Furoshiki: Linh hồn của Mottainai và những ứng dụng trong đời sống hiện đại

    Bắt nguồn từ sự giản đơn tuyệt đối với chức năng cơ bản là gói, đựng đồ đạc, Furoshiki đã được nâng lên thành một nghệ thuật. Không chỉ chứa đựng trong mình tinh thần chống lãng phí của người Nhật, nó còn là phương tiện thể hiện tâm ý, sự chăm chút của người trao đến người nhận khi được sử dụng để gói những món quà. Có lúc người ta gần như quên đi sức mạnh của tấm vải đơn sơ này, nhưng ngày nay, Furoshiki đã được tái sinh với những biến đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại, đặc biệt khi lối sống xanh, bền vững ngày càng cần thiết được lan rộng.

    Furoshiki là gì?

    “Furoshiki - 風呂敷” là một tấm vải vuông lớn được người Nhật sử dụng để bọc, gói quà tặng, đồ dùng cá nhân hoặc sử dụng như một chiếc túi, tương tự như tay nải của Việt Nam thời xưa. Ban đầu, Furoshiki được cắt may từ một cuộn vải rộng khoảng 35-40cm, dài khoảng 12m sao cho không để thừa, nên trong nhiều trường hợp, chiếc khăn sẽ có dạng hình chữ nhật thay vì vuông vức.

    Ngày nay, phổ biến nhất là Furoshiki vuông, rộng 50cm (chuhaba) hoặc 70cm (futahaba) mỗi bề, tuy nhiên còn nhiều kích cỡ khác tùy thuộc mục đích sử dụng. Đơn cử, một chiếc khăn có chiều rộng khoảng 2,3m (Nanahaba) có thể được dùng để đóng gói đồ đạc khi chuyển nhà.

    furoshiki nhật bản
    Ảnh: D Magazine

    Chất liệu của Furoshiki cũng khá đa dạng, từ vải lụa, sợi hóa học, sợi tái chế, sợi bông, canvas. với nhiều họa tiết và màu sắc phong phú. Ước tính có đến cả trăm cách gói Furoshiki khác nhau với nhiều loại nút thắt sáng tạo.

    kích thước furoshiki
    Các kích cỡ Furoshiki cơ bản và ứng dụng của chúng. Ảnh: tokuboan.jp

    Sự ra đời của Furoshiki

    Chiếc khăn thân thuộc với đời sống của người dân xứ Phù Tang đã có một lịch sử kéo dài hơn 1.200 năm. Ban đầu nó được gọi với một cái tên khác là “Tsutsumi - 包み”, có nghĩa là “bọc”, và lần đầu tiên được sử dụng trong thời Nara (710-794) như một tấm vải để bảo vệ đồ vật quý giá trong những ngôi đền, chùa ở Nhật Bản.

    Đến thời kỳ Heian (794-1185), vai trò của nó đã thay đổi đôi chút khi trở thành tấm vải để bọc quần áo. Nhưng phải đến thời Muromachi (1336-1573), Furoshiki mới trở thành chiếc khăn hữu ích mà chúng ta biết đến ngày nay, bắt nguồn từ việc một nhóm lãnh chúa không muốn quần áo của họ bị lẫn lộn khi đến thư giãn tại suối nước nóng.

    Khoảng 600 năm trước, Tướng quân Yoshimitsu Ashikaga đã xây dựng một nhà tắm ở Kyoto và mời những người có địa vị cao từ khắp nơi đến tham gia. Để đảm bảo không vô tình lấy nhầm Kimono của người khác, một số lãnh chúa đã gói trang phục của mình trong một tấm vải có trang trí gia huy của họ. Đây cũng là cách Furoshiki đã được đặt tên: ghép từ các ký tự “furo - 風呂” (bồn tắm) và “shiki - 敷”, nghĩa là "trải".

    furoshiki onsen
    Ảnh: kumaque.com

    Dần dà, việc sử dụng Furoshiki đã lan rộng trong cộng đồng và không lâu sau đó, chúng được dùng để gói và vận chuyển mọi thứ, từ thức ăn, hàng hóa mua sắm đến đồ mỹ nghệ, quà tặng, thậm chí trở thành một chiếc túi đa năng. Điều đặc biệt là Furoshiki có thể tái sử dụng nhiều lần, đúng với tinh thần Mottainai của người Nhật.

    Từ mục đích chức năng thuần túy, Furoshiki đã được phát triển để đạt đến giá trị thẩm mỹ cao nhưng vẫn không làm mất đi ý nghĩa ban đầu. Kết quả là sự hòa hợp giữa vẻ đẹp và chức năng – một sự kết hợp đại diện cho cách tiếp cận của nền văn hóa xứ Phù Tang đối với các khía cạnh của cuộc sống bình thường.furoshiki thời edo

    Furoshiki được người xưa sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Ảnh: kizuna-saga.jp

    Bọc quà dưới chiếc khăn không chỉ nhằm mục đích che đi và tạo bất ngờ cho người nhận, mà đó còn là sự chu đáo, tận tâm của người tặng để làm tăng giá trị thẩm mỹ và tinh thần của món quà ấy. Chọn hoa văn theo mùa, thay đổi cách gói theo từng dịp, Furoshiki dường như nói thay tấm lòng được gửi gắm vào đó. Kunio Ekiguchi, tác giả cuốn “Gift-Wrapping: Creative ideas from Japan” từng nói rằng, “Tặng một món quà giống như gói lấy trái tim của một người vậy”.

    Biểu tượng của Mottainai trong đời sống hiện đại

    Dù giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật trong hàng trăm năm, nhưng Furoshiki ngày càng ít phổ biến hơn sau Thế chiến II do sự xuất hiện và xâm chiếm của chiếc túi nhựa hay túi giấy siêu tiện lợi.

    Nhưng phong trào “Mottainai” (không lãng phí) của Wangari Maathai, một nhà hoạt động xã hội, môi trường và chính trị người Kenya, người phụ nữ châu Phi đầu tiên giành giải Nobel Hòa bình vào năm 2004 đã tạo ra những chuyển biến tích cực.

    Sau khi đến thăm đất nước mặt trời mọc vào tháng 02/2005 và bị ấn tượng sâu sắc, bà quyết định hợp sức với các tổ chức ở Nhật để đưa triết lý Mottainai ra thế giới, với mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề lãng phí.

    wangari maathai
    Ảnh: Tokyo Room Finder

    Thị trưởng Tokyo khi ấy đã gửi tặng bà chiếc khăn Furoshiki để thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào. Từ đó, Furoshiki đã được hồi sinh với chất truyền thống Nhật Bản hòa trộn với một chút hiện đại trong thiết kế.

    Năm 2006, bà Yuriko Koike, Bộ trưởng Bộ Môi trường khi ấy đã khởi động chiến dịch "Mottainai Furoshiki" như một biểu tượng của văn hóa Nhật Bản nhằm giảm thiểu rác thải sinh hoạt từ túi nhựa. Tại Hội nghị quan chức cấp cao về Sáng kiến 3R tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 06-08/03/2006, bà phát biểu:

    “Furoshiki tiện dụng đến mức bạn có thể bọc hầu hết mọi thứ bên trong bất kể kích thước hay hình dạng, chỉ với một chút khéo léo để gấp nó theo đúng cách. Nó ưu việt hơn nhiều so với túi nhựa mua ở siêu thị hoặc giấy gói vì có khả năng chống chịu cao, có thể tái sử dụng và đa năng. Trên thực tế, đó là một trong những biểu tượng của văn hóa truyền thống Nhật Bản và nhấn mạnh vào việc giữ gìn đồ đạc, tránh lãng phí."

    ứng dụng furoshiki
    Ảnh: Spoonflower Blog

    Bà nói thêm: "Sẽ thật tuyệt nếu Furoshiki, với tư cách là một biểu tượng của văn hóa truyền thống Nhật Bản, có thể tạo cơ hội để chúng ta tái xem xét tính khả dĩ của một xã hội với chu trình vật chất lành mạnh. Từ đáy lòng, tôi muốn phổ biến văn hóa Furoshiki ra toàn thế giới”.

    [subscribe]

     Sống xanh đúng điệu - 101 cách biến hóa với Furoshiki

    Ngày nay, các cách sử dụng phổ biến nhất của Furoshiki bao gồm gói hộp cơm Bento, gói quà tặng, bọc đồ thủy tinh, gốm sứ hoặc hàng dễ vỡ để vận chuyển, bọc trang phục. Hoặc chúng cũng có thể biến hóa thành nhiều kiểu túi khác nhau, chỉ cần với một chút khéo léo.

    Những hoa văn đặc biệt tinh xảo có thể được treo trên tường như một tác phẩm nghệ thuật, hoặc choàng qua vai như một chiếc khăn, hay trở thành phụ kiện điểm tô cho mái tóc. Có thể nói, giới hạn của việc ứng dụng Furoshiki là tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của chúng ta!

    cách gói furoshiki
    Biến hóa với Furoshiki. Ảnh: zusetsu.com

    bọc sách bằng vải

    Bọc sách bằng khăn Furoshiki. Ảnh: zusetsu.com
    bọc chai nhựa bằng vải
    Tham khảo cách gói hai chai rượu để làm quà tặng. Ảnh: zusetsu.com
    Và nếu bạn thường xuyên đem cơm đi làm, hãy thử ba cách gói Bento nhanh gọn nhưng siêu phong cách dưới đây nhé.

    kilala.vn

    poster

    Thông tin ngày diễn ra sự kiện:

    + Thời gian: 09h00 - 18h00, ngày 07/01/2023.

    + Địa điểm: Nam Thi House, 152 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

    + Link sự kiện: https://fb.me/e/2wLegMLpb 

    + Đơn vị tổ chức và thực hiện: Kilala.

    + Đơn vị đồng hành: Nam Thi House.

    Những lưu ý khi tham gia sự kiện:

    + Không đem thức ăn nước uống bên ngoài.

    + Khuyến khích khách tham gia mang theo bình nước cá nhân.

    + Hoạt động bán hàng không dùng túi, khách tự mang theo túi để đựng hàng hóa.

    04/01/2023

    Bài: Andante

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!