúc cô chia phần xa-lát vào tô cho mọi người. Cô nói: “Tôi cảm thấy rất tức giận vì bị đóng khung vào các chuẩn mực thể hiện sự nữ tính, trong khi tôi chỉ làm vì muốn giúp đỡ người khác mà thôi.”
Không chỉ nữ giới, có đến 20% nam giới tham gia khảo sát không thích sử dụng từ “Joshiryoku”. Một anh thanh niên trong độ tuổi 20 cho rằng việc dùng Joshiryoku sẽ tái chứng minh sự phân chia công việc truyền thống của Nhật Bản dựa trên giới tính và cản bước phụ nữ trong nhiều lĩnh vực. Một người đàn ông khác trong độ tuổi 60 cũng cho rằng không nên sử dụng từ này bởi dùng một từ có liên quan đến đặc điểm giới tính có thể là hình thức quấy rối.
Khi xã hội ngày càng phát triển, mọi người bắt đầu có một cách nhìn khác hơn và rộng hơn, từ đó các cuộc tranh luận xảy ra xung quanh từ ngày ngày một nhiều. Bởi vì quyền lực của một người phụ nữ không phải là điều gì đó thể hiện qua việc họ đạt được chuẩn mực nào trong mắt người đối diện, đặc biệt là nam giới.
kilala.vn
26/06/2020
Bài: Aki Kanou
Đăng nhập tài khoản để bình luận