11 vật dụng tâm linh trong Thần đạo

    Không ai biết chúng đã ra đời bao giờ và bởi lẽ vì sao, nhưng những vật dụng này đã luôn song hành cùng sự lớn mạnh của Thần đạo tại xứ Mặt trời mọc. Nếu bạn đã từng thắc mắc về tên gọi của chúng, thì hãy cùng Kilala điểm danh từng vật dụng một bên dưới đây.

    Kamidana

    vật dụng tâm linh trong Thần đạo
    (Ảnh: Pinterest)

    Là bàn thờ để cúng tế thần linh. Theo truyền thống, Kamidana sẽ được đặt tại những nơi trọng yếu trong đời sống sinh hoạt như nhà bếp, sảnh ra vào,… còn trường hợp công ty thì sẽ được đặt gần vị trí của giám đốc hoặc trọng tâm của văn phòng. Càng ở gần trần nhà của tầng cao nhất, hướng về phía Nam hoặc phía Đông thì càng tốt.  

    Shimenawa

    dây thừng treo quanh đền thờ

    (Ảnh: www.tokyostreetview.com)

    Là sợi dây thừng được bện bằng rơm, có gắn những dải giấy trắng gọi là Shide, thường được treo bao quanh các đền thờ hoặc vật hiện thân của thần để đánh dấu ranh giới giữa cõi thần và người. Shimenawa cũng mang ý nghĩa xua tan tai ách, mang lại sự tịnh tâm cho con người.

    Mikagami

    chiếc gương tròn Mikagami

    (Ảnh: yamamaru.net)

    Là chiếc gương tròn thường có mặt tại chính điện của đền hoặc các bàn thờ, tượng trưng cho thánh thể của thần linh. Đồng thời cũng là biểu tượng của Mặt Trời, là hiện thân của Nữ thần Amaterasu. Theo thần thoại, nữ thần đã dặn dò Thiên tôn Ninigi: “Hãy thờ phụng những tấm gương này như thờ phụng linh hồn ta”.

    Torii

    cổng Torii
    (Ảnh: PIXTA)

    Là chiếc cổng biểu tượng của từng ngôi đền. Cũng được xem là “kết giới” đánh dấu “tục giới” và “thánh vực” tại nơi đó. Theo tín ngưỡng dân gian, nếu ném cho hòn đá đậu lại trên cổng Torii thì mọi nguyện ước đều sẽ thành hiện thực.

    Suzu

    chuông Suzu

    (Ảnh: toki.tokyo)

    Là chiếc chuông cỡ lớn được treo trên các sợi dây thừng ở ngay trước điện thờ. Người viếng đền thường cầm sợi dây bên dưới để lắc chuông, kêu gọi thần linh chứng giám lời nguyện cầu của mình.

    Sanbo

    bệ gỗ đặt đồ cúng

    (Ảnh: redsearch.org)

    Là những bệ gỗ dùng để đặt đồ cúng. Trên 3 mặt của bệ có khoét lỗ tròn để trang trí, do đó mới được đặt tên là “Sanbo” (tam phương). Khi cúng vật phẩm cho thần, người Nhật sẽ xoay mặt không khoét lỗ về phía các thần.

    Sakaki

    cây Sakaki

    (Ảnh: instagram)

    Là loài cây thường xanh ít khi vắng mặt trên các bàn thờ hoặc tế đàn. Các cành Sakaki thường được thay mới vào ngày 1 và 15 hàng tháng, và được cúng cùng với các vật phẩm vào những sự kiện ăn mừng, lễ tết hoặc lễ hội tổ chức trong gia đình.  

    Gohei

    Gohei
    (Ảnh: flickr)

    Gồm 2 dải Shide được kết lại bằng tre hoặc gỗ. Ngày xưa, do giấy và vải dùng để làm Gohei rất quý nên chúng thường được dâng lên thần linh với ý nghĩa cảm tạ. Về sau, Gohei dần được cúng tế long trọng như vật đại diện cho thần thánh.

    Onusa

    vật dụng Onusa
    (Ảnh: PIXTA)

    Là đạo cụ dùng để thanh tẩy trong các tế lễ. Loại phổ biến nhất thường thấy ngày nay là các vật dùng để đính cành Sakaki, các dải Shide hoặc sợi dây gai dầu.

    Hitogata – Katashiro

    giấy hình người Hitogata - Katashiro

    Là tên gọi của những mảnh giấy hình người được cho là sẽ thay thế con người hứng chịu những lời nguyền rủa, tật ách, tai ương…

    Mikoshi

    kiệu rước thần trong lễ hội Thần đạo
    (Ảnh: kyotomoyou.jp)

    Là chiếc kiệu rước thần trong các lễ hội Thần đạo. Thần linh sẽ ngự tọa trên những chiếc kiệu này để đi dạo quanh khu phố và ban phước lành cho cuộc sống của người dân.                

    kilala.vn

    28/03/2019

    Bài: Inako / Hình ảnh: Pixta

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!